Có khi nào lời chúc thành gánh nặng?

Nội dung

Cơ thể phản ứng thế nào khi nhận những lời chúc?

Vào năm 1980, nhà tâm lý học Richard Solomon đã đưa ra một ý tưởng mà ông gọi là “lý thuyết tiến trình đối thủ” (opponent process theory). Thuyết này cho rằng bất cứ khi nào bạn cảm nhận được một cảm xúc, bạn sẽ có cảm giác ngược lại ngay tiếp theo. Điều này sẽ giải thích tại sao sau khi vừa cảm thấy hạnh phúc, chúng ta lại cảm thấy hơi u ám.

George Koob, một nhà sinh lý học thì giải thích rằng tất cả chúng ta đều có một trạng thái cơ bản được gọi là cân bằng nội môi, một thiết lập để ta không quá vui hay quá buồn.

Khi trải qua một việc gì đó khiến bạn rất vui như nhận vô vàn lời chúc, khen ngợi khiến ta phấn khích cao độ thì cơ thể sẽ xoay chuyển sự cân bằng và não có thể cố gắng sửa chữa quá mức để phục hồi. Và nỗi buồn, căng thẳng ập đến.

Giáo sư tâm lý học Laurie Santos của Đại học Yale, người đang giảng dạy một khóa học cực kỳ phổ biến về cách hạnh phúc, đồng ý rằng mọi người có thể cảm nhận được cả cảm xúc tích cực và tiêu cực cùng một lúc.

Các tình huống thường gây ra trạng thái này bao gồm các sự kiện buồn vui lẫn lộn như tốt nghiệp, đám cưới, được thăng chức và luân chuyển sang chỗ làm khác. Những tình huống khi bạn buồn vì rời đi, nhưng lại vui vì những cơ hội mới.

 

Vì sao những lời chúc lại có thể làm cuộc sống khó khăn hơn?

Nếu nhận một lời khen hay lời chúc khiến bạn khó chịu, thì bạn không đơn độc. Trong một bài viết đăng trên Harvard Business, tác giả Christopher Littlefield thực hiện một khảo sát 400 người ở Boston và rút ra rằng, gần 70% số người liên quan đến cảm giác xấu hổ hoặc khó chịu khi được công nhận hoặc nhận được lời khen.

Đằng sau vẻ ngoài hạnh phúc thì không ít người khi nhận lời chúc lại phải đối diện với hội chứng trầm cảm tươi cười (smiling depression). Bạn cảm thấy thế giới bên ngoài đang kỳ vọng quá nhiều về mình và phải luôn xây dựng một bộ mặt rạng rỡ dù trong lòng đang bất ổn.

Ngoài ra, khi ở trạng thái “con cưng”, là tâm điểm của những điều tốt đẹp, hoàn hảo nhất, chúng ta có thể rơi vào trạng thái áp lực về sự hoàn hảo từ xã hội (Socially prescribed perfectionism).

Các cá nhân chịu áp lực này có điểm chung là thường hay tự phê bình. Họ có gánh nặng phải trở thành người giỏi nhất và luôn sợ mình trở nên vô dụng, cuối cùng bị người khác từ chối.

Họ buộc chặt giá trị bản thân với những tiêu chuẩn thiếu thực tế mà gia đình, văn hoá công sở hoặc xã hội đặt ra, thông thường dẫn đến cảm giác tự ti và lo âu thường trực.

Theo Bác sĩ tâm lý Milton Ericson thì việc khen ngợi quá mức có thể gây nguy hiểm. Khi nhận được nhiều từ hoa mỹ thì một thứ tưởng như bình thường lại được nâng tầm, trở nên đặc biệt và thành khác thường.

Bạn có thể thấy điều này qua những lời tâng bốc như đám cưới thế kỷ, cặp đôi vàng hay những lời nói biến các đám cưới của người nổi tiếng trở nên kì lạ, gây tò mò.

Làm sao để lời chúc được trọn vẹn?

Một lời chúc phúc tử tế, chân thành, chu đáo giống như một dạng ma thuật — nó có sức mạnh làm thay đổi một ngày của ai đó ngay lập tức và khiến họ cảm thấy dễ chịu.

Tuy vậy, lời chúc cũng cần có những giới hạn để người tiếp nhận không quá áp lực. Điều đầu tiên, chúng ta nên để ý về cách sử dụng ngôn ngữ.

Trong đó những lời chúc mang tính kỳ vọng có từ “phải” thường tạo ra nhiều áp lực hơn cho người nghe. Đơn cử như “Đẹp đôi thế này thì phải hạnh phúc nhé”, “Có năng lực mà, phải thành công nhé”…

Từ phía người tiếp nhận, bạn có thể chủ động kiểm soát số lượng thông tin mà mình nhận vào. Chẳng hạn như thông báo một sự kiện quan trọng cho số lượng người giới hạn.

Hoặc, bạn cũng có thể thông báo sau khi sự kiện đã diễn ra một thời gian. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn khi nhận vì bạn biết rằng nó đều đến từ những người hiểu mình.

Những thay đổi nhỏ này sẽ giúp những lời chúc trở nên dễ đón nhận hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên để tâm hơn đến những điều tích cực. Bởi chỉ cần thiếu tiết chế, chúng có thể phản tác dụng rồi trở thành sự tích cực độc hại (toxic positivity), ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống.

return to top