Bệnh đau dạ dày là gì?
Đau dạ dày là hiện tượng dạ dày bị tổn thương chủ yếu do viêm loét. Khi bị đau dạ dày, người bệnh phải đối mặt với những cơn đau âm ỉ vô cùng khó chịu. Ăn quá no hoặc quá đói đều có thể bị đau.
Dấu hiệu đau dạ dày thường có những biểu hiện rất rõ rệt. Tuy nhiên ở một số người lại không xuất hiện những dấu hiệu này mà nó chỉ đơn thuần là những cơn đau âm ỉ vùng bụng. Người bệnh đau dạ dày có thể có các dấu hiệu, như: Đau vùng thượng vị; kém ăn, suy nhược cơ thể; ợ chua; nôn và buồn nôn; chảy máu tiêu hóa.
Hút thuốc lá, thường xuyên thức đêm, sử dụng nhiều rượu bia và cà phê, lạm dụng các loại thuốc kháng viêm, giảm đau trị đau nhức xương khớp, ăn uống không điều độ, thường xuyên căng thẳng, stress… là những nguyên nhân gây bệnh đau dạ dày.
Bệnh đau dạ dày nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách dễ chuyển mạn tính và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, như: Hẹp môn vị, chảy máu dạ dày, thủng dạ dày, ung thư dạ dày.
Người cao tuổi, người thường xuyên thức khuya, người uống nhiều rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích, người phải làm việc trong môi trường áp lực công việc cao, người có thói quen ăn uống đồ ăn nhanh, người béo phì, người có bố mẹ đẻ hoặc anh chị em ruột mắc các bệnh dạ dày, người thường xuyên sử dụng các loại thuốc giảm đau kháng viêm trong điều trị bệnh xương khớp, người thường xuyên bị căng thẳng thần kinh, stress, ức chế kéo dài… là những người dễ bị bệnh đau dạ dày.
Chữa bệnh đau dạ dày cần căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh. Ngay sau khi phát hiện những triệu chứng bất thường nói trên, người bệnh cần chủ động tìm đến với bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám tìm nguyên nhân, chẩn đoán và đánh giá mức độ nặng – nhẹ của bệnh. Căn cứ trên kết quả khám, các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất cho từng bệnh nhân.
Người bệnh cần dùng thuốc theo kê đơn của bác sĩ, tuân thủ nghiêm túc những chỉ dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị. Người bệnh không được tự ý mua thuốc về dùng, tự ý ngưng sử dụng thuốc hoặc tăng – giảm liều lượng thuốc trong quá trình điều trị. Việc dùng thuốc theo kê đơn của bệnh nhân khác cũng là một cấm kị trong điều trị bệnh đau dạ dày.
Ngoài việc điều trị theo phác đồ của bác sĩ, bệnh nhân đau dạ dày có thể tham khảo các bài thuốc dân gian có tác dụng tốt với việc hỗ trợ điều trị đau dạ dày, như: Tinh bột nghệ đen và mật ong, nước ép đu đủ tươi, nhựa cây nha đam, bắp cải, chuối hột, lá mơ…
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trong trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị đau dạ dày. Người bệnh đau dạ dày nên ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, giàu chất xơ, đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh lại phong cách sống theo hướng lành mạnh, như: Tránh thức khuya, làm việc căng thẳng quá sức, giữ tâm trạng thoải mái, tránh stress, không hút thuốc lá, không uống rượu bia.
Cần cố gắng duy trì thói quen sinh hoạt đều đặn, ăn uống đúng bữa, điều độ, không nên ăn quá no hoặc để dạ dày trống trơ, ăn đủ chất, ngủ đủ 8 tiếng/ngày; tránh căng thẳng, stress… Thực hiện khám sức khỏe định kỳ, khám chuyên khoa ngay sau khi có những dấu hiệu bệnh, thực hiện điều trị nghiêm túc theo chỉ dẫn của bác sĩ (nếu có bệnh)…
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh