✴️ Nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường là gì?

Nội dung

Tiểu đường có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như các bệnh tim mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận, liệt dương… nguy hiểm hơn là nhiều người đang sống chung với bệnh tiểu đường nhưng vẫn không hiểu vì sao mình mắc bệnh. Biết được những nguyên nhân gây bệnh tiểu đường chính là yếu tố quan trọng giúp phòng tránh căn bệnh này.

Tiểu đường hay đái tháo đường, là một bệnh mãn tính với biểu hiện lượng đường trong máu của bạn luôn cao hơn mức bình thường do cơ thể của bạn bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu.

Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể bạn không chuyển hóa các chất bột đường từ thực thẩm bạn ăn vào hằng ngày một cách hiệu quả để tạo ra năng lượng. Do đó gây ra hiện tượng lượng đường tích tụ tăng dần trong máu. Lượng đường trong máu thường xuyên ở mức cao qua thời gian làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, gây ra tổn thương ở các cơ quan khác như mắt, thận, thần kinh và các bệnh lý nghiêm trọng khác.

 

Tiểu đường típ 1: Người mắc bệnh bị thiếu insulin do tuyến tụy không sản xuất insulin. Tiểu đường típ 1 hiếm gặp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, người trẻ chiếm dưới 10% số người mắc bệnh.

Tiểu đường típ 2: Những người bị tiểu đường típ 2 bị đề kháng với insulin. Nghĩa là cơ thể vẫn có thể sản xuất insulin nhưng nó không thể chuyển hóa được glucose. Khoảng 90% đến 95% người bị tiểu đường trên thế giới là típ 2.

Nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường

Nguyên nhân của bệnh tiểu đường hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Các yếu tố bao gồm di truyền và lối sống không cân bằng, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, chất béo và hàm lượng bột đường cao, thừa cân béo phì… là những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến tiểu đường. Nếu cha mẹ bị tiểu đường thì con của họ sẽ dễ bị bệnh hơn hoặc lối sống bao gồm chế độ ăn và tập luyện không điều độ cũng dễ gây ra tiểu đường.

Nhiều nghiên cứu cho thấy tỉ lệ đái tháo đường típ 2 diễn ra ở người thừa cân cao hơn những người bình thường

 

Những thói quen xấu gây bệnh tiểu đường

Theo nghiên cứu, chế độ ăn uống và sinh hoạt cũng ảnh hưởng lớn đến việc hình thành căn bệnh tiểu đường. Bởi vậy, nếu đang có những thói quen dưới đây, bạn cần lưu ý điều chỉnh ngay.

Bỏ bữa ăn sáng

Nếu bạn có cuộc sống bận rộn và thường xuyên bỏ bữa sáng, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýt 2 rất cao. Bởi vì đói trong một thời gian dài vào buổi sáng sẽ làm gián đoạn lượng insulin trong cơ thể. Việc giải tỏa cơn thèm sau đó sẽ làm đường huyết tăng đột ngột và kích thích sản sinh insulin quá mức, gây ra bệnh tiểu đường.

Ngủ không đủ giấc

Theo nhiều nghiên cứu, những người ngủ ít hơn 5 giờ mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao gấp đôi so với người ngủ 7-8 giờ. Việc thiếu ngủ sẽ làm rối loạn đồng hồ sinh học, vốn có nhiệm vụ điều chỉnh chu kỳ thức – ngủ tự nhiên của cơ thể, làm tăng hàm lượng hormone gây stress là cortisol và gây mất cân bằng glucose trong cơ thể.

Những người ngủ ít hơn 5 giờ mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao gấp đôi so với người ngủ 7-8 giờ

 

Lười vận động

Thói quen lười vận động sẽ khiến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 gia tăng. Khi cơ thể được cung cấp quá nhiều dinh dưỡng mà không vận động, đốt cháy dinh dưỡng, tác động tới tuyến tụy và gây áp lực, ép tuyến tụy phải sản xuất insulin trong một thời gian dài sẽ khiến tuyến tụy suy yếu và mất dần khả năng sản xuất insulin, gây nên bệnh tiểu đường.

Những hệ lụy nguy hiểm từ việc lười biếng, ít vận động sẽ làm gia tăng stress, làm chậm quá trình trao đổi chất, gây huyết áp cao và tăng nguy cơ béo phì,… Tất cả đều là các yếu tố hàng đầu khiến bệnh tiểu đường ngày càng trầm trọng hơn và xuất hiện những biến chứng tiểu đường khó kiểm soát.

Quá nhiều stress

Khi bị stress, nhiều người hay lựa chọn ăn đồ ngọt, đồ ăn vặt để giải tỏa vì họ quan niệm rằng lượng đường trong máu cao sẽ khiến cơ thể sảng khoái hơn. Đó có thể là phương pháp hữu hiệu ngay lập tức với nhiều người nhưng sau thời gian dài, khi lượng đường trong máu tăng cao thì khả năng mắc bệnh tiểu đường là điều không thể tránh khỏi.

Stress là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường

 

Đặc biệt hơn, dù bạn là một người không có thói quen ăn vặt, nhưng khi stress, cơ thể vẫn sẽ tự động tiết ra những hormone kích thích hoạt động của nguồn năng lượng dự trữ trong cơ thể, đặc biệt là glucose và chất béo. Bên cạnh đó, khi bị stress, cơ thể sẽ tiết ra hormone cortisol làm tăng lượng đường trong máu. Khi lượng cortisol đủ lớn, cơ thể sẽ xuất hiện hội chứng Cushing (rối loạn sản xuất hormone vỏ tuyến thượng thận) gây ra bệnh tiểu đường.

Thường xuyên thức khuya

Trong quá trình khám chữa bệnh, các chuyên gia nhận ra rằng, tỉ lệ đường huyết của người bị tiểu đường sẽ tăng rất cao nếu họ thức khuya vào đêm hôm trước. Điều này tương tự với những người không mắc bệnh, khi bạn thức quá 12h đêm lặp lại liên tục trong một thời gian dài, bạn có nguy cơ cao rơi vào nhóm bệnh tiểu đường.

Nguyên do cho việc đường huyết tăng vọt là vì ban đêm cơ thể bạn cần thời gian để trao đổi chất. Nếu bạn thức khuya, hoạt động tuyến tụy để tiết insulin sẽ bị gián đoạn. Đồng thời làm hàm lượng chất béo tích tụ tăng cao, cơ thể không kiểm soát được sự thèm ăn. Cho nên việc thức khuya, ngủ không đủ giấc, vừa khiến bạn dễ bị béo phì, vừa tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường.

Khi bạn thức quá 12h đêm lặp lại liên tục trong một thời gian dài, bạn có nguy cơ cao rơi vào nhóm bệnh tiểu đường

 

Thiếu hụt lượng vitamin D cần thiết

Người bị tiểu đường tuýp 2 thường bị thiếu hụt một lượng lớn vitamin D. Điều này cho thấy rằng vitamin D có vai trò thiết yếu giúp tuyến tụy khỏe mạnh hơn, từ đó mà hoạt động điều tiết ra insulin để chuyển hóa lượng đường trong máu cũng diễn ra ổn định hơn. Vì vậy, chúng ta nên tăng cường các loại thực phẩm như cá hồi, ngũ cốc nguyên cám,… để bổ sung lượng vitamin D quan trọng cho cơ thể.

Người bị tiểu đường tuýp 2 thường bị thiếu hụt một lượng lớn vitamin D

 

Hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá

Hút thuốc lá không chỉ là một thói quen xấu dẫn đến ung thư phổi, người hút thuốc và người hít phải khói thuốc lá còn nằm trong nhóm có nguy cơ cao bị tiểu đường. Lý do bắt nguồn từ chất nicotine có trong thuốc lá, chất này sẽ làm tăng nồng độ hemoglobin A1C, tăng khả năng kháng insulin, làm mất kiểm soát lượng đường huyết trong máu.

 

Làm thế nào để phát hiện sớm bệnh tiểu đường

Để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bên cạnh việc hiểu rõ những nguyên nhân gây ra bệnh thì chúng ta cần tiến hành thăm khám sức khoẻ định kỳ thường xuyên để có thể phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh. Bởi bệnh tiểu đường thường không có dấu hiệu gì rõ ràng ngay từ ban đầu, nên thông qua các chỉ số xét nghiệm liên quan thì bác sĩ mới có thể phát hiện chính xác bạn có đang bị mắc bệnh tiểu đường hay không.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top