✴️ Bằng chứng mới nhất về béo phì và Covid-19

Nội dung

Dữ liệu ban đầu dường như cho thấy rằng những người mắc bệnh béo phì có nhiều khả năng có những phát triển và triệu chứng nặng hơn do COVID-19.

Ngày càng có nhiều báo cáo liên quan đến béo phì với tỷ lệ tử vong do coronavirus và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) hiện liệt kê béo phì nghiêm trọng là yếu tố nguy cơ của COVID-19 nghiêm trọng đặc biệt với các đối tượng có chỉ số BMI từ 40 trở lên.

Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa rõ chính xác lý do tại sao béo phì khiến các triệu chứng của Covid-19 trở nên nghiêm trọng hơn.

Để làm sáng tỏ vấn đề, một nhóm các chuyên gia ở Đức, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã cùng nhau xem xét các bằng chứng và làm rõ những câu hỏi hiện tại. Phát hiện của họ được công bố trên tạp chí Nature Reviews Endocrinology.

Bằng chứng cho đến nay

Bài báo tóm tắt dữ liệu sơ bộ có sẵn về béo phì và COVID-19.

Tại Trung Quốc - nơi dịch bệnh bắt đầu, dữ liệu từ 383 bệnh nhân cho thấy rằng béo phì có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh viêm phổi nặng do COVID-19 cao hơn 142%.

Một nghiên cứu lớn hơn với hơn 4.000 bệnh nhân mắc COVID-19 tại thành phố New York cho thấy béo phì nặng là yếu tố nguy cơ chính phải nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng chỉ đứng sau yếu tố tuổi tác.

Tại Seattle, một nghiên cứu trên bệnh nhân COVID-19 nghiêm trọng đã cho kết quả tương tự. Phân tích này cho thấy 85% bệnh nhân bị béo phì cần thở máy, so với 64% bệnh nhân không mắc béo phì. Hơn nữa, 62% bệnh nhân mắc bệnh béo phì đã tử vong do COVID-19, so với 36% những người không bị béo phì.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là nghiên cứu đặc biệt này chỉ bao gồm 24 bệnh nhân, tất cả đều bị bệnh nặng gây khó khăn cho việc đưa ra kết luận sâu rộng từ dữ liệu.

Nghiên cứu cuối cùng được đưa vào phân tích liên quan đến 124 bệnh nhân ở Lille, Pháp và cũng phát hiện ra rằng những bệnh nhân mắc bệnh béo phì có nhiều khả năng phải thở máy.

Kết hợp lại, bằng chứng cho thấy béo phì có thể là một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với COVID-19.

Là tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Norbert Stefan, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh tiểu đường Đức, đã giải thích với tờ báo Medical News Today:

"Chúng tôi kết luận rằng béo phì có thể khiến những người bị nhiễm coronavirus (SARS-CoV-2) có các diễn tiến nghiêm trọng hơn và có thể có nguy cơ tử vong."

Tại sao béo phì là một yếu tố nguy cơ?

Điều quan trọng là nguy cơ này dường như không phụ thuộc vào các bệnh khác chẳng hạn như rối loạn mỡ máu, huyết áp cao vốn phổ biến ở người bị béo phì.

Theo các tác giả nghiên cứu, một cách mà béo phì có thể làm tăng nguy cơ COVID-19 nghiêm trọng có liên quan đến rối loạn chức năng hô hấp. Những người mắc bệnh béo phì thường có kháng trở cao hơn trong đường thở, thể tích phổi thấp hơn và các cơ hô hấp yếu hơn, điều này có ảnh hưởng rất quan trọng trong việc cơ thể chống lại COVID-19. Những yếu tố này khiến người bệnh dễ bị viêm phổi hơn và gia tăng áp lực lên hệ tim mạch nhiều hơn.

Béo phì cũng liên quan đến bệnh tiểu đường, bệnh tim và bệnh thận và tất cả đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi.

Đặt các vấn đề này sang một bên, các tác giả chỉ ra huyết áp cao, mức cholesterol cao và tiền tiểu đường có thể khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn.

Mối liên hệ giữa các nguyên nhân của bệnh tiểu đường và COVID-19 dường như đặc biệt quan trọng. Tiến sĩ Stefan giải thích: "Có dữ liệu cho thấy tăng đường huyết (nồng độ glucose trong máu cao) ngay cả trong phạm vi chưa được chẩn đoán là tiểu đường là một yếu tố dự báo quan trọng và độc lập về quá trình nghiêm trọng của COVID-19".

          

Thiếu dữ liệu BMI

Mặc dù nghiên cứu này cho thấy rõ ràng rằng những người mắc bệnh béo phì gặp nhiều nguy cơ hơn liên quan đến COVID-19, nhưng vẫn có những hạn chế trong phân tích.

Ngoài ra, nhiều trường hợp không cung cấp số đo cho bệnh nhân như cân nặng hay chiều cao – hai chỉ số cần thiết để tính BMI. BMI cũng có thể được sử dụng để ước tính tỷ lệ phần trăm mỡ cơ thể.

Bác sĩ Stefan nói: "Hầu hết các bài báo được công bố trong 2 tháng qua báo cáo dữ liệu về tình trạng hôn mê, có thể liên quan đến nguy cơ tăng COVID-19 nghiêm trọng nhưng không cung cấp dữ liệu về khối lượng mỡ trong cơ thể hoặc sức khỏe trao đổi chất".

Cụ thể, một số nghiên cứu từ Trung Quốc và vùng Bologna, Ý - 2 trong số những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất  không cung cấp dữ liệu về cân nặng hoặc chiều cao.

Các tác giả nhấn mạnh rằng các nghiên cứu trong tương lai không chỉ ghi lại chỉ số BMI mà còn cả chu vi vòng eo, cũng như mức độ glucose và hormone insulin để góp phần làm sáng tỏ vấn đề nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn ở những người mắc bệnh béo phì.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top