9 loại thuốc dễ gây ợ nóng

Một số loại thuốc, ví dụ như thuốc kháng axit (antacid) có thể sẽ giúp bạn làm dịu cảm giác đau, nóng rát sau một bữa ăn nhiều dầu mỡ hoặc sau khi uống nhiều đồ uống có cồn. Tuy nhiên, một số loại thuốc khác mà bạn sử dụng để điều trị một số bệnh khác không liên quan đến ợ nóng, có thể khiến tình trạng của bạn nặng hơn, hoặc thậm chí là nguyên nhân gây ra ợ nóng. Vậy thì, liệu các loại thuốc bạn đang dùng có phải là nguyên nhân không? Hãy cùng khám phá nhé!

Ibuprofen

Các loại thuốc giảm đau không cần kê đơn phổ biến như ibuprofen có thể làm tăng sản xuất axit trong dạ dày. Thay vì sử dụng ibuprofen để giảm đau, bạn có thể sử dụng acetaminophen để thay thế vì acetaminophen không làm tăng lượng axit dạ dày. Kể cả việc sử dụng một số loại thuốc gây ảnh hưởng đến tinh thần như Percocet để giảm đau cũng sẽ tốt cho dạ dày của bạn hơn là sử dụng ibuprofen. Tuy nhiên, một số loại thuốc trong nhóm này cũng có thể gây ợ nóng, và khiến bạn bị lệ thuộc thuốc. Do vậy, hãy trao đổi về các lựa chọn dùng thuốc với bác sỹ của bạn.

 

Thuốc làm chắc khỏe xương

Các thuốc điều trị loãng xương thường là các thuốc bisphosphonate, bao gồm những loại thuốc nặng như alendronate (Fosamax), ibandronate (Boniva) và risedronate (Actonel), vốn là những loại thuốc nổi tiếng với việc gây ra ợ nóng. Các loại thuốc với công thức mới hiện nay có thể uống với liều ít thường xuyên hơn và sẽ dễ chịu hơn với dạ dày của bạn. Ví dụ như Reclast là một loại thuốc tiêm truyền chỉ cần sử dụng một liều mỗi năm. Nếu bạn đang phải uống thuốc điều trị loãng xương hàng ngày hoặc hàng tuần, hãy uống thuốc ngay khi vừa thức dậy buổi sáng (khi chưa ăn hoặc uống bất cứ thứ gì) để làm hạn chế tình trạng ợ nóng.

 

Thuốc tăng huyết áp

Các loại thuốc điều trị tăng huyết áp có tác dụng chẹn kênh canxi và chẹn beta có thể gây ra tình trạng ợ nóng, vì những loại thuốc này sẽ làm giãn cơ thắt thực quản dưới, khiến axit dạ dày dễ trào ngược lên thực quản hơn. Nếu bạn ở trong tình huống này, hãy hỏi ý kiến bác sỹ điều trị về các lựa chọn điều trị thay thế. Có rất nhiều loại thuốc có thể điều trị được bệnh tăng huyết áp, và đôi khi, việc đổi thuốc cũng sẽ tốt cho dạ dày của bạn hơn.

 

Aspirin

Loại thuốc kỳ diệu nhất thế giới, có thể chữa trị mọi bệnh tật từ đau đầu đến đau tim, nhưng với những người bị chứng trào ngược thì họ sẽ phải trả giá cho việc dùng aspirin: nhiều axit dạ dày sẽ được sản xuất ra hơn. Aspirin cũng có thể ức chế việc hình thành prostaglandin – một chất có tác dụng tích cực lên hệ tiêu hóa.

 

Thuốc ngủ và thuốc an thần

Các loại thuốc như Valium (diazepam) được sử dụng trong các trường hợp làm giảm lo âu và giúp bạn thư giãn nhưng không may là, những loại thuốc này cũng sẽ làm giãn cơ thắt thực quản dưới và dẫn đến ợ nóng. Nhiều người cho rằng, bạn có thể nằm xuống sau khi uống thuốc để làm giảm ợ nóng là không có tác dụng. Bởi việc nằm xuống chỉ làm nặng thêm tình trạng trào ngược axit mà thôi.

 

Viên sắt

Sắt sẽ kích thích cơ thể sản xuất ra nhiều tế bào hồng cầu hơn, nhưng viên sắt cũng có thể dẫn đến tình trạng trào ngược axit. Hãy hỏi ý kiến bác sỹ về việc sử dụng các loại thực phẩm chức năng khác thay thế cho viên sắt hoặc làm giảm nguy cơ trào ngược axit khi dùng viên sắt bằng cách đứng hoặc ngồi sau khi uống thuốc, mà không nên nằm xuống.

 

Thuốc chống trầm cảm ba vòng.

Một số loại thuốc chống trầm cảm ba vòng loại cũ (ví dụ như  imipramine hoặc amitriptyline có thể dẫn đến ợ nóng do sẽ làm chậm tốc độ tiêu hóa thức ăn của dạ dày. Nếu dạ dày không tiêu hóa được thức ăn với tốc độ bình thường, axit và các sản phẩm thức ăn sẽ ở lại trong dạ dày lâu hơn và nguy cơ trào ngược axit cũng sẽ tăng lên. Tuy nhiên, các loại thuốc chống trầm cảm mới hiện này sẽ tác dụng chính xác hơn vào đối tượng đích và sẽ ít gây ra các phản ứng phụ trên đường tiêu hóa hơn.

 

Kháng sinh

Các loại kháng sinh, ví dụ như tetracycline thường được dùng để điều trị các trường hợp nhiễm vi khuẩn thông thường cũng có thể gây ra tình trạng ợ nóng. Nếu bạn xuất hiện triệu chứng ợ nóng thường xuyên mà lại phải sử dụng kháng sinh, hãy kiểm tra với bác sỹ xem liệu đơn thuốc của bạn có loại thuốc nào gây ợ nóng hay không hoặc xem bạn có thể sử dụng các loại kháng sinh có lớp bọc đường ruột được hay không.

 

Viên uống bổ sung kali

Loại thực phẩm chức năng này thường được sử dụng để đưa huyết áp về ngưỡng bình thường nhưng chúng cũng có thể gây kích ứng lớp niêm mạc thực quản. Tuy nhiên, không phải tất cả các bệnh nhân uống kali đều sẽ bị ợ nóng. Để làm giảm hiện tượng này, hãy chắc chắn rằng bạn uống thuốc trong tư thế ngồi và uống thật nhiều nước khi uống thuốc. Nếu bạn vẫn bị ợ nóng, hãy hỏi ý kiến bác sỹ về một loại thuốc hạ huyết áp khác hoặc để sử dụng một loại kali giải phóng chậm và có lớp bọc đường ruột (lớp bọc này ở bên ngoài viên thuốc sẽ làm viên thuốc tan ra ở trong ruột non chứ không phải trong dạ dày).

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top