Tác dụng của vaccin bại liệt

Bệnh bại liệt trẻ em là một bệnh truyền nhiễm do virus bại liệt lây qua đường tiêu hóa gây ra. Virus sẽ gây viêm sừng trước tủy sống, rồi dẫn đến bị liệt hai chi dưới, nếu không điều trị kịp thời sẽ bị tàn tật vĩnh viễn. Bệnh thường gặp ở trẻ từ 1-5 tuổi và hay xuất hiện ở mùa hè thu.

Hiện nay chúng ta có thể phòng bệnh này bằng vaccin bại liệt. Kể từ khi được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia vào năm 1955, bệnh bại liệt đã được thanh toán ở Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, ở một số quốc gia bệnh vẫn còn khá phổ biến. Vì lý do đó, vaccin phòng bại liệt vẫn là một trong những vaccin bắt buộc nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia cho trẻ em.

Vaccin bại liệt được sử dụng như thế nào?

Trước năm 2000, vaccin bại liệt đường uống làm từ các virus sống (OPV) được sử dụng trên toàn thế giới. Mặc dù các vaccin sống tỏ ra khá hiệu quả trong việc bảo vệ cơ thể chống bệnh bại liệt, nhưng có một số ca mắc bại liệt hàng năm lại do chính bản thân vaccin sống gây ra. Vào năm 2000, Bộ y tế Hoa Kỳ đã đổi sang dạng vaccin bại liệt làm bất hoạt (IPV). Việc sử dụng vaccin làm từ virus đã được làm bất hoạt không có khả năng gây bệnh, vaccin IPV được sử dụng dưới dạng tiêm ở tay hoặc chân.

 

Những đối tượng cần tiêm vaccin bại liệt

Tất cả mọi người nên được tiêm vaccin bại liệt khi còn nhỏ. Trẻ em nên được tiêm 4 liều vaccin IPV tại các thời điểm sau:

  • 1 liều vào lúc 2 tháng tuổi
  • 1 liều vào lúc 4 tháng tuổi
  • 1 liều vào lúc 6 – 18 tháng tuổi
  • 1 liều nhắc lại vào 4 – 6 tuổi

IPV có thể được tiêm vào cùng thời điểm với các loại vaccin khác.

Do hầu như tất cả mọi người đều đã được tiêm vaccin khi còn nhỏ nên việc chủng ngừa bại liệt thường xuyên là không được khuyến cáo đối với người trên 18 tuổi. Tuy nhiên, 3 nhóm đối tượng có nguy cơ cao tiếp xúc với virus bại liệt nên cân nhắc về việc dùng nhắc lại bao gồm:

  • Những người đi du lịch tới các khu vực vẫn tồn tại bệnh bại liệt
  • Những người làm việc trong các phòng thí nghiệm có tiếp xúc với virus bại liệt
  • Những nhân viên y tế có tiếp xúc gần với những người có thể bị nhiễm virus bại liệt

Nếu bạn nằm trong một trong 3 nhóm đối tượng trên, bạn nên đi tiêm nhắc lại vaccin. Trường hợp bạn chưa từng được tiêm vaccin phòng bại liệt, bạn nên tiêm 3 liều vaccin bại liệt IPV:

  • Liều thứ nhất vào bất cứ thời điểm nào
  • Liều thứ hai sau từ 1 – 2 tháng
  • Liều thứ ba sau 6 – 12 tháng tiếp theo sau liều thứ hai

Nếu bạn đã từng sử dụng 1 – 2 liều vaccin bại liệt trước kia, bạn vẫn nên tiêm nốt 1 - 2 mũi còn lại.

 

Những đối tượng không nên sử dụng vaccin bại liệt

  • Những đối tượng đã từng bị dị ứng nghiêm trọng với vaccin bại liệt
  • Những đối tượng đã từng bị dị ứng nghiêm trọng với các kháng sinh như streptomycin, polymyxin B, neomycin

Mặc dù chưa ghi nhận tác dụng phụ nào trên đối tượng phụ nữ mang thai đã được sử dụng vaccin, tuy nhiên phụ nữ có thai nên tránh tiêm vaccin bại liệt nếu có thể. Những bà bầu thuộc một trong ba nhóm khuyến cáo nên tiêm vaccin nêu trên nên trao đổi với bác sỹ về việc tiêm một liều vaccin IPV theo lịch dành cho người lớn.

 

Những tác dụng không mong muốn của vaccin bại liệt

Một số người sau khi tiêm vaccin bại liệt có thể bị đau, sưng đỏ tại vị trí tiêm. Tuy nhiên, hầu hết mọi người sẽ không gặp phải bất cứ tác dụng phụ nghiêm trọng nào. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top