✴️ Metronidazol 250 - Dược phẩm Cửu Long

Nội dung

THÀNH PHẦN

Cho một đơn vị đóng gói nhỏ nhất: 1 viên

Metronidazol ………………………….250 mg

Tá dược vừa đủ………………………1 viên

(Tá dược gồm: Tinh bột, magnesi stearat).

 

DƯỢC LỰC HỌC

Metronidazol là một dẫn chất 5 – nitro – imidazol, có phổ hoạt tính rộng trên động vật nguyên sinh như amip, Giardia và trên vi khuẩn kị khí.

Cơ chế tác dụng của metronidazol còn chưa thật rõ. Trong ký sinh trùng, nhóm 5 – nitro của thuốc bị khử thành các chất trung gian độc với tế bào. Các chất này liên kết với cấu trúc xoắn của phân tử DNA làm vỡ các sợi này và cuối cùng làm tế bào chết. Nồng độ trung bình có hiệu quả của metronidazol là 8 microgam/ml hoặc thấp hơn đối với hầu hết các động vật nguyên sinh và các vi khuẩn nhạy cảm. Nồng độ tối thiểu ức chế (MIC) các chủng nhạy cảm khoảng 0,5 microgam/ml. Một chủng vi khuẩn khi phân lập được coi là nhạy cảm với thuốc khi MIC không quá 16 microgam/ml.

Metronidazol là một thuốc rất mạnh trong điều trị nhiễm động vật nguyên sinh như Entamoeba histolytica, Giardia lamblia và Trichomonas vaginalis. Metronidazol có tác dụng diệt khuẩn trên Bacteroides, Fusobacterium và các vi khuẩn kỵ khí bắt buộc khác, nhưng không có tác dụng trên vi khuẩn ái khí. Metronidazol chỉ bị kháng trong một số ít trường hợp. Tuy nhiên khi dùng metronidazol đơn độc để điều trị Campylobacter/ Helicobacter pylori thì kháng thuốc phát triển khá nhanh. Khi bị nhiễm cả vi khuẩn ái khí và kỵ khí, phải phối hợp metronidazol với các thuốc kháng khuẩn khác.

Nhiễm Trichomonas vaginalis có thể điều trị bằng uống metronidazol hoặc dùng tại chỗ. Cả phụ nữ và nam giới đều phải điều trị, vì nam giới có thể mang mầm bệnh mà không có triệu chứng. Trong nhiều trường hợp cần điều trị phối hợp đặt thuốc âm đạo và uống thuốc viên.

Khi bị viêm cổ tử cung/âm đạo do vi khuẩn, metronidazol sẽ làm cho hệ vi khuẩn âm đạo trở lại bình thường ở đại đa số người bệnh dùng thuốc: metronidazol không tác động trên hệ vi khuẩn bình thường ở âm đạo.

Metronidazol là thuốc điều trị chuẩn của ỉa chảy kéo dài và sút cân do Giardia. Metronidazol là thuốc được lựa chọn đầu tiên để điều trị lỵ cấp tính và áp xe gan nặng do amip, tuy liều dùng có khác nhau.

Khi nhiễm khuẩn ổ bụng kèm áp xe như áp xe ruột thừa, nhiễm khuẩn sau phẫu thuật ruột và áp xe gan, và khi nhiễm khuẩn phụ khoa như viêm nội mạc tử cung nhiễm khuẩn và áp xe cần kết hợp metronidazol với một kháng sinh loại beta lactam, chẳng hạn một cephalosporin thế hệ mới.

Bacteroides fragilis hoặc Melaninogenicus thường gây nhiễm khuẩn phổi dẫn đến áp xe sau thủ thuật hút đờm dãi, viêm phổi hoại tử kèm áp xe phổi và viêm màng phổi mủ. Khi đó cần phối hợp metronidazol hoặc clindamycin với một kháng sinh loại beta lactam. Áp xe não hoặc nhiễm khuẩn răng do cả vi khuẩn ái khí và kỵ khí cũng điều trị theo cùng nguyên tắc trên.

Metronidazol tác dụng tốt chống Bacteroides nên thường dùng làm thuốc chuẩn để phòng bệnh trước phẫu thuật dạ dày – ruột. Phần lớn phác đồ chuẩn phối hợp metronidazol với một kháng sinh betalactam chẳng hạn một cephalosporin thế hệ mới. Nguyên tắc này phòng tránh tốt biến chứng áp xe sau khi cắt ruột thừa.

Metronidazol (chứ không phải vancomycin) được chọn dùng trong ỉa chảy do Clostridium difficile. Trong trường hợp này không nên dùng vancomycin vì dễ gây nguy cơ kháng vancomycin, rất có hại khi sau này cần phải dùng đến vancomycin.

Các chủng kháng metronidazol đã được chứng minh chứa ít ferredoxin; chất này là 1 protein xúc tác khử hóa metronidazol trong các chủng đó. Ferredoxin giảm nhưng không mất hoàn toàn có lẽ giải thích được tại sao nhiễm khuẩn với các chủng kháng đó lại đáp ứng với liều metronidazol cao hơn và kéo dài hơn.

 

DƯỢC ĐỘNG HỌC

Metronidazol thường hấp thu nhanh và hoàn toàn sau khi uống, đạt tới nồng độ trong huyết tương khoảng 10 microgam/ml khoảng 1 giờ sau khi uống 500 mg. Mối tương quan tuyến tính giữa liều dùng và nồng độ trong huyết tương diễn ra trong phạm vi liều từ 200 – 2000 mg. Liều dùng lặp lại cứ 6 – 8 giờ một lần sẽ gây tích lũy thuốc. Nửa đời của metronidazol trong huyết tương khoảng 8 giờ và thể tích phân bố xấp xỉ thể tích nước trong cơ thể (0,6 – 0,8 lít/kg). Khoảng 10 – 20 % thuốc liên kết với protein huyết tương. Metronidazol thâm nhập tốt vào các mô và dịch cơ thể, vào nước bọt và sữa mẹ. Nồng độ điều trị cũng đạt được trong dịch não tủy.

Metronidazol chuyển hóa ở gan thành các chất chuyển hóa dạng hydroxy và acid, và thải trừ qua nước tiểu một phần dưới dạng glucuronid. Các chất chuyển hóa vẫn còn phần nào tác dụng dược lý.

Nửa đời thải trừ trung bình trong huyết tương khoảng 7 giờ. Nửa đời của chất chuyển hóa hydroxy là 9,5 – 19,2 giờ ở người bệnh có chức năng thận bình thường. Trên 90% liều uống được thải trừ qua thận trong 24 giờ, chủ yếu là các chất chuyển hóa hydroxy (30 – 40%), và dạng acid (10 – 22%). Dưới 10% thải trừ dưới dạng chất mẹ. Khoảng 14% liều dùng thải trừ qua phân.

Ở người bệnh bị suy thận, nửa đời của chất mẹ không thay đổi, nhưng nửa đời của chất chuyển hóa hydroxy kéo dài gấp 4 đến 17 lần. Chuyển hóa metronidazol có thể bị ảnh hưởng nhiều, khi bị suy gan nặng. Metronidazol có thể loại khỏi cơ thể có hiệu quả bằng thẩm tách máu.

Dược động học của metronidazol trong cơ thể khi tiêm cũng tương tự như khi uống. Ðặt một liều duy nhất 5 g gel vào âm đạo (bằng 37,5 mg metronidazol), nồng độ metronidazol trung bình trong huyết thanh là 237 nanogam/ml (từ 152 đến 368 nanogam/ml). Nồng độ này bằng khoảng 2% nồng độ metronidazol tối đa trung bình trong huyết thanh sau khi uống một lần 500 mg metronidazol (Cmax trung bình là 12.785 nanogam/ml). Các nồng độ đỉnh này đạt được 6 – 12 giờ sau khi dùng dạng gel tại âm đạo và 1 – 3 giờ sau khi uống metronidazol.

Mức độ tiếp xúc với thuốc (diện tích dưới đường cong AUC) khi dùng một lần duy nhất trong âm đạo 5 g gel metronidazol (tương đương 37,5 mg) bằng khoảng 4% AUC khi uống một lần 500 mg metronidazol (4977 nanogam – giờ/ml và 125 000 nanogam – giờ/ml). So sánh AUC trên cơ sở mg với mg của 2 cách dùng chứng tỏ rằng sự hấp thu của metronidazol khi dùng đường âm đạo chỉ bằng nửa khi uống nếu dùng liều bằng nhau.

 

CHỈ ĐỊNH

Ðiều trị các trường hợp nhiễm Trichomonas vaginalis, Entamoeba histolytica (thể cấp tính ở ruột và thể áp xe gan), Dientamoeba fragilis ở trẻ em, Giardia lamblia và Dracunculus medinensis. Trong khi điều trị bệnh nhiễm Trichomonas, cần điều trị cho cả nam giới.

Ðiều trị nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn kỵ khí nhạy cảm như nhiễm khuẩn ổ bụng, nhiễm khuẩn phụ khoa, nhiễm khuẩn da và các cấu trúc da, nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương, nhiễm khuẩn huyết và viêm màng trong tim. Phối hợp với uống neomycin, hoặc kanamycin để phòng ngừa khi phẫu thuật ở người phải phẫu thuật đại trực tràng và phẫu thuật phụ khoa.

Viêm lợi hoại tử loét cấp, viêm lợi quanh thân răng và các nhiễm khuẩn răng khác do vi khuẩn kị khí. Bệnh Crohn thể hoạt động ở kết tràng, trực tràng. Viêm loét dạ dày – tá tràng do Helicobacter pylori (phối hợp với 1 số thuốc khác).

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Metronidazol 250mg bị chống chỉ định trên bệnh nhân dị ứng với metronidazole với bất cứ tá dươc nào của thuốc hoặc với những thuốc khác được bào chế với các dẫn chất imidazole.

 

LIỀU LƯỢNG VÀ CÁCH DÙNG

Metronidazol có thể uống dưới dạng viên nén (cùng hoặc sau lúc ăn) hoặc dạng dịch treo metronidazol benzoat (ít nhất uống 1 giờ trước khi ăn). Thuốc có thể đặt vào hậu môn, âm đạo hoặc tiêm truyền (dung dịch 5 mg/ml), tốc độ truyền 5 ml/phút.

Bệnh do Trichomonas: Uống một liều duy nhất 2 g, hoặc dùng 7 ngày, mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 250 mg. Cần điều trị cho cả người tình.

Lỵ amíp cấp do E. histolytica: Có thể dùng đơn độc hoặc tốt hơn là phối hợp với iodoquinol hoặc với diloxanid furoat. Liều thường dùng cho người lớn là 750 mg, ngày 3 lần trong 5 – 10 ngày.

Áp xe gan do amíp: Người lớn 500 – 750 mg, ngày 3 lần trong 5 – 10 ngày. Ðối với trẻ em liều thường dùng là 35 – 40 mg/ kg/24 giờ, chia làm 3 lần, uống liền 5 – 10 ngày.

Bệnh do Giardia:

Người lớn:Uống 250 mg, ngày 3 lần trong 5 – 7 ngày hoặc uống một lần 2 g/ngày trong 3 ngày.

Trẻ em: Uống 15 mg/kg/ngày, chia làm 3 lần, trong 5 – 10 ngày.

Bệnh do giun rồng Dracunculus: Người lớn và trẻ em 25 mg/kg/ngày, uống trong 10 ngày, với liều 1 ngày cho trẻ em không được quá 750 mg (dù trẻ trên 30 kg).

Ðiều trị nhiễm vi khuẩn kỵ khí: Uống: 7,5 mg (base)/kg, cho tới tối đa 1 g, cách 6 giờ/1 lần, cho trong 7 ngày hoặc lâu hơn.

Viêm đại tràng do kháng sinh: Uống 500 mg (base) 3 – 4 lần mỗi ngày.

Viêm loét dạ dày tá tràng do H. pylori:

Uống 500 mg (base) 3 lần mỗi ngày, phối hợp với bismuth subsalicylat hoặc bismuth subcitrat keo và các kháng sinh khác như ampicilin hoặc amoxicilin, trong 1 – 2 tuần.

Chỉ dùng dung dịch truyền cho người bệnh không thể uống được thuốc. Người lớn: Truyền tĩnh mạch 1,0 – 1,5 g/ngày chia làm 2 – 3 lần. Trẻ em: Truyền tĩnh mạch 20 – 30 mg/kg/ngày chia làm 2 – 3 lần. Khi người bệnh có thể cho uống được thì chuyển sang cho uống.

Phòng nhiễm khuẩn kị khí sau phẫu thuật: 20 – 30 mg/kg/ngày chia làm 3 lần. 10 – 15 mg/kg, tiêm truyền trong 30 – 60 phút, hoàn thành 1 giờ trước khi phẫu thuật, tiếp theo là 2 liều tiêm truyền tĩnh mạch 5 – 7,5 mg/kg vào lúc 6 và 12 giờ sau liều đầu tiên.

 

TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN (ADR)

Tác dụng không mong muốn thường phụ thuộc vào liều dùng. Khi dùng liều cao và lâu dài sẽ làm tăng tác dụng có hại.

Tác dụng không mong muốn thường gặp nhất khi uống metronidazol là buồn nôn, nhức đầu, chán ăn, khô miệng, có vị kim loại rất khó chịu. Các phản ứng không mong muốn khác ở đường tiêu hóa của metronidazol là nôn, ỉa chảy, đau thượng vị, đau bụng, táo bón. Các tác dụng không mong muốn trên đường tiêu hóa xảy ra khoảng 5 – 25%.

Thường gặp, ADR > 1/100

Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, chán ăn, đau bụng, ỉa chảy, có vị kim loại khó chịu.

Ít gặp, 1/1000

Máu: Giảm bạch cầu.

Hiếm gặp, ADR

Máu: Mất bạch cầu hạt.

Thần kinh trung ương: Cơn động kinh, bệnh đa dây thần kinh ngoại vi, nhức đầu.

Da: Phồng rộp da, ban da, ngứa.

Tiết niệu: Nước tiểu sẫm màu.

Hướng dẫn cách xử trí ADR

Ngừng điều trị khi bị chóng mặt, lú lẫn, mất điều hòa.

Kiểm tra công thức bạch cầu ở người bị rối loạn tạng máu hoặc điều trị liều cao và kéo dài.

Giảm liều ở người suy gan nặng.

Do có độc tính với thần kinh và làm giảm bạch cầu, cần chú ý khi dùng cho người bị bệnh ở hệ thần kinh trung ương, và người có tiền sử loạn tạng máu.

Cần báo trước cho người bệnh về phản ứng kiểu disulfiram, nếu dùng thuốc với rượu.

Cần thận trọng khi phối hợp với warfarin (xem tương tác).

Uống metronidazol có thể bị nhiễm nấm Candida ở miệng, âm đạo hoặc ruột. Nếu có bội nhiễm, phải dùng cách điều trị thích hợp.

 

THẬN TRỌNG

Nếu có lý do chính đáng phải dùng metronidazol lâu hơn thời gian điều trị được khuyến nghị, nên thường xuyên làm xét nghiệm huyết học, đặc biệt là số lượng bạch cầu, và bệnh nhân cần được theo dõi các phản ứng phụ như bệnh lý thần kinh ngoại biên hoặc trung ương (như dị cảm, thất điều, chóng mặt, co giật).

Nên khuyên bệnh nhân không được uống rượu trong thời gian điều trị và ít nhất là 24 giờ sau khi kết thúc điều trị vì khả năng có thể xảy ra phản ứng giống disulfiram (tức đỏ da, đỏ phừng mặt, ói mửa và nhịp tim nhanh).

Nên thận trọng khi dùng metronidazol nếu có các bệnh hệ thần kinh trung ương hoặc ngoại biên nặng đang hoạt động hoặc mạn tính vì có nguy cơ tăng nặng triệu chứng thần kinh.

Nước tiểu màu nâu đỏ có thể xảy ra trong thời gian điều trị nhưng không gây hậu quả gì. Nên thận trọng khi dùng metronidazol cho bệnh nhân có bệnh lý não do suy gan.

Có thai và thận trọng:

Phụ nữ mang thai: Metronidazole gây đột biến cho tế bào vi khuẩn và sinh ung thư cho chuột thí nghiệm. Metronidazole qua được nhau thai với nồng độ tương tự nồng độ thuốc trong huyết tương của người mẹ. Việc sử dụng trong thai kỳ vẫn còn tranh luận. Các phân tích tổng hợp về việc sử dụng metronidazole trong 3 tháng đầu của thai kỳ có kết luận rằng thuốc không làm gia tăng nguy cơ sinh quái thai.

Tuy nhiên, theo thông tin sản phẩm được cấp phép tại Hoa Kỳ đề cập Metronidazole là chống chỉ định sử dụng trong 3 tháng đầu thái kỳ trên người nhiễm Trichomonas, trong khi được chấp nhận cho dùng trong 3 tháng giữa và cuối thai kỳ.

Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng bất kỳ thuốc gì.

Phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ: Metronidazole qua được sữa mẹ gây ra vị đắng khiến trẻ khó bú mẹ. Chưa rõ tác động của Metronidazole cho trẻ bú mẹ; tuy nhiên để an toàn khuyên ngưng cho bú mẹ trong khoảng 12-14h khi uống 1 liều đơn.

Lái xe và vận hành máy móc:

Vì nguy cơ lú lẫn, chóng mặt, ảo giác, co giật hoặc rối loạn thị giác thoáng qua đi kèm với việc dùng thuốc, nên khuyên bệnh nhân không được lái xe hoặc điều khiển máy móc nếu xảy ra những triệu chứng này.

 

TƯƠNG TÁC

Để tránh những tương tác có thể có với các thuốc khác, nên báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết về những loại thuốc mà bạn đang dùng.

Disulfiram: nếu đang dùng disulfiram, thì không được dùng metronidazol cùng một lúc hoặc ít nhất trong vòng hai tuần sau khi kết thúc điều trị disulfiram, vì có thể dẫn đến trạng thái ảo giác cấp và lú lẫn.

Rượu: phải tránh các thức uống hoặc thuốc có chứa cồn vì có thể xảy ra nhiều phản ứng khó chịu, được gọi là tác dụng giống disulfiram, bao gồm: cảm giác nồng, đỏ da, ói mửa, buồn nôn, đổ mó hôi và đánh trống ngực.

Thuốc uống chống đông máu (loại warfarin): tăng nguy cơ chảy máu, do metronidazol làm tăng tác dụng của thuốc này. Trong trường hợp dùng đồng thời, theo dõi thời gian prothrombin thường xuyên và điều chỉnh trị liệu chống đông trong suốt thời gian trị liệu bằng metronidazol.

Lithium: nồng độ lithium huyết thanh có thể tăng do metronidazol. Nồng độ huyết thanh của lithium, creatinin và điện giải nên được theo dõi ở những bệnh nhân điều trị bằng lithium trong khi họ dùng metronidazol.

Cyclosporin: nguy cơ tăng nồng độ cyclosporin huyết thanh. Nồng độ huyết thanh của cyclosporin và creatinin nên được theo dõi chặt chẽ khi cần thiết phải dùng metronidazol đồng thời.

Phenytoin hay phenobarbital: tăng thải trừ metronidazol đưa đến giảm nồng độ metronidazol huyết thanh.

5-Fluorouracil: giảm thanh thải 5-fluorouracil đưa đến tăng độc tính của 5-fluorouracil.

Busulfan: nồng độ busulfan huyết thanh có thể tăng bởi metronidazol, điều này có thể đưa đến ngộ độc busulfan trầm trọng.

 

QUÁ LIỀU

Dùng một liều đơn lên đến 12g metronidazol đã được ghi nhận trong các trường hợp tự tử hoặc tai nạn quá liều. Các triệu chúng có thể gặp bao gồm: nôn mửa, thất điều (mất phối hợp động tác), mất định hướng nhẹ, khô miệng, xu hướng muốn ngất cơn bốc hỏa, nổi mẩn trên da, đau đầu, trầm cảm nhẹ, giảm vị giác, và buồn nôn.

Xử trí: Không có thuốc giải độc đặc hiệu. Trong trường hợp quá liều, nên tiến hành rửa dạ dày và điều trị triệu chứng.

 

BẢO QUẢN

Bảo quản nơi khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp, dưới 30 độ C.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top