Tiêu chảy bao gồm tiêu chảy cấp và tiêu chảy kéo dài được định nghĩa chung như sau: Là đi ngoài phân lỏng hoặc toé nước trên 3 lần trong 1 ngày. Tiêu chảy cấp tính thường kéo dài không quá 7 ngày, tiêu chảy kéo dài thực chất là một đợt tiêu chảy cấp nhưng kéo dài trên 14 ngày.
Bình thường với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi trung bình đi ngoài khoảng 2-3 lần trong ngày, tính chất phân thay đổi ở trẻ bú mẹ hoặc ăn sữa công thức do hệ vi khuẩn đường ruột có khác nhau. Phân của trẻ bú mẹ thường có màu vàng, sền sệt, có mùi chua, phản ứng hơi toan. Phân của trẻ ăn nhân tạo thường có màu vàng nâu như đất sét hoặc có màu xanh, mùi thối, phản ứng trung tính, rắn hơn phân của trẻ bú mẹ, đôi khi thành khuôn.
Hãy theo dõi xem trẻ đi ngoài bao nhiêu lần trong ngày, bị đã lâu chưa? Thời gian gần đây bạn có bắt đầu cho bé tập ăn dặm không, cân nặng của bé phát triển có bình thường không?… Nếu số lần đi ngoài của con bạn dưới 3 lần trong ngày và cân nặng của bé vẫn phát triển bình thường thì nhìn chung chưa nói được là trẻ đã bị tiêu chảy. Phân có hiện tượng lỏng hơn, sủi bọt và có chất nhầy có thể vì đường ruột của bé bị kích thích do chưa tiêu hoá được hết chất đường trong thức ăn hoặc sữa.
Để khắc phục tình trạng trẻ đi ngoài, trước tiên bạn nên cho trẻ uống thêm một chút Neopeptine (một loại men tiêu hoá trong đó có chứa men Anpha – Amylase giúp tiêu hoá chất đường tốt hơn) nhưng nhớ chỉ sử dụng trong thời gian ngắn và đọc ký hướng dẫn sử dụng. Còn nếu bạn bắt đầu cho trẻ tập ăn dặm trong giai đoạn này, có thể bạn đã cho trẻ ăn hơi nhiều tinh bột, vì thế nên chú ý trong khẩu phần ăn với trẻ 5 tháng chỉ nên ăn bổ sung thêm 1 bữa bột lỏng/ngày với lượng bột chỉ cần 2 thìa cà phê trong 200ml nước. Nên nấu kỹ bột cho trẻ hơn nữa để tránh tình trạng tinh bột chưa được thuỷ phân hoàn toàn sẽ ảnh hưởng đến tiêu hóa của trẻ.
Biểu hiện của thiếu canxi máu tùy thuộc vào mức độ có thể gặp các dấu hiệu như: khi ngủ hay bị giật mình và mỗi lần như vậy có những cơn khóc thét, co cứng toàn thân, đỏ và tím mặt, cơn khóc kéo dài và có thể nhiều giờ hoặc suốt đêm. Càng dỗ, càng ru, càng cho bú càng khóc nhiều, có thể ngưng thở trong cơn khóc. Trẻ bị thiếu canxi hay có những cơn co thắt thanh quản gây khó thở, nấc cụt, ọc sữa…
Ở những trường hợp thiếu canxi nặng có thể ngưng thở và thở nhanh, những cơn tăng nhịp tim và có thể gây suy tim. Nếu không giải quyết tốt nguyên nhân gây hạ canxi máu thì ngoài những biến chứng như trên thì lâu dài sẽ ảnh hưởng đến xương và gây còi xương sớm, biến dạng xương, gù vẹo cột sống.
Đối với trẻ bú mẹ, cần điều trị cả mẹ lẫn con nếu lượng canxi trong máu và sữa mẹ cũng giảm. Ngoài ra cả hai mẹ con nên tắm nắng vào các buổi sáng mỗi lần 30 phút liên tục cho tới khi trẻ biết đi. Trong chế độ ăn của mẹ và con cần tăng cường các chất giàu canxi như cá, tôm, cua, thịt, trứng, sữa và chất béo.
>> Xem thêm: Nguyên nhân trẻ sơ sinh đi ngoài có nhầy.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh