✴️ U máu ở trẻ sơ sinh

U máu ở trẻ sơ sinh là gì?

U máu ở trẻ sơ sinh được tạo thành do sự hình thành và tăng sinh bất thường của mạch máu. Những mạch máu này nhận được tín hiệu để phát triển nhanh chóng trong giai đoạn đầu đời của trẻ. Hầu hết u máu ở trẻ sơ sinh xuất hiện khi trẻ vừa được sinh ra hoặc trong vòng vài tuần sau sinh, biểu hiện bằng những vết hoặc mảng màu sắc trên da.

Trong 5 tháng đầu đời, u máu sẽ phát triển nhanh chóng. Thời gian này được gọi là giai đoạn tăng sinh hay phát triển của u máu. Trong hầu hết các trường hợp, u máu sẽ đạt tới 80% kích thước tối đa trong vòng 3 tháng đầu tiên.

Thông thường, u máu sẽ ngừng tiến triển và co nhỏ lại trước sinh nhật đầu tiên của trẻ, chúng trở nên phẳng và giảm đỏ hơn. Giai đoạn này gọi là giai đoạn ổn định, kéo dài từ thời kỳ sơ sinh muộn cho tới những năm đầu đời.

Hầu hết u máu co nhỏ lại khi trẻ khoảng 3,5 – 4 tuổi. Gần một nửa các trường hợp u máu trẻ em có thể biến mất, để lại vài mô sẹo hoặc mạch máu thừa trên da.

U máu ở trẻ sơ sinh là khối u thường gặp nhất có ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh, thường gặp ở bé gái hơn bé trai và phổ biến hơn ở trẻ da trắng.

Những trẻ sinh non (thiếu tháng) hoặc nhẹ cân thì thường có u máu hơn.

Phân loại u máu ở trẻ sơ sinh

Hầu hết u máu xuất hiện trên bề mặt da và có màu đỏ tươi. Chúng được gọi là u máu sơ sinh bề mặt hoặc thỉnh thoảng được gọi là “vết bớt dâu tây”.

Một số trường hợp u máu nằm sâu dưới da và trông có màu xanh hoặc màu da, gọi là u máu sơ sinh sâu.

Khi vừa có sang thương ở lớp nông và lớp sâu cùng hiện diện, chúng được gọi là u máu sơ sinh hỗn hợp.

Làm thế nào để chẩn đoán u máu ở trẻ sơ sinh?

Bác sĩ có thể chẩn đoán hầu hết các trường hợp u máu thông qua khám lâm sàng và hỏi bệnh sử theo dõi thai kỳ và sức khoẻ của em bé. U máu dưới da thỉnh thoảng khó chẩn đoán. U máu trong giai đoạn tiến triển (trong vòng 1 năm đầu đời) thường dễ chẩn đoán hơn.

Hầu hết u máu không cần các xét nghiệm chuyên biệt để chẩn đoán.

Nếu bác sĩ nghĩ đứa trẻ có khả năng bị u máu sơ sinh, có thể sử dụng siêu âm để khảo sát sang thương dưới da. Trong một số trường hợp, đặc biệt là u máu lớn ở vùng đầu và cổ, bác sĩ có thể chỉ định chụp MRI để khảo sát u máu, tình trạng não bộ và mạch máu não.

Hình ảnh MRI là bản quét hoặc hình ảnh bên trong cơ thể bệnh nhân. MRI giúp bác sĩ kiểm tra được kích thước và vị trí của u máu, đồng thời kiểm tra các khả năng khác có thể xảy ra.

Hội chứng PHACE

U mạch máu lớn ở trẻ sơ sinh thỉnh thoảng là một phần của hội chứng PHACE. Mỗi ký tự là viết tắt của một tình trạng:

  • P-Posterior fossa malformation: Dị tật hố sau
  • H-Hemangioma: U máu
  • A- Abnormal arteries in the brain or big blood vessels near the heart: Bất thường động mạch não hoặc các mạch máu lớn gần tim
  • C – Coarctation of the aorta: Hẹp động mạch chủ
  • E – Eye problems: Các vấn đề về mắt

Đôi khi có thêm một ký tự S theo sau PHACE, S- sternal clefting/supraumbilical raphe: vết cắt xương ức/rãnh trước ngực.

Đây là một hội chứng hiếm gặp, chẩn đoán khi một u máu lớn thường ở đầu hoặc cổ xuất hiện đồng thời với một hoặc nhiều vấn đề ở não, tim, mắt hoặc mạch máu. Bác sĩ nghi ngờ hội chứng PHACE sẽ chỉ định MRI, siêu âm tim và khám mắt.

bớt dâu tây ở trẻ sơ sinh

Điều trị u máu ở trẻ sơ sinh như thế nào?

U máu có thể được khám và điều trị bởi bác sĩ nhi khoa, bác sĩ da liễu, thỉnh thoảng có thể gặp bác sĩ huyết học và bác sĩ phẩu thuật. Hầu hết u máu không cần điều trị. U máu cần được theo dõi bởi bố mẹ bệnh nhi và bác sĩ điều trị.

Trong năm đầu đời, khi u máu ngày càng lớn, các bác sĩ sẽ kiểm tra u máu thường xuyên hơn. Số lần thăm khám sẽ phụ thuộc vào kích thước, vị trí của u trên cơ thể và các vấn đề kèm theo. Khi u máu bắt đầu gây ảnh hưởng đến trẻ, điều trị sẽ được khuyến nghị.

Ở hầu hết trẻ em, các đợt thăm khám sẽ giảm dần từ sau khi trẻ 1 tuổi cho tới khi trẻ đi học.

Thuốc điều trị u máu ở trẻ sơ sinh

Hầu hết các u máu cần điều trị sẽ được điều trị bằng thuốc chẹn beta.

Propranolol là thuốc chẹn beta được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA Hoa Kỳ chấp thuận để điều trị u máu ở trẻ sơ sinh. Propranolol có sẵn dưới dạng thuốc nước để uống, được chứng minh là có thể làm co nhỏ các u máu ở trẻ sơ sinh.

Bố mẹ bệnh nhi và bác sĩ nên cân nhắc những rủi ro và lợi ích của việc dùng propranolol trước khi bắt đầu điều trị. Đội ngũ y tế có kinh nghiệm sử dụng propranolol để điều trị u máu ở trẻ sơ sinh sẽ chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhi.

Timolol là một loại thuốc chẹn beta khác có liên quan đến propranolol và có sẵn dưới dạng thuốc nhỏ mắt (mặc dù được sử dụng trên u máu, không phải trong mắt). Thuốc có thể được nhỏ trực tiếp lên bề mặt u máu trên da, thường được sử dụng để điều trị u máu nhỏ, nông ở trẻ sơ sinh.

Phẩu thuật điều trị u máu ở trẻ sơ sinh

Hầu hết u máu ở trẻ sơ sinh không cần phải điều trị bằng phẫu thuật. Phẫu thuật ngày nay ít phổ biến hơn so với những năm trước vì các loại thuốc điều trị hiện nay khá an toàn và hiệu quả. Những trường hợp u máu có mô sẹo đáng kể để lại sau khi co nhỏ có thể cần phẫu thuật. Bác sĩ điều trị sẽ cho bạn biết nếu con bạn cần gặp bác sĩ phẫu thuật.

Rất ít trẻ sơ sinh cần phẫu thuật trong năm đầu đời. Nếu cần, phẩu thuật thường được thực hiện trước tuổi đi học để tạo hình những tổn thương hoặc sẹo do u máu ở trẻ sơ sinh để lại. Một số cha mẹ chọn cách đợi cho đến khi trẻ đủ lớn để quyết định có phẫu thuật hay không.

Có đến một nửa số u máu ở trẻ sơ sinh để lại dấu vết hoặc sẹo vĩnh viễn. Vấn đề này đôi khi có thể được loại bỏ hoặc tạo hình bằng phẫu thuật. Hầu hết các phẫu thuật u máu có thể được thực hiện ngoại trú, nghĩa là trẻ có thể về nhà ngay trong ngày phẫu thuật.

Các biến chứng của u máu ở trẻ sơ sinh

  • Giới hạn tầm nhìn, khi u máu ở trên hoặc quanh mắt
  • Ảnh hưởng chuyện ăn uống, khi u máu ở trên hoặc quanh miệng
  • Ảnh hưởng đường thở, khi u máu nằm trên đường thở
  • Ảnh hưởng việc quấn tả, khi u máu nằm ở khu vực tả lót
  • U máu rất lớn ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là nằm trong gan, có thể gây suy tim
  • U máu liên quan tới hội chứng PHACE có nguy cơ ảnh hưởng tới chức năng nhiều cơ quan trong cơ thể.

Xem tiếp: U máu ở trẻ em

Có thể bạn quan tâm: Những điều cần biết về u máu

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top