Viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng gan rất nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng do vi rút viêm gan B gây ra. Đó là loại viêm gan siêu vi nghiêm trọng nhất và là một vấn đề lớn của y tế toàn cầu. Nhiễm viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu của bệnh xơ gan và ung thư gan.
Nhiễm viêm gan B có thể dẫn đến nhiễm lâu dài mãn tính trong đó virus liên tục tồn tại trong máu và chất dịch khác của cơ thể người bị nhiễm. Tình trạng này được gọi là nhiễm virus viêm gan B mãn tính.
Vi rút viêm gan B rất dễ lây. Khả năng lây nhiễm cao hơn HIV từ 50 đến 100 lần. Viêm gan B lây truyền qua tiếp xúc với máu hoặc các chất dịch cơ thể của một người bị nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính.
Một trong những cách thức lây nhiễm phổ biến và quan trọng nhất là lây nhiễm trong khi sinh, khi trẻ được sinh ra từ một bà mẹ bị viêm gan B mãn tính. 90% trẻ bị nhiễm trong khi sinh có khả năng bị nhiễm trùng mãn tính.
Hiện chưa có cách chữa trị viêm gan B, và những người bị nhiễm bệnh có thể truyền bệnh viêm gan B cho người khác. Vì vậy, việc phòng ngừa là lựa chọn tốt nhất để đối phó với căn bệnh này cũng như hậu quả của nó.
Có một loại vắc-xin an toàn, hiệu quả và được sử dụng rộng rãi giúp ngăn ngừa nhiễm virus viêm gan B. Mọi người cũng nên áp dụng biện pháp phòng ngừa hợp lý để tránh lây nhiễm, chẳng hạn như không dùng chung bàn chải đánh răng hoặc dao cạo với người khác.
Dựa trên những nhận định dè dặt, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B mãn tính là 10% ở phụ nữ mang thai và ước tính mỗi năm sẽ có 54.655 trẻ sơ sinh bị nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính.
Những trẻ em này có nguy cơ bị các biến chứng từ viêm gan B mãn tính. Do sẽ bị nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính nên các trẻ này cũng có thể lây nhiễm vi rút sang người khác, làm cho bệnh lây lan thêm.
Cách an toàn và hiệu quả nhất để ngăn ngừa lây nhiễm virus viêm gan B là thông qua tiêm phòng kịp thời vắc-xin viêm gan B.
WHO khuyến cáo cần tiêm liều vắc-xin viêm gan B đầu tiên càng sớm càng tốt sau khi sinh (trong vòng 24 giờ đầu), tiếp theo là 2 hoặc 3 liều với khoảng thời gian cách nhau tối thiểu là 4 tuần.
WHO cam kết kiểm soát một cách hiệu quả nhiễm trùng viêm gan B thông qua tiêm chủng vắc-xin viêm gan B.
Tổ chức Y tế Thế giới Khu vực Tây Thái Bình Dương cam kết giúp các nước giảm tỷ lệ nhiễm viêm gan B mãn tính ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 2% vào năm 2012 và dưới 1% vào năm 2017.
WHO đang theo dõi tác động của chính sách này bằng cách tiến hành các cuộc điều tra xác định số trẻ nhỏ bị nhiễm bệnh. Chính sách này đã được chứng minh rất hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ nhiễm viêm gan B mãn tính ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
Vắc-xin viêm gan B được phát minh cách đây 30 năm và đã được sử dụng trên toàn cầu kể từ thời điểm đó. Hàng trăm triệu người đã được tiêm vắc-xin viêm gan B. Vắc-xin này ngăn chặn hơn 95% các ca lây nhiễm.
Vắc-xin sử dụng tại Việt Nam được sản xuất theo công nghệ tái tổ hợp DNA, bao gồm các thành phần protein của virus viêm gan B có thể làm cho hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận biết và đáp ứng với khả năng nhiễm virus viêm gan B. Vắc-xin này không chứa virus viêm gan B do đó không gây ra nhiễm trùng.
Chỉ những loại vắc-xin được cấp phép mới được các chương trình tiêm chủng sử dụng. Việc cấp phép cho vắc-xin được thực hiện bởi cơ quan quản lý của quốc gia. Cơ quan này kiểm tra các quy trình sản xuất để đảm bảo rằng các hoạt động sản xuất hiện nay tuân thủ đúng quy trình. Vắc-xin tiếp tục được theo dõi rất chặt chẽ vì lí do an toàn sau khi được cấp phép và trong quá trình sử dụng.
Sự an toàn của vắc-xin viêm gan B được nghiên cứu thường xuyên kể từ lần đầu đưa vào sử dụng. Vắc-xin có một số tác dụng phụ nhỏ và phổ biến, chẳng hạn như đau tại chỗ tiêm và sốt kéo dài dưới một ngày.
Cũng như tất cả các loại vắc-xin, vắc-xin viêm gan B có thể gây ra phản ứng dị ứng ngắn hạn được gọi là phản ứng quá mẫn (phản vệ). Ước tính xảy ra 1 lần trong mỗi 1,1 triệu liều tiêm vắc-xin phòng viêm gan B. Mặc dù đã có rất nhiều nghiên cứu dài hạn, vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy các tác dụng có hại nghiêm trọng và lâu dài liên quan đến nguyên nhân do tiêm phòng viêm gan B.
Tất cả các loại vắc-xin được sử dụng theo Chương trình quốc gia về Tiêm chủng mở rộng của Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và an toàn quốc tế. Vắc-xin viêm gan B được sản xuất trong nước bởi Công ty Vắc-xin và Sinh học số 1. Vắc-xin đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của Bộ Y tế và đã được sử dụng từ năm 1997 tại Việt Nam.
Ngoài ra, mỗi lô vắc-xin sản xuất ra cũng được Viện Kiểm định Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế Quốc gia tại Việt Nam cấp phép sử dụng, có nghĩa là nó phải đươc kiểm tra chất lượng và tăng cường độ an toàn một lần nữa trước khi được đưa vào sử dụng.
Kinh nghiệm của Việt Nam với liều vắc-xin viêm gan B sau sinh là gì?
Việt Nam đưa vắc-xin viêm gan B vào sử dụng năm 2002 và đưa liều vắc-xin viêm gan B sau sinh năm 2003. Đến năm 2006, Việt Nam đã đạt được tiến bộ lớn tăng độ bao phủ của liều sau sinh kịp thời đến gần 65% và tăng lên 75% vào năm 2012.
Tại sao việc tiêm chủng cho trẻ sơ sinh phòng ngừa bệnh viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh lại quan trọng?
WHO khuyến cáo tiêm chủng phòng bệnh viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh, điều này dựa trên những bằng chứng quốc tế tốt nhất có được và thông qua tham vấn với các chuyên gia toàn cầu.
Viêm gan B là một bệnh lưu hành tại Việt Nam với hơn 10%-12% phụ nữ mang thai bị nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính. Do đó, lây truyền bệnh từ mẹ sang con là một yếu tố quan trọng góp phần vào tỉ lệ nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính cao tại Việt Nam.
Trẻ sơ sinh bị nhiễm virus viêm gan B không có triệu chứng gì, nhưng 90% có thể bị nhiễm bệnh mãn tính lâu dài. Việc cung cấp vắc-xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh rất quan trọng để ngăn ngừa lây truyền từ mẹ sang con.
Để ngăn chặn ngừa lây nhiễm virus viêm gan B, WHO tiếp tục khuyến cáo tiêm liều vắc-xin viêm gan B đầu tiên trong vòng 24 giờ sau sinh cho trẻ, với 2 liều bổ sung trong vòng một năm sau đó.
Cần có những thận trọng gì đặc biệt trong việc tiêm chủng cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh?
Vì liều viêm gan B sau sinh thường được tiêm tại một bệnh viện ở Việt Nam, bác sĩ sản khoa hoặc nữ hộ sinh sẽ đánh giá các em bé mới sinh bằng cách quan sát tình trạng chung của trẻ sơ sinh, tính toán cân nặng và các dấu hiệu sinh tồn quan trọng.
Bao nhiêu quốc gia thực hiện tiêm chủng phòng viêm gian B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh?
Tính đến tháng 7 năm 2011, có 179 quốc gia thành viên thực hiện tiêm chủng cho trẻ sơ sinh phòng viêm gan B trong lịch trình tiêm chủng. Đây là sự gia tăng lớn so với 31 quốc gia trong năm 1992, năm mà Hội đồng Y tế Thế giới thông qua nghị quyết khuyến nghị việc tiêm chủng toàn cầu chống lại bệnh viêm gan B. Ngoài ra, tính đến tháng 7 năm 2011, 93 quốc gia thành viên đã đưa vào sử dụng liều viêm gan B sau sinh.
Tại sao lại áp dụng liều sau sinh toàn cầu cho tất cả các trẻ sơ sinh mà không áp dụng cách tiếp cận mục tiêu cho những trẻ sinh ra bởi các bà mẹ dương tính với viêm gan B?
Cách tiếp cận mục tiêu cho những trẻ sinh ra bởi các bà mẹ dương tính với viêm gan B rất khó thực hiện. Dưới đây là một số lý do:
- Việc tiếp cận, cung cấp cũng như chăm sóc tiền sản còn nghèo nàn;
- Nhân viên y tế hoặc các cơ sở y tế không được trang bị để tiến hành xét nghiệm viêm gan B trong quá trình chăm sóc tiền sản;
- Có thể thiếu nguồn tài chính cho việc xét nghiệm và/hoặc các chi phí cần thiết để xét nghiệm có thể tương đương hoặc lớn hơn chi phí cần cho chương trình tiêm chủng cho trẻ sơ sinh.
Chính sách tiêm chủng trẻ sơ sinh toàn cầu ngay sau sinh đem lại thêm lợi ích về mặt “lưới an toàn”, không chỉ để phòng ngừa nhiễm trùng trong khi sinh, mà còn chống lại sự lây truyền sau đó từ người nhà hoặc từ các nguồn khác.
Ngoài ra, áp dụng một liều sau sinh liên quan đến việc hoàn thành đúng thời hạn loạt vắc-xin phòng viêm gan B với tỉ lệ cao hơn và trong một số tình huống còn giúp hoàn thành nhanh hơn.
Việt Nam có ghi nhận số trường hợp tử vong trẻ sơ sinh liên quan đến tiêm vắc xin cao hơn các nước khác hay không?
Tỷ lệ các tác dụng phụ sau tiêm chủng tại Việt Nam hoàn toàn nằm trong tỷ lệ ghi nhận được trên toàn cầu.
Một điều rất quan trọng cần nhớ đó là mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 1,7 triệu trẻ em dưới một tuổi được tiêm phòng 8 loại vắc xin thiết yếu cho trẻ em, và mặc dù một trường hợp xảy ra đã là quá nhiều, các tác dụng phụ sau tiêm chủng ghi nhận được vẫn là vô cùng hiếm.
Sốc phản vệ sau khi tiêm chủng ở trẻ em là gì?
Hầu hết các tác dụng phụ của vắc-xin là rất nhẹ và tồn tại trong thời gian ngắn, ví dụ như đau ở chỗ tiêm, phát ban hoặc sốt nhẹ. Thông thường các tác dụng phụ kéo dài chỉ một vài giờ hoặc vài ngày và không làm gián đoạn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, bất ngờ được gọi là phản vệ hoặc sốc phản vệ - đã nhiều lần được mô tả hoặc nghi ngờ là một hậu quả bất lợi hiếm hoi của vắc-xin dành cho con người.
Phản ứng dị ứng nghiêm trọng từ vắc-xin là rất hiếm. Trong trường hợp xảy ra, phải báo cáo ngay các trường hợp này cho trung tâm y tế gần nhất để họ có thể nhanh chóng theo dõi và điều tra.
Trong khi chỉ một thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong do vắc-xin cũng là vấn đề lớn, thì lợi ích của việc tiêm chủng là rất lớn so với rủi ro, và sẽ có nhiều chấn thương và tử vong hơn nữa có thể xảy ra nếu không được tiêm chủng.
Nếu cha mẹ nào lo lắng về sức khỏe của con em mình sau khi tiêm chủng hoặc điều trị y tế, họ cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh