✴️ Mekozetel 400 - Mekophar

THÀNH PHẦN

Albendazole ................................................................. 400 mg

Tá dược vừa đủ............................................................... 1 viên.

(Tinh bột ngô, Lactose, Glucose monohydrate, Sodium lauryl sulfate, Sodium starch glycolate, Povidone, Colloidal silicon dioxide, Magnesium stearate, Ethanol 96%, Methacrylic acid copolymer, Hydroxypropylmethylcellulose, Polyethylene glycol 6000, Polysorbate 80, Titanium dioxide, Talc).

 

DƯỢC LỰC HỌC

Albendazole là dẫn chất benzimidazole carbamate – có phổ chống giun sán rộng. Thuốc có hoạt tính trên cả giai đoạn trưởng thành và ấu trùng của các giun đường ruột và diệt được trứng của giun đũa và giun tóc.

Cơ chế tác dụng do thuốc liên kết với các tiểu quản của ký sinh trùng, qua đó ức chế sự trùng hợp các tiểu quản thành các vi tiểu quản của bào tương là những bào quan cần thiết cho sự hoạt động bình thường của tế bào ký sinh trùng.

 

DƯỢC ĐỘNG HỌC

Sau khi uống, Albendazole được hấp thu rất kém (5%). Khi dùng thuốc với thức ăn nhiều chất mỡ, nồng độ trong huyết tương tăng 2 – 4 lần. Albendazole bị chuyển hóa nhanh và hoàn toàn, thành chất chuyển hóa vẫn còn có tác dụng là Albendazole sulfoxide, sau đó lại bị chuyển hóa tiếp thành hợp chất không còn tác dụng là Albendazole sulfon. Albendazole sulfoxide liên kết với protein trong huyết tương tới 70%, qua được hàng rào máu não và nồng độ trong dịch não – tủy bằng khoảng 1/3 nồng độ trong huyết tương.

Albendazole có nửa đời thải trừ khỏi huyết tương khoảng 9 giờ. Chất chuyển hóa sulfoxide được thải trừ qua thận cùng với chất chuyển hóa sulfon và các chất chuyển hóa khác. Một lượng không đáng kể chất chuyển hóa sulfoxide được thải trừ qua mật.

 

CHỈ ĐỊNH

Nhiễm một hoặc nhiều loại ký sinh trùng đường ruột như giun đũa, giun kim, giun móc, giun mỏ, giun tóc, giun lươn, sán hạt dưa, sán lợn, sán bò, sán lá gan.

Trường hợp ấu trùng di trú ở da, bệnh ấu trùng sán lợn có tổn thương não và các trường hợp bệnh nang sán không phẫu thuật được.

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Quá mẫn với một trong các thành phần của thuốc.

Người bệnh có tiền sử nhiễm độc tủy xương.

Phụ nữ mang thai.

 

CÁCH DÙNG – LIỀU DÙNG

Theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

Liều đề nghị:

Nhiễm giun

Người lớn và trẻ em trên 2 tuổi: uống 1 viên (một liều duy nhất trong ngày). Có thể điều trị lại sau 3 tuần.

Nhiễm ấu trùng di trú ở da

Người lớn và trẻ em trên 2 tuổi: uống 1 viên/lần/ngày trong 3 ngày liên tiếp.

Nhiễm sán dây, Strongyloides (giun lươn)

Người lớn và trẻ em trên 2 tuổi: uống 1 viên/lần/ngày trong 3 ngày liên tiếp. Điều trị có thể lặp lại sau 3 tuần.

Bệnh nang sán

Người lớn: uống 2 viên mỗi ngày, trong 28 ngày. Điều trị có thể lặp lại nếu cần thiết.

Ngừa nhiễm lại giun, mỗi 4 – 6 tháng uống 1 lần như trên.

 

TÁC DỤNG PHỤ

Sốt, nhức đầu, chóng mặt, biểu hiện ở não, tăng áp suất trong não, chức năng gan bất thường, đau bụng, buồn nôn, nôn, rụng tóc (phục hồi được)...

Thông báo cho bác sỹ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

 

THẬN TRỌNG

Người bệnh có chức năng gan bất thường cần cân nhắc trước khi sử dụng Albendazole vì thuốc chuyển hóa ở gan và đã có một số trường hợp bị nhiễm độc gan.

Thận trọng khi sử dụng thuốc với người bị bệnh về máu.

Cần thông báo người bệnh giữ vệ sinh để phòng ngừa tái nhiễm và lây lan bệnh.

 

THỜI KỲ CÓ THAI VÀ CHO CON BÚ

Chống chỉ định đối với phụ nữ mang thai.

Thận trọng khi sử dụng thuốc ở phụ nữ cho con bú.

 

TƯƠNG TÁC

Khi dùng Albendazole phối hợp với:

Praziquantel, Dexamethasone: làm tăng nồng độ trong huyết tương của chất chuyển hóa có hoạt tính của Albendazole (Albendazole sulfoxide).

Cimetidine: làm tăng nồng độ Albendazole sulfoxide trong mật và trong dịch nang sán.

 

QUÁ LIỀU CÀ XỬ TRÍ

Nếu trường hợp quá liều xảy ra, đề nghị đến ngay cơ sở y tế gần nhất để nhân viên y tế có phương pháp xử lý thích hợp như:

Điều trị triệu chứng: rửa dạ dày, dùng than hoạt.

Các biện pháp cấp cứu hồi sức chung.

 

BẢO QUẢN

Nơi khô, nhiệt độ không quá 30ºC, tránh ánh sáng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top