Sử dụng thuốc kháng sinh ở người cao tuổi

Những vấn đề người cao tuổi gặp phải khi dùng thuốc kháng sinh

Trước đây người cao tuổi bị nhiễm khuẩn có thể đã được dùng một loại kháng sinh nào đó, nay lại dùng lại loại kháng sinh đó thì ít nhiều hạn chế tác dụng hoặc có trường hợp giảm hẳn tác dụng.

Khi cơ thể đã già thì các bộ phận cơ thể cũng có sự lão hóa. Mức độ hấp thu thuốc kháng sinh lại giảm nhiều hay ít còn tùy thuộc vào mức độ lão hóa của cơ thể từng người. Nếu mức độ lão hóa ít thì sự hấp thu tốt hơn nhiều so với cơ thể có sự lão hóa nhiều. Và khi mức độ lão hóa tăng thì khả năng gắn protein vào huyết tương cũng giảm.

Do dùng các thuốc kháng sinh đào thải qua đường tiêu hoá kéo dài sẽ tiêu diệt một số vi khuẩn sinh vitamin K làm cho NCT thiếu đi một lượng vitamin K đáng kể, loại vitamin thường do một số tạp khuẩn đường ruột tổng hợp.

Việc đào thải thuốc kháng sinh qua đường thận cũng sẽ giảm, nhất là các loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm bêta-lactam, amynoglycoside, sulfamide, co-trimoxazol... do NCT có hiện tượng suy giảm nephron kéo theo suy giảm chức năng của thận, ảnh hưởng đến sức khỏe người cao tuổi.

Mặt khác, một số vi khuẩn đường ruột có khả năng giáng hóa digoxin ở ống tiêu hoá, nếu dùng kháng sinh đào thải qua đường ruột quá nhiều sẽ làm tăng hấp thu digoxin và làm cho nồng độ digoxin trong huyết tương tăng cao, làm độc tính cũng tăng theo cho cơ thể NCT.

Ở người cao tuổi, chức năng thận đã suy giảm nên kháng sinh dễ gây độc cho gan, thận; nếu cần dùng bắt buộc phải giảm liều.

Cơ thể người cao tuổi có sự tăng khối mỡ, giảm khối nạc, làm giảm sự phân phối thuốc vào khoang mô, sự phân bố thuốc không đồng đều. Bác sĩ dễ đánh giá nhầm hiệu lực thuốc nếu chỉ xem nồng độ của thuốc trong máu.

Khi dùng thuốc kháng sinh cho người cao tuổi với liều cao và thời gian kéo dài có thể gây độc cho người cao tuổi do một số thuốc kháng sinh có chứa Na+, K+ như carboxypenicillin, penicillin.

 

Các nguyên tắc khi dùng thuốc kháng sinh cho người cao tuổi

Đối với bác sĩ 

* Sau khi cho bệnh nhân uống thuốc bác sĩ phải thường xuyên kiểm tra kết quả của kháng sinh trên người bệnh. Nếu thấy không có hiệu quả, phải xem lại chẩn đoán vì thường có nhiều bệnh đồng thời xuất hiện trên cơ thể người cao tuổi. Xem lại việc lựa chọn loại thuốc kháng sinh, liều lượng, điều kiện thâm nhập kháng sinh đến ổ bệnh trên một cơ thể đã lão hóa, xem xét tình trạng chống kháng sinh của vi khuẩn.

* Khi dùng thuốc kháng sinh cho người cao tuổi, nên chọn dùng một loại kháng sinh. Nếu cần phối hợp thuốc, phải cân nhắc tính đối kháng hay tính hợp đồng của thuốc. Nắm vững cơ địa, tiền sử dị ứng thuốc của người bệnh để có thể kê đơn thuốc chính xác cho người bệnh.

Đối với người cao tuổi

* Người cao tuổi cần phải tuân thủ những hướng dẫn của bác sĩ về cách điều trị như: Doxycilin uống vào giữa bữa ăn với một nửa cốc nước to, uống ở tư thế ngồi hay đứng để tránh kích ứng niêm mạc dạ dày, loét niêm mạc thực quản.

* Augmentin, ciblor... cần uống vào đầu bữa ăn. Người cao tuổi không được tự ý mua và sử dụng thuốc kháng sinh mặc dù trước đó họ đã được dùng tại bệnh viện. Ngừng ngay việc dùng thuốc và đến cơ sở y tế khám khi thấy có biểu hiện khác thường.

* Trước khi dùng thuốc phải: Xem lại đơn bác sĩ đã ghi. Đọc tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.

* Khi dùng thuốc phải: Đủ khoảng cách giờ. Đúng liều. Đủ liệu trình. Tuân thủ nghiêm các điều cấm kỵ  

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top