Rượu là một dung dịch được cấu thành từ 2 thành phần chính: nước và ethanol, trong đó ethanol chiếm từ 1 – 50%. Tùy từng nhà sản xuất, bên cạnh 2 thành phần chính trên, rượu sẽ được bổ sung một lượng nhỏ chất riêng biệt để mang màu sắc và hương vị đặc thù: bia 4 – 8%, rượu vang 8 – 12%, vokda 37 – 45%, rượu nếp tự nấu 30 – 45%, wisky 40 – 50%, brandy 45%…
Rượu khi uống vào cơ thể có tốc độ hấp thu nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào dạ dày người uống no hay đói, nếu đói thì tốc độ hấp thu của rượu nhanh hơn, khiến người ta mau say và ngược lại.
Sau khi hấp thu, rượu sẽ vào máu và phân tán ra khắp các mô tế bào cơ thể, có thể vượt qua nhau thai, tìm thấy trong não tủy và tích tụ ở não. Quá trình đào thải rượu được thông qua quá trình chuyển hóa qua gan (khoảng 90%), còn lại được đào thải qua mồ hôi, nước tiểu và hơi thở.
Thần kinh trung ương và gan là hai cơ quan chính bị rượu tác động khi vào cơ thể:
Thần kinh trung ương: rượu ức chế thứ tự từ não bộ từ trên xuống, đầu tiên là vỏ não, tiểu não, tủy sống cuối cùng là trung tâm hành tủy. Do đó, khi uống ít sẽ thấy dễ chịu, uống nhiều gây an thần, mất ức chế, giảm khả năng phán đoán, nói líu nhíu, mắt hoa và rơi vào trạng thái say xỉn.
Gan: Khi rượu vào cơ thể sẽ được gan chuyển hóa thành những chất không độc đào thải ra khỏi cơ thể. Chính vì vậy gan có khả năng chuyển hóa giải độc rượu.
Gan chuyển hóa rượu nhờ sự giúp đỡ của men xúc tác tên là NAD (nadnicotintamid – ademin – dinuclentid), tuy nhiên số lượng men xúc tác có hạn, chỉ đủ khả năng chuyển hóa từ 7 -10g/giờ (tương đương khoảng 1 ly bia hay 1 chung rượu nhỏ). Nếu uống quá nhiều bia rượu sẽ khiến gan không kịp sản xuất đủ lượng men để chuyển hóa giải độc rượu, dẫn đến lượng rượu tích tụ lại trong cơ thể, gây độc cho cơ thể, đặc biệt gan là cơ quan chịu tác động trực tiếp.
Về lâu dài sẽ cực kì nguy hiểm, ban đầu sẽ gây ra đầy bụng khó tiêu, tiếp đến tổn thương thực thể gan, về sau gây ra các bệnh gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan và cuối cùng là ung thư gan dẫn đến tử vong.
Các bác sĩ khuyến cáo, thuốc giải rượu, bia không phải “thần dược” mà chỉ là thuốc hỗ trợ. Các viên giải rượu có mặt trên thị trường hiện nay thực chất không phải thuốc mà là một dạng thực phẩm chức năng. Thành phần chủ yếu là đường, vitamin B1, B6, PP, acid glutamic, acid fumaric, acid succinic và cácenzyme. Nó có tác dụng tạm thời, hạn chế chuyển hóa nhanh rượu thành những chất không gây độc như CO2 và nước.
Rượu khi vào cơ thể sẽ xâm nhập các tế bào và chuyển hóa thành acetaldehyd, một chất gây ra các biểu hiện say rượu, ngộ độc rượu. Các thành phần trong viên thuốc giải rượu giúp giảm sự tạo thành acetaldehyd và đào thải nó ra khỏi cơ thể do tác dụng của enzyn chuyển hóa Succinic acid, Fumaric acid, L-gluthamine. Nếu uống nhiều rượu, các viên giải rượu tạm thời này sẽ không thể hóa giải hết lượng rượu, lượng cồn trong rượu nên người uống vẫn say xỉn và ngộ độc.
Ở liều lượng cho phép, những chế phẩm như RU-21, ME-21, Mewol-21, Tylenol, Pamin, Decolgen… có thể giảm nhức đầu, sốt, đau nhức. Những loại thuốc giải rượu trên làm cho người sử dụng dễ chịu và giữ lại lượng cồn, rượu trong ruột, tức là giữ chất độc lại trong cơ thể mà gan lại không thể lọc chất độc kịp. Hậu quả là gây tổn hại nghiêm trọng tới gan, gây xơ gan và ung thư gan.
Các bác sĩ cũng cảnh báo, dùng thuốc giải rượu thường xuyên, quá liều, các loại thuốc giải rượu sẽ dẫn tới tăng các men gan như AST, ALT, gamma-GT, làm giảm chất bảo vệ gan, làm tăng tổng hợp acid béo và triglyceride trong tế bào gan, làm gan nhiễm mỡ; hoại tử tế bào gan; viêm loét đường tiêu hóa và tử vong. Rượu, bia dù uống ít hay nhiều, đều là chất độc có khả năng phá hoại hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Hai cơ quan chịu đựng nhiều nhất tác hại của rượu chính là hệ thần kinh trung ương và gan.
Khi say lại uống thêm thuốc chắc chắn sẽ gây tương kỵ hoá học không tốt.
Nếu phải uống bia, rượu, hãy uống vừa phải, biết điểm dừng, không nên biến rượu, bia thành bạn hàng ngày. Tốt nhất khi say nên nghỉ ngơi, uống một số nước dân gian hay dùng để giải độc như nước chanh, nước sắn dây. Sắn dây có vị ngọt, tính bình giúp giải cơ, thông đại tiểu tiện, làm ra mồ hôi, giải độc là thuốc giải rượu tự nhiên rất tốt. Người bị say có thể giải rượu bằng cách cho uống nước vắt từ củ sắn dây thêm ít muối; hoặc dùng bột sắn dây khuấy với nước sôi, thêm ít muối để uống. Ngoài ra có thể dùng nước lá dong vắt uống. Đối với trường hợp mạn tính, có thể dùng trà hoa tam thất…
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh