✴️ Tìm hiểu về trầm cảm ở người cao tuổi

Các dấu hiệu của bệnh trầm cảm ở người cao tuổi

Ngoài việc cảm thấy buồn chán và tâm trạng đi xuống thì trầm cảm ở người cao tuổi còn có những biểu hiện sau:

Không còn đam mê với những sở thích thường ngày. Có thể lúc trước yêu thích nghe nhạc, chơi thể thao, chăm sóc cây cảnh, vật nuôi cảnh… nhưng bỗng một thời gian không còn hứng thú với những sở thích này

Cảm thấy mệt mỏi không lí do và không muốn làm bất cứ điều gì

Mất cảm giác ngon miệng và bị giảm cân

Cảm thấy khó chịu bất thường trong người và không thể tự bản thân thư giãn một cách thoải mái

Cảm giác lo lắng không rõ nguyên nhân và thường lo lắng quá mức cần thiết cho những việc nhỏ nhặt cũng có thể xuất phát từ bệnh trầm cảm ở người cao tuổi.

trầm cảm ở người cao tuổi

Bệnh trầm cảm ở người cao tuổi đang trở nên đáng báo động

Tránh mặt mọi người, không thích giao lưu, gặp gỡ

Nhạy cảm và hay cáu gắt với mọi người vô cớ

Khó ngủ, dậy sớm hơn 1 đến 2 giờ so với thông thường và khó có thể tiếp tục giấc ngủ

Mất tự tin vào bản thân

Không thể tập trung vào việc gì

Có cảm giác hoảng sợ

Cảm thấy tồi tệ và có cảm giác tội lỗi, bám víu vào những việc đã xảy ra trong quá khứ và thường phóng đại mọi chuyện lên quá mức

Nghĩ tới chuyện tự tử, tại một thời điểm nào đó những người mắc bệnh trầm cảm nghiêm trọng thường sẽ tới việc kết thúc tất cả

 

Nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm ở người cao tuổi

Trầm cảm khiến chúng ta đổ lỗi cho bản thân vì những sự việc đã xảy ra, những việc bản thân có liên quan và thậm chí là không phải là trách nhiệm của bản thân. Khi mắc chứng trầm cảm, người bệnh sẽ luôn suy nghĩ mọi việc theo hướng tiêu cực, nhìn mọi thứ đều trở nên xám xịt và không có lối thoát. Nguyên nhân của bệnh trầm cảm ở người già có thể xuất phát từ: 

Những trải nghiệm buồn: Trầm cảm ở người cao tuổi có thể xuất phát từ những kỉ niệm không vui trong quá khứ, ví dụ cái chết của một người thân. Người bị trầm cảm không thể thôi suy nghĩ về nỗi buồn ấy, họ không thể vượt qua nỗi đau và chìm đắm vào cảm giác đau khổ ấy từng giờ, từng phút, từng ngày. Phụ nữ thường nhạy cảm và khó vượt qua nỗi đau nhưng đàn ông lại khó giãi bày và cứ giữ những kỉ niệm buồn vào trong lòng thay vì chia sẻ điều đó với mọi người.

Gặp phải những khó khăn lớn: Khi vấp phải những khó khăn lớn trong cuộc sống như thất nghiệp, trục trặc trong tình yêu, hôn nhân, bị phản bội hay tổn thương về danh dự, tình cảm đều có thể là nguyên nhân gây ra trầm cảm ở người cao tuổi. Khi phải đối mặt với những khó khăn này, những người có xu thế trầm cảm cảm thấy bản thân bất lực, không thể vượt qua khó khăn, thậm chí họ tìm cách tránh đối mặt trực tiếp với những khó khăn đang diễn ra trước mắt.

Một số căn bệnh cũng dẫn tới trầm cảm ở người cao tuổi như bệnh Parkinson. Tuy nhiên trầm cảm xuất phát từ những căn bệnh rõ ràng thế này thường dễ dàng hơn trong điều trị so với những tổn thương tâm lí

Ốm đau: Trầm cảm ở người cao tuổi có thể khiến người bệnh ốm triền miên và ngược lại. Hoặc bạn được chuẩn đoán mắc một bệnh nan y nào đó, cảm giác tuyệt vọng, chán chường và cảm thấy cuộc sống xấu đi có thể cũng khiến bạn bị trầm cảm.

Thuốc: Uống một số loại thuốc cũng có thể gây ra trầm cảm.

trầm cảm ở người cao tuổi

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm

 

Tác hại của trầm cảm ở của người cao tuổi tới sức khỏe

Trầm cảm ở người cao tuổi thường khiến họ mất cảm giác ngon miệng khiến người cao tuổi chán ăn sẽ làm họ sụt cân, mắc những bệnh về thiếu chất như thiếu máu, canxi, gây loãng xương

Thêm vào đó là triệu chứng mất ngủ triền miên khiến cơ thể người cao tuổi đã mất đi sức khỏe lại càng ốm yếu, gây ra tình trạng mệt mỏi triền miền dễ dẫn tới những căn bệnh liên quan tới thần kinh

Cảm giác buồn chán, thất vọng, những suy nghĩ tiêu cực sẽ gây áp lực lên tim khi bạn thường xuyên có những cảm giác thái quá, dễ mắc những bệnh về tim là điều dễ gặp phải khi mắc bệnh trầm cảm ở người cao tuổi.

Trầm cảm ở người cao tuổi đồng thời có thể ảnh hưởng tới trí nhớ của họ, một số người sẽ nhầm tưởng họ đang bị mắc bệnh mất trí ở người già nhưng thực chất họ đang bị trầm cảm ảnh hưởng. Lo lắng hay suy nghĩ về những điều đã qua, bị ám ảnh bởi những thứ trong quá khứ sẽ làm suy giảm trí nhớ của người cao tuổi.

Ốm yếu, mệt mỏi thường xuyên là biến chứng rõ ràng nhất của việc bị mắc bệnh trầm cảm ở người cao tuổi.

 

Giúp đỡ chính bản thân thoát khỏi trầm cảm như thế nào?

Hãy chia sẻ và nhờ tới sự hỗ trợ của người khác, nếu đang có vấn đề về tâm lí, hãy cởi mở những khúc mắc trong lòng cho người khác biết.

Vận động cho một cơ thể khỏe mạnh, vận động ngoài trời, cố gắng tham gia vào những môn thể thao cần có nhiều người và được tiếp xúc nhiều. Đôi khi việc ra ngoài và gặp gỡ một ai đó thực sự rất khó khăn, nhưng hãy ra ngoài, chỉ đơn giản là đi bộ thôi cũng được. Cố gắng đừng ở nhà một mình, bắt đầu ngồi không một chỗ và nghĩ ngợi vẩn vơ, hãy nhấc người dậy và ra ngoài vận động dù chỉ một chút.

Cố gắng giữ và đừng bỏ qua những sở thích hàng ngày của bản thân, cố gắng thử thêm những thú vui mới.  Giữ liên lạc với bạn bè, tham gia một số câu lạc bộ cho người già, câu lạc bộ sức khỏe, thể thao, tham gia đều đặn dù cho có lúc bạn cảm thấy chán ghét chúng, hãy cứ đi vì nếu dừng lại thì đồng nghĩa bạn đang đầu hàng trước bệnh tật. Đọc nhiều sách báo hoặc thường xuyên ghé thăm các thư viện, đó cũng là một thói quen tốt khiến bạn có mục đích để làm hàng ngày.

trầm cảm ở người cao tuổi

Giữ liên lạc với bạn bè, tham gia một số câu lạc bộ cho người già, câu lạc bộ sức khỏe… để chống trầm cảm

Cố gắng ăn uống đầy đủ cho dù bị mất đi cảm giác ngon miệng, vì nếu bỏ bữa cơ thể sẽ mất đi vitamin và khoáng chất. Lúc đó với một cơ thể yếu ớt sẽ không muốn làm gì hay vận động gì cả. Hãy kiên trì và ăn những thứ có lợi cho sức khỏe.

Hãy thôi việc tự lẩm bẩm với bản thân rằng mình đang cảm thấy thế nào, hãy nói chuyện với một ai đó.

Đừng quá lo lắng khi không ngủ được, hãy suy nghĩ rằng điều đó là hoàn toàn bình thường, có một vài loại trà sẽ giúp bạn thư giãn và gặp bác sĩ để kê đơn những loại thuốc giúp an thần và ngủ ngon.

Đừng cho rằng trầm cảm là bệnh không thể thoát khỏi của tuổi già, nó chỉ là một căn bệnh và hoàn toàn có thể chữa trị được

Không uống rượu, bia, chúng không giúp bạn cảm thấy khá hơn mà chỉ khiến bệnh trầm cảm ở người cao tuổi trở nên tồi tệ và có thể phản ứng với một số loại thuốc mà bạn đang uống.

Uống thuốc thận trọng dưới sự theo dõi và kê đơn của bác sĩ, vì một số loại thuốc là tác nhân của trầm cảm ở người cao tuổi.

Hãy quý trọng bản thân, ai cũng có lỗi lầm và đừng tự đổ lỗi cho mình vì bất cứ điều gì. Hãy nhớ rằng bạn rất quan trọng với gia đình và những người thân xung quanh bạn.

Gia đình đóng một yếu tố vô cùng quan trọng khi gia đình có người thân mắc bệnh trầm cảm ở người cao tuổi. Hãy ở bên họ và đừng bao giờ để họ một mình hay có cảm giác bị bỏ rơi. Hãy yêu thương và chăm sóc họ, chia sẻ và giúp họ gỡ bỏ những khúc mắc tâm lí. Đừng đổ mọi trách nhiệm cho bác sĩ, chính bạn là bác sĩ tâm lí tốt nhất nếu trong gia đình bạn có người bị trầm cảm.

Hãy cho họ thấy, với bạn và các thành viên khác trong gia đình, họ quan trọng tới mức nào. Cho dù có lúc bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi với những triệu chứng và sự kéo dài của căn bệnh này nhưng hãy kiên trì và đừng vội bỏ cuộc vì nếu bạn bỏ cuộc thì điều đó đồng nghĩa với việc bạn đang quay lưng lại với chính người thân của mình đấy.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top