✴️ Nguyên nhân của đái tháo đường

Nội dung

Ai có nguy cơ mắc đái tháo đường?

Theo các nghiên cứu, mọi lứa tuổi đều có thể mắc đái tháo đường. Từ trẻ nhỏ đến người lớn tuổi. Nhưng đa số, đái tháo đường hay gặp ở độ tuổi trung niên từ 45 tuổi trở lên và đang có xu hướng trẻ hóa. Theo nhiều nghiên cứu, độ tuổi mắc đái tháo đường đang dịch chuyển dần về những người trẻ dưới 40 tuổi. 

Đái tháo đường được chia thành đái tháo đường tuýp 1, đái tháo đường tuýp 2 và đái tháo đường thai kỳ. Mỗi loại trên đều có các đối tượng dễ có nguy cơ mắc. Vậy cụ thể đó là những ai?

 

Đái tháo đường chung

Đái tháo đường tuýp 1 hay còn gọi là đái tháo đường bẩm sinh thường gặp ở trẻ nhỏ nguyên nhân do gen di truyền, trong gia đình có người cùng mắc đái tháo đường.

Đái tháo đường tuýp 2 thường gặp ở người trưởng thành. Người có nguy cơ cao là những người trên 45 tuổi, thừa cân, béo phì, ít vận động, tăng mỡ máu 

Béo phì, ít vận động có thể dẫn tới đái tháo đường

 

Đái tháo đường thai kỳ

Đái tháo đường thai kỳ đúng như tên gọi xuất hiện ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai do sự thay đổi hormon ở giai đoạn này.

 

Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường là gì?

Đái tháo đường là bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng tăng nồng độ Glucose huyết mạn tính. Nguyên nhân có thể do thiếu hormon insulin hay các tế bào không đáp ứng với insulin. Nguyên nhân gây đái tháo đường đến nay vẫn còn nhiều tranh luận. Dưới đây sẽ là nguyên nhân gây đái tháo đường ở các thể. 

 

Nguyên nhân gây ĐTĐ tuýp 1

Đái tháo đường tuýp 1 được biết hay gặp ở lứa tuổi nhỏ và trẻ vị thành niên.

Đái tháo đường tuýp 1 nguyên nhân do sự thiếu hụt insulin bẩm sinh. Insulin là hormon quan trọng trong việc điều hòa nồng độ glucose máu. Tuyến tụy là nơi sản xuất ra loại hormon này nhưng vì lý do nào đó mà các tế bào sản xuất insulin bị thiếu hụt hay tổn thương.

 Nguyên nhân chưa được xác định chính xác. Có thể vì một lý do nào đó mà hệ thống miễn dịch của chính cơ thể đã tấn công các tế bào beta của tuyến tụy ( đây là nơi sản xuất ra hormon insulin) dẫn đến suy giảm số lượng các tế bào này do đó lượng insulin cần thiết để điều hòa đường máu cũng sụt giảm. Một số các nhà nghiên cứu cho rằng gen cũng ảnh hưởng một phần đến sự thiếu hụt insulin. Vì vậy yếu tố di truyền có thể coi là một phần nguyên nhân của đái tháo đường tuýp 1. Thường trước các bệnh nhân nhỏ tuổi bị đái tháo đường các bác sĩ sẽ quan tâm đến tiền sử bệnh lý gia đình có liên quan. Các nguyên nhân khác cũng được đưa ra như do virus tấn công làm thay đổi hệ miễn dịch.

 

Nguyên nhân gây ĐTĐ tuýp 2

Hiện nay, tỉ lệ người mắc đái tháo đường tuýp 2 ngày càng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu do sự thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt. 

Đái tháo đường tuýp 2 gây ra bởi sự đề kháng insulin của các tế bào cơ thể. Từ đó, các tế bào không thể hấp thu glucose để phục vụ cho hoạt động của tế bào dẫn tới đói tế bào trong khi glucose ngoài máu lại tăng cao. 

Chế độ ăn nhiều dầu mỡ và ít vận động làm tăng nguy cơ mắc ĐTĐ tuýp 2

Những người trên 45 tuổi có nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 cao hơn lứa tuổi khác. Thói quen ăn uống không điều độ, ăn nhiều thực phẩm có đường, đồ dầu mỡ cùng ít vận động dẫn đến nguy cơ thừa cân, béo phì, tăng cholesterol máu. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ đái tháo đường tuýp 2. Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng là một phần nguyên nhân của đái tháo đường tuýp 2.

 

Nguyên nhân gây ĐTĐ thai kỳ

Đái tháo đường thai kỳ

Trong thời kỳ mang thai, cơ thể người phụ nữ bị ảnh hưởng của một loạt các thay đổi về sinh lý và chức năng rất dễ làm tăng lượng đường trong máu gây đái tháo đường thai kỳ. 

Do khi mang thai, nhau thai tiết ra một loại hormon làm các tế bào của cơ thể mẹ ít nhạy cảm hơn với insulin. Đường không thể qua insulin được hấp thụ vào trong tế bào tạo ra năng lượng dẫn tới tăng cao trong máu.

Phụ nữ tăng thừa cân hoặc tăng quá nhiều cân trong thời kỳ mang thai cũng dễ mắc đái tháo đường thai kỳ. Phụ nữ sinh con >4kg thì có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ ở lần mang thai sau.

 

Nguyên nhân gây ĐTĐ khác

Tiền đái tháo đường gặp phải khi lượng đường trong máu tăng cao hơn mức bình thường nhưng không đủ điều kiện để chẩn đoán đái tháo đường tuýp 2.

Một tình trạng hiếm gặp được gọi là đái tháo nhạt không liên quan đến bệnh đái tháo đường, mặc dù nó có tên tương tự. Đó là một tình trạng khác trong đó thận loại bỏ quá nhiều chất lỏng ra khỏi cơ thể.

 

 

Cần làm gì để phòng bệnh đái tháo đường?

Đái tháo đường là bệnh lý chuyển hóa có nguyên nhân kết hợp giữa di truyền và thói quen lối sống. Việc phòng bệnh đái tháo đường là hoàn toàn có thể

Chế độ dinh dưỡng, chế độ tập luyện

Cần thực hiện điều độ lành mạnh. Hạn chế sử dụng các thực phẩm chứa đường, đặc biệt đường công nghiệp; hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, chất béo… Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường sức khỏe, ít nhất 15 phút mỗi ngày.

 

Khám định kỳ 

 

Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/ 1 lần được khuyến cáo để phát hiện sớm và phòng ngừa đái tháo đường cũng như các căn bệnh khác.Ngoài ra, cũng có thể kiểm soát đường huyết ngay tại nhà bằng các thiết bị rất đơn giản.

 

Tầm soát với đối tượng có nguy cơ

Các đối tượng nằm trong nhóm nguy cơ cao dễ mắc đái tháo đường nên được tầm soát kiểm tra định kỳ. Nếu bạn phát hiện thấy bạn hay người thân có bất kỳ dấu hiệu gì của đái tháo đường thì hãy liên hệ và đến bác sĩ uy tín để được khám và tư vấn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top