Vitamin C

Vitamin C là gì ?

Vitamin C được chỉ định trong các trường hợp: Phòng và điều trị bệnh do thiếu vitamin C; Phối hợp với desferrioxamin để làm tăng thêm đào thải sắt trong điều trị bệnh thalassemia; Methemoglobin huyết vô căn khi không có sẵn xanh methylen; Các chỉ định khác như phòng cúm, chóng liền vết thương, phòng ung thư chưa được chứng minh.

Thành phần 

  • Dược chất chính: Ascorbic Acid (Vitamin C)

  • Loại thuốc: Vitamin tan trong nước

  • Dạng thuốc, hàm lượng: Viên bao phim, 500mg

Công dụng

Vitamin C được chỉ định trong các trường hợp:

  • Phòng và điều trị bệnh do thiếu vitamin C.

  • Phối hợp với desferrioxamin để làm tăng thêm đào thải sắt trong điều trị bệnh thalassemia.

  • Methemoglobin huyết vô căn khi không có sẵn xanh methylen.

  • Các chỉ định khác như phòng cúm, chóng liền vết thương, phòng ung thư chưa được chứng minh.

Liều dùng 

Cách dùng

Thường uống vitamin C. Khi không thể uống được hoặc khi nghi kém hấp thu, và chỉ trong những trường hợp rất đặc biệt, mới dùng đường tiêm. Khi dùng đường tiêm, tốt nhất là nên tiêm bắp mặc dù thuốc có gây đau tại nơi tiêm.

Liều dùng

  • Bệnh thiếu vitamin C (scorbut)

Dự phòng: 25 - 75mg/ ngày (người lớn và trẻ em).

Ðiều trị: Người lớn: Liều 250 - 500mg/ ngày chia thành nhiều liều nhỏ, uống ít nhất trong 2 tuần; trẻ em: 100 - 300mg/ ngày chia thành nhiều liều nhỏ, uống ít nhất trong 2 tuần.

  • Phối hợp với desferrioxamin để tăng thêm đào thải sắt (do tăng tác dụng chelat - hóa của desferrioxamin): Liều 100 - 200mg/ ngày.

  • Methemoglobin - huyết khi không có sẵn xanh methylen: 300 - 600mg/ ngày chia thành liều nhỏ.

Tác dụng phụ 

Tiêu chảy, đau dạ dày. Cần gặp bác sĩ nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng.

Lưu ý 

Thận trọng khi sử dụng

Dùng vitamin C liều cao kéo dài có thể dẫn đến hiện tượng nhờn thuốc, do đó khi giảm liều sẽ dẫn đến thiếu hụt vitamin C. Uống liều lớn vitamin C trong khi mang thai đã dẫn đến bệnh scorbut ở trẻ sơ sinh.

Tăng oxalat niệu có thể xảy ra sau khi dùng liều cao vitamin C. Vitamin C có thể gây acid - hóa nước tiểu, đôi khi dẫn đến kết tủa urat hoặc cystin, hoặc sỏi oxalat, hoặc thuốc trong đường tiết niệu.

Tiêm tĩnh mạch nhanh vitamin C (sử dụng không hợp lý và không an toàn) có thể dẫn đến xỉu nhất thời hoặc chóng mặt, và có thể gây ngừng tim.

Người bệnh thiếu hụt glucose - 6 - phosphat dehydrogenase dùng liều cao vitamin C tiêm tĩnh mạch hoặc uống có thể bị chứng tan máu. Huyết khối tĩnh mạch sâu cũng đã xảy ra sau khi dùng liều cao vitamin C

  • Phụ nữ có thai: Vitamin C đi qua nhau thai. Chưa có các nghiên cứu cả trên súc vật và trên người mang thai, và nếu dùng vitamin C theo nhu cầu bình thường hàng ngày thì chưa thấy xảy ra vấn đề gì trên người. Tuy nhiên, uống những lượng lớn vitamin C trong khi mang thai có thể làm tăng nhu cầu về vitamin C và dẫn đến bệnh scorbut ở trẻ sơ sinh.

  • Bà mẹ cho con bú: Vitamin C phân bố trong sữa mẹ. Người cho con bú dùng vitamin C theo nhu cầu bình thường, chưa thấy có vấn đề gì xảy ra đối với trẻ sơ sinh.

Tương tác thuốc

Dùng đồng thời theo tỷ lệ trên 200 mg vitamin C với 30 mg sắt nguyên tố làm tăng hấp thu sắt qua đường dạ dày - ruột; tuy vậy, đa số người bệnh đều có khả năng hấp thu sắt uống vào một cách đầy đủ mà không phải dùng đồng thời vitamin C.

Dùng đồng thời vitamin C với aspirin làm tăng bài tiết vitamin C và giảm bài tiết aspirin trong nước tiểu.Dùng đồng thời vitamin C và fluphenazin dẫn đến giảm nồng độ fluphenazin huyết tương. Sự acid - hóa nước tiểu sau khi dùng vitamin C có thể làm thay đổi sự bài tiết của các thuốc khác.Vitamin C liều cao có thể phá hủy vitamin B12; cần khuyên người bệnh tránh uống vitamin C liều cao trong vòng một giờ trước hoặc sau khi uống vitamin B12.

Vì vitamin C là một chất khử mạnh, nên ảnh hưởng đến nhiều xét nghiệm dựa trên phản ứng oxy hóa - khử. Sự có mặt vitamin C trong nước tiểu làm tăng giả tạo lượng glucose nếu định lượng bằng thuốc thử đồng (II) sulfat và giảm giả tạo lượng glucose nếu định lượng bằng phương pháp glucose oxydase Với các xét nghiệm khác, cần phải tham khảo tài liệu chuyên biệt về ảnh hưởng của vitamin C.

 

return to top