✴️ Vì sao trẻ biếng ăn? làm thế nào khi trẻ biếng ăn?

Nội dung

Nhận biết biếng ăn ở trẻ

Dựa vào 3 yếu tố sau:

–    Thời gian trẻ ăn trong một bữa.

–    Số bữa ăn và lượng thức ăn trong một ngày.

–    Trạng thái tinh thần của trẻ trong bữa ăn.

Bình thường một bữa ăn của trẻ kéo dài khoảng 15 – 20 phút tối đa là 30 phút, trẻ được coi là biếng ăn khi thời gian kéo dài trên 30 phút.

Số bữa ăn và lượng ăn phụ thuộc vào tuổi của trẻ, ví dụ trẻ 1 tuổi cần ăn 3 – 4 bữa cháo (bột)/ngày + 500ml sữa nếu trẻ chỉ ăn được 2 bữa hoặc và ít hơn 250ml sữa/ngày thì được coi là biếng ăn. Khi trẻ ăn ngon miệng, trạng thái tinh thần của trẻ vui vẻ, hào hứng, khi ăn hợp tác tốt với người cho ăn, còn trẻ biếng ăn thì thường gào khóc, không há miệng, quay mặt đi …

Biếng ăn

Cha mẹ cần chú ý thói quen ăn uống của trẻ

Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng biếng ăn của trẻ

Trẻ bị bệnh

Tất cả các bênh nhiễm khuẩn đều gây ra chứng biếng ăn, dù là nhiễm khuẩn nặng hay nhẹ, cấp tính hay mãn tính như viêm V.A, viêm tai, viêm đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, các bệnh cúm, ho gà…tiêu chảy, viêm dạ dày, ruột, viêm gan, các bệnh đường mật

Ngay cả khi mọc răng trẻ cũng có thể biếng ăn: biếng ăn xuất hiện mấy tuần lễ trước khi mọc răng, khi răng đã nhú khỏi lợi trẻ lại ăn bình thường.

Do sai lầm về ăn uống

Do thay đổi chế độ ăn, trẻ chưa quen với món ăn mới, cai sữa đột ngột hoặc quá chậm, cho trẻ ăn quá nhiều khiến trẻ không tiêu hoá hết thức ăn ăn vào, ăn quá ít, chế độ ăn không cân đối, cách chế biến thức ăn không hợp với khẩu vị của trẻ, bắt trẻ ăn một loại thức ăn trong nhiều ngày, nhiều tuần, cách chế biến không phù hợp với lứa tuổi của trẻ.

Do yếu tố tâm lý

Thường gặp ở các gia đình quan tâm lo lắng quá mức đến bữa ăn của trẻ, bắt trẻ ăn quá nhiều. Người cho ăn có thái độ không đúng: đánh đập, bóp mồm, bóp mũi trẻ, biến bữa ăn của trẻ thành nỗi sợ hãi kinh hoàng ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ, mỗi khi nhìn thấy bát bột, bình sữa là trẻ đã sợ hãi.

Biếng ăn

Việc thay đổi món ăn của trẻ cũng ảnh hưởng tới sự thích thú của trẻ khi ăn

Chứng biếng ăn do nguyên nhân tâm thần

Rất ít gặp, chỉ chẩn đoán khi đã loại trừ các nguyên nhân kể trên, chứng biếng ăn xuất hiện sớm trong vòng 2- 3 tháng đầu, trẻ không chịu ăn uống gì, giãy giụa kêu khóc, ngoài bữa ăn trẻ hoàn toàn bình thường: thông minh nhanh nhẹn, hiếu động, nhưng dễ xúc cảm. Hiện nay người ta coi chứng này như là một “phản ứng chống đối” của đứa trẻ với gia đình.

Nói chung các nguyên nhân gây biếng ăn thì rất nhiều và thay đổi tuỳ theo tuổi, cần thăm khám kĩ thì mới tìm được nguyên nhân xác thực.

Những bệnh lý đường tiêu hoá ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng biếng ăn ở trẻ. Trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy do tổn thương niêm mạc ruột (lớp vi nhung mao) là nơi sản xuất ra các men tiêu hoá và hấp thu thức ăn, khi bị tổn thương men tiêu hoá bị giảm.

Sự hấp thu thức ăn cũng bị giảm trẻ dễ bị đầy bụng do thức ăn không được hấp thu, mặt khác khi bị tiêu chảy kéo dài sẽ dẫn đến thiếu các vi chất dinh dưỡng nh: Zn, Cu, Fe… cũng gây nên tình trạng biếng ăn của trẻ.

Mặt khác những trẻ hay bị rối loạn tiêu hoá thì các bà mẹ hay cho trẻ ăn kiêng, chỉ ăn một số loại thức ăn nhất định, không thay đổi được thường xuyên khẩu vị cho trẻ, cũng là nguyên nhân làm trẻ biếng ăn.

Tình trạng biếng ăn lâu dài ảnh hưởng như thế nào?

Nếu biếng ăn lâu dài, trẻ sẽ bị thiếu các chất dinh dưỡng dẫn đến chậm phát triển cân nặng, chiều cao, suy giảm miễn dịch dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, thiếu máu, còi xương và hậu quả cuối cùng là bị suy dinh dưỡng.

Biếng ăn khiến trẻ gầy yếu và một trẻ gầy yếu do biếng ăn thì càng biếng ăn hơn. Giải quyết mâu thuẫn này như thế nào?

Biếng ăn dẫn đến suy dinh dưỡng, khi trẻ bị suy dinh dưỡng lại càng biếng ăn hơn nó tạo thành một vòng xoắn bệnh lý rất khó điều trị. Vì vậy khi trẻ mới biếng ăn phải tìm cách khắc phục ngay, không nên để tình trạng biếng ăn kéo dài ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Khi trẻ biếng ăn không nên cho trẻ nhịn ăn, càng nhịn ăn trẻ càng biếng ăn hơn, vì khi nhịn ăn men tiêu hoá không được tiết ra làm cho tình trạng biếng ăn càng trầm trọng. Nên cho trẻ ăn ít một nhiều bữa trong ngày, thay đổi cách chế biến, thay đổi thường xuyên các món ăn đa dạng trong ngày. Cho trẻ đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân biếng ăn ở trẻ điều trị kịp thời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top