Một số điều cần biết về thuốc tránh thai hàng ngày

Nội dung

Thuốc tránh thai hàng ngày hoạt động như thế nào?

Về cơ bản, có 2 loại thuốc tránh thai hàng ngày bao gồm 2 loại có chứa hormone estrogen và progesterone và sẽ có hiệu quả gần như 100% nếu được dùng đúng cách. Một loại thuốc tránh thai chỉ có chứa hormone sinh dục nữ là progesterone và loại còn lại sẽ phối hợp giữa progesterone và estrogen.

Hai hormone này hoạt động theo 2 cách khác nhau để tránh thai. Progesterone sẽ làm dày lớp dịch nhầy cổ tử cung và việc này sẽ khiến tinh trùng khó đi vào tử cung hơn, progesterone cũng sẽ khiến ống dẫn trứng chuyển động chậm hơn, do vậy, khả năng gặp nhau của trứng và tinh trùng sẽ giảm đi. Progesterone  cũng sẽ làm cho trứng khó làm tổ vào lớp niêm mạc tử cung  hơn. Niêm mạc tử cung quá mỏng thì trứng sẽ không thể làm tổ được. Estrogen sẽ ức chế quá trình rụng trứng bằng cách làm giảm lượng hormone gây rụng trứng. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng, cả hai loại thuốc tránh thai này đều không thể bảo vệ bạn khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

 

Những phụ nữ nào không thể dùng thuốc tránh thai phối hợp?

Có rất nhiều phụ nữ không thể sử dụng được estrogen, bao gồm những phụ nữ có tiền sử đông máu, ung thư vú hoặc bệnh tim mạch, phụ nữ hút thuốc lá. Thuốc tránh thai chỉ chứa progesterone thường sẽ an toàn hơn với một số phụ nữ.

 

Mất bao lâu thuốc tránh thai hàng ngày mới phát huy tác dụng?

Một số loại thuốc sẽ bắt đầu phát huy tác dụng trong vòng 72 tiếng và một số loại khác sẽ cần 3-5 ngày để phát huy hiệu quả. Do vậy, để đảm bảo an toàn, trong tuần đầu tiên dùng thuốc, bạn nên dùng thêm bao cao su để bảo vệ.

 

Nên uống thuốc khi nào?

Thời điểm uống thuốc sẽ rất khác biệt, phụ thuộc vào từng loại thuốc. Thuốc chỉ chứa progestin cần phải uống đúng giờ mỗi ngày, nếu không, lớp dịch nhầy cổ tử cung sẽ lại bắt đầu mỏng đi và bạn sẽ có khả năng mang thai. Đối với thuốc tránh thai phối hợp, bạn không cần phải uống đúng giờ mỗi ngày, nhưng bạn nên có thói quen uống thuốc hàng ngày. Nhiều người phụ nữ thấy rằng việc để thuốc cạnh bản chải đánh răng sẽ khiến họ nhớ việc uống thuốc hàng ngày. Bạn có thể hỏi ý kiến bác sỹ hoặc dược sỹ về thời điểm và cách uống thuốc phù hợp.

 

Nếu chẳng may quên uống thuốc?

Bạn nên uống bù 1 viên thuốc mà mình đã quên ngay khi bạn nhớ ra, càng sớm càng tốt, hoặc uống bù 2 viên, nếu hôm trước bạn quên không uống thuốc. Và lúc này, bạn nên cân nhắc sử dụng một loại biện pháp tránh thai khác mà không cần nhớ, ví dụ như đặt vòng. Và trong những khoảng thời gian quên uống thuốc, bạn nên sử dụng thêm bao cao su để dự phòng.

 

Hiệu quả của việc uống thuốc tránh thai hàng ngày?

Sẽ có 2 câu trả lời khác nhau cho câu hỏi này. Trong các thử nghiệm lâm sàng hoặc khi phụ nữ dùng thuốc đúng cách 100% như được hướng dẫn thì thuốc tránh thai hàng ngày sẽ có hiệu quả lên tói 99.9%. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế, thuốc tránh thai hàng ngày chỉ có hiệu quả tránh thai khoảng 91%. Điều này có nghĩa là cứ 100 người sử dụng thuốc tránh thai thì sẽ có 9 người mang thai mỗi năm, nguyên nhân chủ yếu là vì họ quên uống thuốc hàng ngày.

 

Điều gì có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc tránh thai hàng ngày?

Một số loại kháng sinh, thuốc chống nấm hoặc các loại thực phẩm chức năng tự nhiên khác như cỏ St.John’s Wort có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc tránh thai hàng ngày. Bất cứ lúc nào bạn dùng thêm một loại thuốc/thực phẩm chức năng mới trong khi đang uống thuốc tránh thai hàng ngày, bạn nên hỏi bác sỹ, dược sỹ xem liệu có tương tác thuốc giữa loại thuốc/thực phẩm chức năng bạn mới dùng và thuốc tránh thai hàng ngày hay không. Nếu có thì tương tác sẽ là gì. Nếu bạn bị đau bụng, nôn mửa hoặc bị tiêu chảy, thì tức là việc hấp thu thuốc tránh thai đang bị ảnh hưởng. Lúc này, bạn nên suy nghĩ đến việc dùng thêm các biện pháp tránh thai dự phòng khác.

 

Các tác dụng không mong muốn của thuốc?

Tác dụng không mong muốn thường gặp của việc sử dụng quá nhiều estrogen là chướng bụng và sưng ngực, do vậy, nếu bạn nhận thấy những triệu chứng này, hãy trao đổi với bác sỹ phụ khoa về việc giảm liều estrogen. Phản ứng phụ thường gặp của progestin là thay đổi cảm xúc và dễ bị kích động. Nếu bạn gặp những phản ứng này, hãy trao đổi với bác sỹ về việc đổi thuốc.

 

Nên làm gì nếu đang dùng thuốc và muốn mang thai

Mặc dù bạn có thể ngưng dùng thuốc, nhưng có những việc khác bạn cần cân nhắc và trao đổi với bác sỹ. Ví dụ, nếu lượng đường huyết trong máu của bạn tăng cao, bạn nên điều chỉnh tình trạng này trước khi mang thai. Bạn cũng cần uống vitamin dành cho bà bầu trước (kể cả khi đang uống thuốc tránh thai hàng ngày) để tăng cường sức khỏe khi mang thai. Các bước bạn cần làm sẽ là: bắt đầu uống vitamin dành cho bà bầu, ngừng dùng thuốc tránh thai, đến gặp bác sỹ và mang thai!

 

Bao lâu sau khi ngừng dùng thuốc tránh thai hàng ngày tôi có thể thụ thai?

Có thể nói là gần như ngay lập tức. Đôi khi, phụ nữ sẽ được kê đơn sử dụng thuốc tránh thai cho những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt thất thường nhưng muốn thụ thai để điều hòa kinh nguyệt. Cách duy nhất để biết khi nào bạn thụ thai là theo dõi chu kỳ thường xuyên để tăng khả năng thụ thai.

 

Có thể cho con bú khi đang uống thuốc tránh thai hàng ngày không?

Phụ nữ dùng thuốc tránh thai hàng ngày sau khi sinh và trong giai đoạn cho con bú có thể sẽ bị ít sữa, nhưng nếu bạn cho con bú liên tục trong 6 tuần, lượng sữa của bạn sẽ dần ổn định. Do vậy, có thể nói, việc dùng thuốc tránh thai hàng ngày sẽ không ảnh hưởng gì đến nguồn sữa mẹ của bạn cả.

 

Nếu tôi mang thai trong khi đang dùng thuốc?

Việc này hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu bạn mang thai trong khi đang dùng thuốc, bạn nên dừng thuốc ngay và nên đi khám thai vào tuần thứ 18 để đảm bảo rằng, thai nhi phát triển bình thường. Nếu bạn tiếp tục uống thuốc khi đang mang thai, bạn có thể sẽ bị ra máu hàng tháng. Nếu bạn nghi ngờ mình mang thai khi đang dùng thuốc tránh thai, hãy kiểm tra bằng que thử, sau đó tới khám bác sỹ để khẳng định kết quả.

 

Có quá nhiều loại thuốc tránh thai, làm sao để biết loại nào phù hợp với tôi?

Nếu trước đây bạn đã dùng một loại thuốc tránh thai nào đó và có hiệu quả, thì hãy tiếp tục dùng loại đó. Bác sỹ cũng có thể sẽ cân nhắc đến tiền sử bệnh tật của bạn để xem liệu bạn có chống chỉ định với thuốc tránh thai phối hợp hay không. Ngoài ra, cũng cần cân nhắc đến một vài yếu tố khác. Ví dụ như một số loại thuốc tránh thai hàng ngày sẽ gây mụn. Cũng có loại thuốc tránh thai 3 tháng, tức là bạn sẽ dùng thuốc liên tục hàng ngày trong vòng 3 tháng, sau đó là  1 tuần dùng giả dược. Một số phụ nữ khác sẽ sử dụng thuốc liên tục trong vòng 1 năm và sẽ không có kinh trong suốt 1 năm này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top