Tiêm vắc-xin sởi - Rubella cho phụ nữ mang thai liệu có ảnh hưởng

Nhằm cung cấp những thông tin cập nhật đầy đủ về bệnh sởi, Rubella, các biện pháp phòng bệnh cũng như những điều cần biết về vắc-xin phối hợp sởi - Rubella trong Chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - Rubella cho trẻ 1 - 14 tuổi trên toàn quốc; Dự án Tiêm chủng mở rộng - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã biên soạn cuốn “Hỏi đáp về bệnh sởi và bệnh Rubella”.

 

6.  Lịch tiêm vắc-xin sởi và vắc-xin sởi - Rubella trong Chương trình TCMR ở Việt Nam là như thế nào?

Trong tiêm chủng thường xuyên: Đối với vắc-xin sởi, tiêm mũi thứ nhất cho trẻ 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi.

Trong chiến dịch tiêm tiêm vắc-xin sởi - Rubella năm 2014 - 2015: Tất cả trẻ em từ 1 tuổi đến 14 tuổi được tiêm 1 mũi vắc-xin phối hợp sởi - Rubella.

Phụ nữ cần được tiêm chủng vắc-xin Rubella trước khi có kế hoạch mang thai ít nhất 1 tháng.

 

7.  Nữ tuổi sinh đẻ có cần tiêm vắc-xin Rubella?

Phụ nữ có thai chưa được tiêm phòng bệnh Rubella trước thời gian mang thai, nếu nhiễm virut Rubella trong 3 tháng đầu của kỳ mang thai có thể truyền virut sang cho thai nhi gây hội chứng Rubella bẩm sinh. Vì vậy phụ nữ cần được tiêm chủng vắc-xin Rubella trước khi có kế hoạch mang thai ít nhất 1 tháng.

 

8.  Trường hợp nào cần chống chỉ định hoặc tạm hoãn tiêm vắc-xin sởi - Rubella?

Không tiêm vắc-xin sởi - Rubella trong các trường hợp sau:

Có tiền sử sốc hoặc có phản ứng nghiêm trọng sau tiêm chủng vắc-xin chứa thành phần sởi hoặc Rubella như: sốt cao trên 39oC kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở, sốc.

Dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong vắc-xin, ví dụ với neomycin.

Có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan).

Tình trạng suy giảm miễn dịch nghiêm trọng bẩm sinh hoặc mắc phải (AIDS).

Phụ nữ có thai.

Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Tạm hoãn tiêm vắc-xin sởi - Rubella trong các trường hợp sau:

Mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng.

Trẻ sốt ≥ 37,5oC hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5oC (đo nhiệt độ tại nách).

Trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch hoặc truyền máu, huyết tương trong vòng 3 tháng trừ trường hợp trẻ đang sử dụng globulin miễn dịch điều trị viêm gan B. Do vậy trong vòng 2 tuần sau tiêm vắc-xin không nên sử dụng sản phẩm globulin miễn dịch.

Trẻ đang hoặc mới kết thúc liều điều trị corticoid (uống, tiêm) trong vòng 14 ngày, thuốc ức chế miễn dịch khác hay điều trị xạ trị.

Mắc bệnh bạch cầu cấp, thiếu máu nặng, các bệnh máu nghiêm trọng khác hoặc truyền máu.

Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

 

9.  Các trường hợp dị tật, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV có thuộc diện chống chỉ định hoặc tạm hoãn tiêm vắc-xin sởi - Rubella không?

Các trường hợp dị tật nhưng không suy tuần hoàn, suy hô hấp, suy gan, suy thận và không thuộc các chống chỉ định hay tạm hoãn nêu tại câu 8 thì không chống chỉ định hoặc hoãn tiêm vắc-xin sởi, Rubella.

Trường hợp suy dinh dưỡng không thuộc diện chống chỉ định tiêm vắc-xin sởi - Rubella.

Các trường hợp nghi nhiễm HIV hoặc nhiễm HIV nhưng chưa chuyển sang giai đoạn AIDS không thuộc diện chống chỉ định tiêm vắc-xin sởi - Rubella.

 

10.  Tiêm vắc-xin sởi - Rubella cho phụ nữ mang thai sẽ có ảnh hưởng gì?

Không nên dùng vắc-xin sởi - Rubella cho phụ nữ mang thai vì đây là vắc-xin sống, giảm độc lực. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc thận trọng tránh tiêm vắc-xin Rubella cho phụ nữ có thai là để phòng ngừa nguy cơ gây dị tật thai nhi theo lý thuyết mặc dù nguy cơ này chưa được chứng minh.

Tuy nhiên, trên thực tế không ghi nhận tiêm vắc-xin sởi - Rubella trong khi mang thai gây sẩy thai. Không ghi nhận trường hợp hội chứng Rubella bẩm sinh đối với trên 1.000 trường hợp phụ nữ mang thai vô tình được tiêm vắc-xin Rubella trong thời gian đầu thai kỳ. Do đó, nên tiêm vắc-xin trước khi có kế hoạch mang thai ít nhất từ 1 tháng trở lên.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top