Người dịch: SVD. Phạm Ngọc Trâm Anh – Đại học Y khoa phạm Ngọc Thạch
Hiệu đính: DS. Phạm Kim Ngân – BV Nguyễn Tri Phương
Trong khi chúng ta chờ đợi đến lượt nhận vắc xin của mình, đây là ba lý do tại sao bệnh nhân tim mạch nên đi tiêm chủng khi được đề nghị
Nhiều bằng chứng đã chỉ ra rằng trong khi COVID-19 ban đầu ảnh hưởng đến đường thở và phổi, thì phản ứng viêm xảy ra sau quá trình nhiễm có thể ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch. Trên thực tế, tiền sử từng đau tim, suy tim, v..v.. dường như là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến hậu quả bất lợi trong nhiễm COVID-19. Ngoài ra bệnh nhân tim mạch thường thuộc nhóm người lớn tuổi với nhiều bệnh đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp, cholesterol cao, bệnh thận, v.v. khiến họ có nguy cơ cao bị biến chứng do nhiễm COVID-19.
Vi rút SARS-CoV-2 có thể gây tổn thương trực tiếp cho tim dưới dạng viêm cơ tim, đau tim (nhồi máu cơ tim cấp tính), suy tim, nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim), sốc và ngừng tim. Có tới một phần ba số bệnh nhân nhập viện đã được báo cáo có bằng chứng về tổn thương cơ tim, thể hiện bằng sự tăng cao của một dấu ấn sinh học trong máu gọi là troponin. Đó là lý do tại sao những bệnh nhân COVID-19 có các bệnh lý tiềm ẩn về tim có nguy cơ nhập viện cao gấp 6 lần và tử vong cao gấp 12 lần so với những người không có tình trạng bệnh lý này.
Nhiều người nghĩ rằng vì các loại vắc xin hiện tại nghiên cứu và sản xuất với tốc độ chóng mặt dẫn đến mức độ an toàn có thể bị giảm xuống. Ngoài ra, người ta lo ngại rằng với công nghệ mRNA mới của vắc-xin Pfizer có thể gây ra các tác dụng phụ lâu dài thông qua việc thay đổi cấu trúc DNA của tế bào.
Lý do tại sao vắc-xin phát triển nhanh chóng như vậy vì ba giai đoạn thử nghiệm vắc-xin được thực hiện đồng thời trong đại dịch hiện nay. Trong đại dịch, có rất nhiều bệnh nhân đủ điều kiện thử nghiệm, do đó giảm bớt vấn đề tiếp nhận thêm bệnh nhân vào các cuộc thử nghiệm. Cuối cùng, các nhà sản xuất đã có sự cam kết về việc đẩy nhanh tiến độ phát triển vắc xin cùng sự hợp tác của các cơ quan quản lý để đẩy nhanh tiến trình phê duyệt và cấp phép.
Vắc xin Pfizer được tạo thành từ một gen mã hóa một protein vi rút, được bọc trong một hạt chất béo, và được dùng tiêm bắp. Gen mRNA làm cho tế bào sản xuất ra protein vi rút để kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể chúng ta đối với vi rút nhưng không làm thay đổi cấu trúc ADN của tế bào chủ.
Tuy nhiên, một số tác dụng phụ thường gặp có thể bao gồm đau nhức cánh tay, nhức đầu, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc sốt trong giai đoạn đầu nhưng hầu hết các triệu chứng này sẽ hết trong vòng một hoặc hai ngày. Các phản ứng dị ứng nghiêm trọng, được gọi là sốc phản vệ thì rất hiếm. Những bệnh nhân này có thể biểu hiện các dấu hiệu và triệu chứng như phát ban, sưng mắt và môi, khó thở và chóng mặt do huyết áp thấp. Hầu hết các phản ứng này xảy ra trong vòng 15 phút đầu sau khi tiêm. Tuy nhiên, nếu một người vẫn khỏe mạnh sau khoảng 30 phút theo dõi sau tiêm, thường người đó được đánh giá an toàn sau khi tiêm. Tuy nhiên, bất kỳ bệnh nhân nào có tiền sử sốc phản vệ hoặc phản ứng dị ứng với các vắc xin khác không nên tiêm vắc xin COVID-19 ngay bây giờ cho đến khi có thêm dữ liệu an toàn. Những người bị sốc phản vệ sau liều đầu tiên của vắc-xin COVID-19 không nên tiêm liều thứ hai.
Tiêm vắc-xin COVID-19 cho bệnh nhân bị bệnh tim cũng an toàn vì nhiều người trong số đó bao gồm cả những người mắc các bệnh lý như đái tháo đường, tăng huyết áp và cholesterol cao, đã được đưa vào các thử nghiệm lâm sàng ban đầu và được chứng minh lợi ích từ vắc xin. Trên thực tế, bệnh nhân tim mạch nên được ưu tiên tiêm vắc xin sớm vì họ có nguy cơ phát triển các biến chứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng và tử vong do nhiễm COVID-19.
Không có mối lo ngại nào về tính an toàn cho những người đang sử dụng thuốc chống đông máu như thuốc chống kết tập tiểu cầu như aspirin hoặc clopidogrel.
Tuy nhiên, nếu bạn đang dùng thuốc chống đông máu, ví dụ: warfarin hoặc các thuốc chống đông thế hệ mới hơn như rivaroxaban, dabigatran hoặc apixaban, nên giữ chặt vết tiêm trong 5 phút sau tiêm.
Vắc xin Pfizer được chứng minh có khả năng bảo vệ đến 95% ở những người từ 16 tuổi trở lên trong thử nghiệm lâm sàng. Vaccin có hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự khởi đầu của các triệu chứng COVID và nhiễm trùng nặng. Miễn dịch bắt đầu có hiệu lực sau liều đầu tiên, nhưng tác dụng hoàn toàn chỉ có thể đạt được sau 7 ngày kể từ khi tiêm lần thứ hai.
Bằng cách tiêm vắc-xin, một người không chỉ có thể bảo vệ chính mình mà còn cho những người xung quanh, bao gồm cả những người thân yêu của chúng ta. Việc tiêm chủng rộng rãi trong cộng đồng sẽ giúp tạo ra một mạng lưới bảo vệ để giảm số người dễ mắc bệnh và khả năng lây truyền trên diện rộng.
Theo lời của Giáo sư Benjamin Ong, Trưởng ban Chuyên gia về Tiêm chủng COVID-19, “tất cả những người đủ điều kiện về sức khỏe được tiêm chủng nên tiêm chủng khi vắc xin được cung cấp cho họ.” Khi càng nhiều người trong chúng ta chủng ngừa, vi rút càng khó lây lan và xã hội của chúng ta sẽ càng an toàn hơn.
Cùng nhau, chúng ta có thể chống lại COVID-19 và bệnh tim mạch.
Nguồn: Should heart patients take the COVID-19 vaccine?
Link: https://www.myheart.org.sg/press-and-media/heart-news/heart-patient-and-covid19-vaccine/
Tác giả: Prof Tan Huay Cheem (Singapore Heart Foundation)
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh