Vaccine Hib quan trọng với sức khỏe trẻ em

Loại vi khuẩn nguy hiểm: Hib - Haemophilus influenza type B 

Vi khuẩn Hib - Haemophilus influenza type B gây nên nhiều bệnh nhiễm trùng nặng, chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Các nhiễm trùng thường được kể đến như:  

  • Viêm nắp thanh quản: nhiễm trùng làm sưng ở cổ họng gây khó thở, sốt cao, đau họng nghiêm trọng, khó khăn và rất đau khi nuốt, chảy nước dãi, vật vã, kích thích.
  • Viêm phổi nặng: sốt cao, ho, khó thở.
  • Viêm màng não mủ là một bệnh nhiễm trùng tại màng não và tủy sống. Viêm màng não mủ do Hib là căn bệnh gây tử vong cao, cứ 20 trẻ em mắc bệnh sẽ có 1 trẻ tử vong. Bệnh có thể để lại di chứng tổn thương não vĩnh viễn cho từ 10 – 30% trẻ em mắc bệnh. Vi khuẩn Hib là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh viêm màng não mủ cho trẻ em dưới 5 tuổi tại Mỹ, khoảng 20.000 trẻ em mắc mỗi năm trong những năm 1980 trở về trước.
  • Hib hay Haemophilus influenza type b còn có thể gây nhiễm trùng da và khớp nặng, cũng như một vài nhiễm trùng hiếm gặp khác.

 

Lợi ích của việc tiêm vaccin Hib 

Vaccin Hib bảo vệ trẻ chống lại vi khuẩn Hib và các biến chứng nặng do nhiễm trùng Hib gây nên.

Vaccin Hib đã được chấp nhận sử dụng cho trẻ em từ cuối những năm 1980 tại Mỹ và nhờ đó, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong đã giảm tới 99% và hiện nay chỉ có khoảng dưới 55 ca mắc Hib mỗi năm. Những trường hợp này chủ yếu là thuộc nhóm trẻ chưa được tiêm vaccin hay do còn quá nhỏ chưa đủ điều kiện để tiêm phòng.

Hiện nay, tại Việt Nam, Vaccin Hib được kết hợp trong Vaccin ComBE Five của Chương trình tiêm chủng mở rộng; hoặc 1 số vaccin phối hợp khác.

 

Khuyến cáo cho việc tiêm vaccin phòng Hib

Nên tiêm cho trẻ từ 3 – 4 liều vaccin, vào các thời điểm sau đây:

  • 2 tháng tuổi
  • 3 tháng tuổi
  • 4 tháng tuổi 
  • Nhắc lại từ 12 đến 15 tháng

Điều quan trọng cần ghi nhớ là phải cho trẻ tiêm vaccin đúng lịch do căn bệnh này thường hay xảy ra ở trẻ em dưới 2 tuổi.

 

Những trẻ không nên tiêm vaccin Hib

  • Trẻ em dưới 6 tuần tuổi
  • Những trẻ bị dị ứng khi tiêm liều vaccin Hib đầu tiên

 

Những lưu ý khi tiêm vaccin Hib cho trẻ

Những trẻ bị ốm từ mức độ trung bình đến nặng nên chờ hồi phục rồi mới tiêm vaccin Hib. Lý do là nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào xảy ra thì trẻ cũng sẽ hồi phục nhanh hơn.

 

Phản ứng sau tiêm vaccin Hib

Phản ứng sau tiêm chủng có thể xảy ra sau khi tiêm vaccin Hib. Khoảng 30% trẻ em bị tấy đỏ, sưng đau tại vị trí tiêm. Sốt và kích ứng thường ít xảy ra hơn và bạn có thể cho trẻ dùng các thuốc hạ sốt thông thường như Paracetamol, Ibuprofen. Những phản ứng này sẽ xuất hiện trong vòng 1 ngày sau tiêm và thường kéo dài từ 2 – 3 ngày. Hầu hết trẻ có phản ứng sau tiêm chủng sẽ khỏi không để lại hậu quả.

Các phản ứng sau tiêm chủng nghiêm trọng, từ sốc phản vệ, thậm chí tử vong tuy rất hiếm gặp nhưng có thể xảy ra với bất cứ loại vaccin nào, kể cả vaccin Hib.

Hãy hỏi ý kiến của bác sỹ và cán bộ tiêm chủng về lịch tiêm chủng khuyến cáo cho con bạn, trong đó có vaccin Hib. Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, cần thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của cán bộ tiêm chủng để kịp thời phát hiện và xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm, đảm bảo cho bé được tiêm chủng an toàn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top