✴️ Trắc nghiệm thần kinh tâm lý trong chẩn đoán sa sút trí tuệ

Nội dung

Sa sút trí tuệ (SSTT) là một hội chứng lâm sàng biểu hiện bằng sự suy giảm nhiều lĩnh vực nhận thức, gây cản trở hoạt động chức năng hàng ngày của bệnh nhân. SSTT ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người bệnh (tàn phế, nhập viện, giảm tuổi thọ) đồng thời cũng là vấn đề rất đáng quan tâm của gia đình, xã hội.

Chẩn đoán bệnh sa sút trí tuệ chủ yếu dựa vào lâm sàng. Sử dụng các trắc nghiệm thần kinh - tâm lý giúp chẩn đoán chính xác sa sút trí tuệ và mức độ nặng của bệnh. Hiện nay trắc nghiệm thần kinh tâm lý đang được ứng dụng rộng rãi và có giá trị cao.

MỤC ĐÍCH

Mục đích của việc đánh giá thần kinh tâm lý trong sa sút trí tuệ bao gồm:

Cung cấp bằng chứng khách quan giúp chẩn đoán sa sút trí tuệ.

Đánh giá từng lĩnh vực nhận thức có thể giúp chẩn đoán phân biệt các thể của sa sút trí tuệ.

Đánh giá sự tiến triển của bệnh theo thời gian.

Đánh giá hiệu quả điều trị của các biện pháp can thiệp.

 

CHỈ ĐỊNH

Bệnh nhân có than phiền về trí nhớ, tư duy.

Theo dõi bệnh nhân đang điều trị sa sút trí tuệ.

Bệnh nhân có rối loạn lo âu, trầm cảm.

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Bệnh nhân có rối loạn ý thức, rối loạn ngôn ngữ nặng, rối loạn giác quan (nghe, nhìn), hạn chế vận động hai tay, bệnh nhân không hợp tác, bệnh nhân suy kiệt…

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện:

Bác sĩ Chuyên khoa Thần kinh – Tâm thần đã được đào tạo về kĩ thuật trắc nghiệm Thần kinh tâm lý.

Điều dưỡng đã được đào tạo về kĩ thuật trắc nghiệm Thần kinh tâm lý cùng với bác sỹ tham gia làm trắc nghiệm.

Dụng cụ:

Bộ trắc nghiệm thần kinh tâm lý in sẵn.

Bộ tranh ảnh, hình vẽ cho trắc nghiệm trí nhớ, đọc danh sách từ.

Bút chì, đồng hồ bấm giây, kính, máy trợ thính.

Người bệnh:

Bệnh nhân được giải thích trước về thời gian tiến hành và quá trình làm trắc nghiệm.

Hồ sơ bệnh án

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Nơi thực hiện kỹ thuật:

Phòng làm trắc nghiệm yên tĩnh, ấm cúng, thân thiện với người già.

Phòng không treo đồng hồ.

Có chỗ ngồi chờ, nước uống, gần nhà vệ sinh.

Chuẩn bị người bệnh:

Bệnh nhân ngồi ghế ngay ngắn, có người nhà ngồi cạnh.

Người thực hiện:

Người làm trắc nghiệm giải thích cho bệnh nhân về quá trình làm trắc nghiệm, thu thập các thông tin cơ bản của bệnh nhân, lưu vào sổ tình hình.

Người làm trắc nghiệm khai thác quá trình bị bệnh của bệnh nhân, khởi đầu, diễn biến, các triệu chứng nổi bật, các dấu hiện đi kèm, tiền sử bệnh tật, các thông tin về chiều cao, cân nặng, BMI.

Khám tổng quát, khám chuyên khoa thần kinh và khám nội khoa chung.

Thực hiện kỹ thuật:

Tiến hành làm trắc nghiệm thần kinh tâm lý cho bệnh nhân, bao gồm các lĩnh vực sau:

Sàng lọc chung sa sút trí tuệ: Trắc nghiệm đánh giá trạng thái tâm thần tối thiểu (MMSE).

Đánh giá trí nhớ: trí nhớ danh sách từ, nhớ hình vẽ, kể lại câu chuyện.

Sự chú ý: đọc xuôi dãy số, đọc ngược dãy số.

Đánh giá ngôn ngữ: Trắc nghiệm gọi tên của Boston có thay đổi, nói lưu loát từ về các con vật.

Xây dựng hình ảnh qua thị giác: vẽ đồng hồ.

Đánh giá chức năng thực hiện: trắc nghiệm đánh giá chức năng thùy trán.

Tốc độ vận động thị giác: trắc nghiệm gạch bỏ số.

Đánh giá trầm cảm: Thang trầm cảm lão khoa, trắc nghiệm Beck.

Hoạt động hàng ngày: Trắc nghiệm đánh giá hoạt động hàng ngày và chức năng hoạt động hàng ngày bằng dụng cụ, phương tiện.

Đánh giá rối loạn trầm cảm, lo âu, căng thẳng DAS.

Đánh giá trạng thái tâm thần.

 

THEO DÕI KHI LÀM TRẮC NGHIỆM

Cần theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân khi làm vì quá trình làm trắc nghiệm lâu, bệnh nhân có thể mệt.

 

ĐỌC KẾT QUẢ

Kết quả trắc nghiệm do các bác sỹ đánh giá và kết luận, cùng với quá trình hỏi và khám bệnh sẽ giúp chẩn đoán chính xác hội chứng sa sút trí tuệ cũng như mức độ nặng của hội chứng. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top