✴️ Tự ý trị sỏi tiết niệu bằng đông y: coi chừng tiền mất tật mang

Nội dung

Những nguy hiểm từ việc tự ý chữa sỏi tiết niệu bằng đông y

Rất nhiều bệnh nhân bị sỏi thận có tâm lý e ngại bệnh viện, sợ mổ, sợ phải can thiệp ngoại khoa, sợ tốn kém… vì vậy, mà chần chừ không điều trị ngay, thậm chí bệnh nhân không tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ mà tự ý dùng thuốc đông y để điều trị bệnh. Việc sử dụng thuốc đông y không đảm bảo chất lượng hoặc điều trị không đúng cách sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh.

Không ít trường hợp bệnh nhân dù đi khám, biết có sỏi thận nhưng lại chỉ uống thuốc đông y với hy vọng tiêu đi sỏi, nhưng thực tế sỏi lại to lên, nhu mô thận giãn, quả thận teo đi, chức năng thận có thể giảm 50%, thậm chí có trường hợp khối sỏi vỡ ra, chạy khắp thận, gây tắc nghẽn, suy thận, hỏng thận phải chạy thận…

Sỏi tiết niệu nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng như khó lường như nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm đài bể thận, giãn đài bể thận, ứ nước, ứ mủ thận, suy thận,…

những nguy hiểm từ việc tự ý chữa sỏi tiết niệu bằng đông y

Tự ý trị sỏi tiết niệu bằng đông y không theo chỉ dẫn của bác sĩ có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh (ảnh minh họa)

Giải tỏa tâm lý sợ mổ bằng những đột phá trong công nghệ tán sỏi

Trước đây, để điều trị và loại bỏ sỏi tiết niệu rất có thể bệnh nhân phải mổ để lấy sỏi, phương pháp này gây ra đau đớn cho người bệnh, để lại sẹo và mất thời gian phục hồi và có thể gây ra những nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh.

Hiện nay, khoa học công nghệ phát triển có nhiều đột phá trong công nghệ tán sỏi với chi phí hợp lý, giảm thời gian điều trị và phục hồi sức khỏe cho người bệnh như:

Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng điện từ không mổ

Đây là phương pháp sử dụng máy tán sỏi phát ra tia laser hoặc sóng xung kích, phá bề mặt sỏi, đập vụn sỏi ra và đào thải ra ngoài theo đường nước tiểu. Tán sỏi ngoài cơ thể cho bệnh nhân có sỏi thận nhỏ hơn 2cm, sỏi niệu quản 1/3 trên và nhỏ hơn 1,5cm.

Với phương pháp này bệnh nhân không cần phẫu thuật, không gây đau đớn, không nằm viện và bệnh nhân có thể tiếp tục hoạt động bình thường sau một vài ngày.

Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ bằng laser

Đây là kỹ thuật tán sỏi bằng việc tạo đường hầm vào thận và đưa ống nội soi đường kính 10-15 mm vào tiếp cận sỏi, phá vỡ sỏi bằng laser hoặc khí nén hoặc siêu âm phá vỡ sỏi và lấy sỏi ra ngoài.

Phương pháp này thường áp dụng với sỏi thận lớn hơn 2cm, sỏi niệu quản 1/3 trên và lớn hơn 1,5cm.

Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser

Là phương pháp sử dụng ống nội soi đi từ vùng niệu đạo, qua bàng quang và lên niệu quản để tiếp cận trực tiếp viên sỏi và phá vỡ sỏi bằng tia laser, sau đó các vụn sỏi đã được phá vỡ sẽ được gắp ra ngoài.

Kỹ thuật này được chỉ định với sỏi niệu quản 1/3 giữa và 1/3 dưới, sỏi bàng quang. Với phương pháp này bệnh nhân không cần phẫu thuật, không đau, không để lại sẹo, không gây tổn thương đến các cơ quan lân cận trên cơ thể, bệnh nhân có thể xuất viện sau 24h.

Không nên tự ý điều trị các bệnh lý về sỏi tiết niệu

Sỏi tiết niệu nếu không được phát hiện sớm hoặc tự ý điều trị không theo chỉ dẫn của bác sĩ có thể dẫn đến những nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh, vì vậy người bị sỏi tiết niệu cần chú ý những điều sau:

Cần đi khám sức khỏe

Khi có những dấu hiệu bệnh, người bệnh không nên tự điều trị, không tự uống thuốc đông y mà hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám, tư vấn và chẩn đoán điều trị phù hợp.

Đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để tầm soát, phòng ngừa bệnh cũng như phát hiện sỏi thận tái phát hoặc các biến chứng, di chứng sau can thiệp điều trị sỏi.

Có chế độ ăn uống khoa học

Bạn hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa về chế độ ăn uống để hỗ trợ điều trị sỏi tiết niệu như uống đủ nước mỗi ngày, hạn chế ăn nhiều calci, oxalate như sữa, pho mát…

Không nên tự ý trị sỏi tiết niệu

Uống đủ nước mỗi ngày để hạn chế sự hình thành sỏi tiết niệu (ảnh minh họa)

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top