✴️ Trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản

Nội dung

Trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản khi nào?

Trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản khi dịch tiết dạ dày bị trào ngược lên thực quản. Nó có thể là hiện tượng sinh lý, cũng có khi là triệu chứng của một bệnh nào đó. Vì vậy, hiện tượng này không nên xem nhẹ.

 

Trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản do sinh lý

Trẻ ăn quá no, hoặc thường xuyên nuốt hơi trong khi bú mẹ sẽ gây ra tình trạng này. Trẻ sẽ nôn trớ ngay sau bữa ăn hoặc lúc đang bú. Nếu chỉ là hiện tượng sinh lý, số lần trào ngược thường rất ít và chỉ thoáng qua. Trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản do sinh lý sẽ không nguy hiểm nếu chăm sóc đúng cách và kịp thời. Ngược lại, nếu không được chú ý,  nó có thể gây sặc, thậm chí dẫn đến tử vong do tắc đường thở.

 

Trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản do bệnh lý

Nếu do nguyên nhân bệnh lý, trào ngược sẽ xảy ra thường xuyên, đặc biệt khi trẻ thay đổi tư thế. Điều này là do dịch dạ dày có axít nên lâu ngày sẽ gây loét niêm mạc thực quản, dẫn đến hẹp thực quản. Từ đó, trẻ sẽ bú khó, nuốt đau và ngày càng nôn nhiều hơn. Khi bệnh đã nặng sẽ khiến trẻ ọc sữa hoặc thức ăn trào qua đường mũi. Tình trạng này có thể dẫn đến tử vong do trẻ bị tắc đường thở khi ngủ gối quá thấp và không được phát hiện kịp thời.

Ăn quá no cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản

Ăn quá no cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản

 

Làm gì khi trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản

-Trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản cần được đi khám sớm: Nếu trẻ được điều trị trước 12 tháng tuổi, cơ vòng thực quản sẽ co bóp trở lại như bình thường. Qua thời điểm này, khả năng khỏi bệnh rất thấp, trẻ dinh dưỡng không đủ nên chậm phát triển, đề kháng kém, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.

-Cần thực hiện các cách chăm sóc trẻ như sau:

+ Cho trẻ ăn thức ăn đặc hơn: Thức ăn có tác dụng làm giảm tần xuất nôn trớ, kéo dài giấc ngủ của trẻ và giảm hiện tượng quấy khóc .

+ Nên cho trẻ ăn sữa có đạm thủy phân

Loại sữa này có tác dụng làm giảm tỉ lệ dị ứng ở trẻ. Một số tác giả cho rằng trào ngược dạ dày thực quản là biểu hiện của dị ứng sữa bò. Một số nghiên cứu chứng minh rằng dị ứng sữa bò là nguyên nhân của 20% trường hợp trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ nhũ nhi. Nghiên cứu cũng cho thấy biểu hiện trào ngược được cải thiện khi lọai trừ sản phẩm từ sữa bò khỏi chế độ ăn của trẻ hoặc sử dụng sữa có đạm thủy phân. Sữa có đạm thủy phân còn giúp việc tiêu hóa tốt hơn, làm giảm hiện tượng trào ngược.

+Tránh các thực phẩm làm tăng trào ngược: Những thực phẩm này gồm: nước cam, quýt, bưởi, tỏi, hành, thức ăn cay, ăn giảm chất béo như thức ăn chiên hoặc nhiều dầu.

 

Cho trẻ ăn đúng cách và chăm sóc sau bữa ăn

– Cho trẻ ăn thành nhiều lần hơn trong ngày, mỗi lần ăn ít một.

– Lượng thức ăn cho trẻ mỗi ngày và số bữa cần phù hợp với độ tuổi.

– Hạn chế cho trẻ bú hơi: khi cho trẻ bú bình cần cho sữa xuống đều, cho trẻ ợ hơi sau mỗi đợt bú từ 30 – 60ml sữa.

– Trong 20 – 30 phút sau khi trẻ ăn xong cần bế hoặc cho ngồi thẳng người.

– Cho trẻ ngủ với gối cao 30 độ.

– Tối thiểu 2-3 giờ sau khi ăn mới có thể cho trẻ nằm hoặc đi ngủ.

– Khi trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản có biểu hiện tím tái, ngưng thở, cần vuốt nhẹ lưng và xoa lòng bàn chân. Nếu trẻ sặc sữa, phải vỗ lưng và cho nằm nghiêng để sữa trào ra. Ngay sau khi sơ cứu như vậy, cần đưa trẻ đến bệnh viện khám.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top