Chiều cao là một chỉ số quan trọng phản ánh sự phát triển thể chất của trẻ và chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, hoạt động thể chất và giấc ngủ. Trong đó, giai đoạn "1000 ngày đầu đời" – từ thời điểm thụ thai đến khi trẻ tròn 2 tuổi – được xem là "giai đoạn cửa sổ cơ hội" quyết định tiềm năng tăng trưởng và sức khỏe lâu dài. Việc can thiệp đúng lúc trong giai đoạn này có thể giúp trẻ phát triển chiều cao tối ưu, vượt qua giới hạn di truyền và phòng ngừa nhiều bệnh lý mạn tính sau này.
Giai đoạn 1000 ngày đầu đời bao gồm:
280 ngày thai kỳ (tương đương 9 tháng mang thai),
180 ngày đầu sau sinh (6 tháng đầu bú mẹ hoàn toàn),
540 ngày tiếp theo (thời kỳ ăn dặm đến tròn 24 tháng tuổi).
Đây là giai đoạn tăng trưởng nhanh nhất về chiều cao, khối lượng não và các cơ quan chức năng khác. Nếu được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và điều kiện phát triển thuận lợi, trẻ có thể đạt được tiềm năng tăng trưởng tối đa theo bộ gen đã quy định.
Gen là yếu tố không thể thay đổi, đóng vai trò quyết định tiềm năng phát triển chiều cao của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, gen không quy định chiều cao cụ thể mà chỉ xác định một khoảng tăng trưởng khả thi. Mức độ trẻ đạt được trong khoảng đó phụ thuộc nhiều vào các yếu tố có thể can thiệp như dinh dưỡng và môi trường.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sự phát triển về thể chất của trẻ em dưới 5 tuổi ở các quốc gia có điều kiện chăm sóc y tế và dinh dưỡng tương đương là tương đương nhau, bất kể chủng tộc hay quốc tịch. Điều này cho thấy gen có ảnh hưởng rõ rệt hơn ở giai đoạn sau 5 tuổi, chiếm khoảng 60% chiều cao cuối cùng, trong khi môi trường và dinh dưỡng có vai trò quyết định trong giai đoạn đầu đời.
Dinh dưỡng là yếu tố môi trường quan trọng nhất ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ. Chế độ dinh dưỡng hợp lý trong 1000 ngày đầu đời không chỉ giúp tăng trưởng tối ưu mà còn có khả năng "giải phóng tiềm năng di truyền" của trẻ.
Giai đoạn bào thai: Chiều dài thai phụ thuộc vào tình trạng dinh dưỡng của mẹ. Thiếu hụt năng lượng, protein, vi chất (sắt, canxi, kẽm, vitamin D…) có thể làm giảm tăng trưởng trong tử cung.
6 tháng đầu sau sinh: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng lý tưởng, cung cấp đầy đủ các yếu tố tăng trưởng và kháng thể.
Giai đoạn ăn dặm (6–24 tháng): Là thời kỳ dễ xảy ra thiếu hụt dinh dưỡng nếu chế độ ăn không đầy đủ. Thiếu canxi, vitamin D3, vitamin K2… có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khoáng hóa xương và tốc độ tăng chiều cao.
Trẻ bị suy dinh dưỡng trong giai đoạn này thường có chỉ số chiều cao theo tuổi thấp (stunting), ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và cả tiềm năng tăng trưởng trong tuổi dậy thì.
Giấc ngủ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với tăng trưởng chiều cao thông qua cơ chế tiết hormone tăng trưởng (GH – growth hormone). GH được tiết nhiều nhất vào ban đêm, đặc biệt trong khoảng 22h đến 1h sáng. Trẻ ngủ muộn, ngủ không sâu giấc hoặc thiếu ngủ kéo dài có thể bị giảm tiết GH, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng.
Ngoài ra, rối loạn giấc ngủ còn làm rối loạn điều hòa chuyển hóa, tăng nguy cơ thừa cân béo phì, kháng insulin – yếu tố nguy cơ của đái tháo đường typ 2 trong tương lai.
Hoạt động thể chất kích thích cơ – xương phát triển, giúp tăng tiết GH và duy trì cân nặng hợp lý. Vận động cũng giúp cải thiện khả năng hấp thu canxi và duy trì mật độ khoáng xương. Tập luyện thể dục thể thao nên được khuyến khích từ giai đoạn sớm, ngay cả với các hoạt động đơn giản như bò, lẫy, tập đi, chơi vận động trong gia đình.
Việc trẻ tiếp xúc sớm với màn hình (TV, máy tính bảng) và bị hạn chế vận động có thể dẫn đến lối sống tĩnh tại, ảnh hưởng bất lợi đến phát triển thể chất nói chung và chiều cao nói riêng.
Giai đoạn 1000 ngày đầu đời là "thời điểm vàng" quyết định đến chiều cao và sức khỏe dài hạn của trẻ. Sự phối hợp giữa di truyền và các yếu tố môi trường (dinh dưỡng, giấc ngủ, vận động…) sẽ quyết định mức độ tăng trưởng mà trẻ có thể đạt được. Do đó:
Phụ nữ mang thai cần được bổ sung đầy đủ vi chất và theo dõi thai kỳ thường xuyên.
Trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, sau đó ăn dặm hợp lý, đảm bảo đầy đủ vi chất.
Trẻ cần có giấc ngủ đúng giờ, đủ thời lượng và chất lượng.
Khuyến khích hoạt động thể chất phù hợp theo lứa tuổi.
Việc can thiệp sau thời kỳ mẫu giáo (sau 2–3 tuổi) tuy vẫn có thể cải thiện phần nào chiều cao, nhưng hiệu quả sẽ bị giới hạn. Vì vậy, phụ huynh cần chủ động nắm bắt và tối ưu hóa giai đoạn 1000 ngày đầu đời để đảm bảo tiềm năng tăng trưởng và sức khỏe toàn diện cho trẻ.