Mối liên hệ giữa lối sống lành mạnh và sa sút trí tuệ ở người trưởng thành

Nội dung

Phân loại lối sống theo nghiên cứu

Thông tin về lối sống được thu thập vào thời điểm bắt đầu tiến hành nghiên cứu và vào mỗi lần tái khám. Lối sống của người tham gia nghiên cứu được đánh giá dựa trên 6 yếu tố có thể chỉnh sửa: vận động, chế độ ăn, uống rượu, hút thuốc, hoạt động nhận thức và tương tác xã hội.

  • Đối với vận động, tần suất vận động và tổng thời gian vận động hàng tuần được ghi nhận. Chế độ vận động cường độ trung bình với tối thiểu 150 phút/tuần hoặc vận động cường độ cao với tối thiểu 75 phút/tuần được cân nhắc là lành mạnh.
  • Đối với hút thuốc, người tham gia nghiên cứu được phân nhóm thành (i) không bao giờ (hút < 100 điếu trong đời); (ii) đã từng (đã từng có thói quen hút thuốc nhưng đã cai thành công tối thiểu cách đây 3 năm) và (iii) có hút thuốc. Không bao giờ hoặc đã từng hút thuốc được xem là thói quen lành mạnh.
  • Đối với uống rượu, tần suất và lượng cồn tiêu thụ được ghi nhận, người tham gia nghiên cứu được phân nhóm thành (i) không bao giờ (không bao giờ uống rượu hoặc uống thi thoảng); (ii) uống ít – vừa phải (1 – 60 g cồn/ngày) và uống nhiều (> 60 g cồn/ngày). Không bao giờ uống rượu được cân nhắc là thói quen lành mạnh.
  • Đối với chế độ ăn, nghiên cứu ghi nhận thành phần bữa ăn hàng ngày (tập trung vào 12 thành phần: hoa quả, củ, cá, thịt, chế phẩm làm từ sữa, muối, dầu, trứng, ngũ cốc, rau xanh, hạt và trà) của những người tham gia nghiên cứu. Chế độ ăn được xem là lành mạnh nếu chứa tối thiểu 7/12 loại thực phẩm kể trên trong bữa ăn.
  • Hoạt động nhận thức (viết, đọc, chơi bài lá, chơi mạt chược và những trò chơi khác) được xem là lành mạnh nếu người tham gia nghiên cứu thực hiện tối thiểu 2 lần/tuần
  • Tần suất tương tác xã hội (tham gia các buổi họp mặt, bữa tiệc, thăm viếng bạn bè và họ hàng, du lịch hoặc nói chuyện trực truyến) được ghi nhận. Nếu người tham gia nghiên cứu thực hiện những tương tác xã hội tối thiểu 2 lần/tuần thì được xem là một thói quen lành mạnh.

Nghiên cứu đánh giá mối liên hệ giữa các yếu tố liên quan đến lối sống với khả năng ghi nhớ. Người tham gia nghiên cứu được phân thành 3 nhóm dựa theo lối sống: (i) lành mạnh (có 4 – 6 thói quen lành mạnh); (ii) trung bình (có 2 – 3 thói quen lành mạnh) và (iii) kém lành mạnh (có 0 – 1 thói quen lành mạnh). Để đánh giá tác động của lối sống đến trí nhớ dựa theo kiểu gen, người tham gia nghiên cứu cũng được phân nhóm thành nhóm người mang allele APOE ε4 hoặc không mang allele APOE ε4.

APOE ε4 đã được chứng minh có liên quan đến tình trạng sa sút trí tuệ sớm và nhanh chóng hơn. Những người mang allele APOE ε4 có xu hướng có nồng độ Aβ cao bất thường trong não bộ và thường gặp phải tình trạng thoái hóa thần kinh và suy giảm trí nhớ nhanh chóng hơn những người không mang allele APOE ε4. Allele APOE ε4 còn có thể làm tăng sự trầm trọng của một số yếu số như lối sống tĩnh tại, chế độ ăn kém lành mạnh hay hút thuốc 2 – 7.

Kết quả nghiên cứu

Trong số những thói quen sống lạnh mạnh, kết quả nghiên cứu cho thấy chế độ ăn lành mạnh có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến trí nhớ, tiếp đến là các hoạt động nhận thức, hoạt động thể chất, tương tác xã hội, hút thuốc và uống rượu.

Khi phân tích giữa 3 nhóm tham gia nghiên cứu, kết quả cho thấy nhóm người có lối sống lành mạnh (có 4 – 6 thói quen lành mạnh) và có lối sống trung bình (có 2 – 3 thói quen lành mạnh) có tốc độ suy giảm trí nhớ chậm hơn có ý nghĩa so với nhóm người có lối sống kém lành mạnh.

Ở những người tham gia nghiên cứu có mang và không mang allele APOE ε4, lối sống lành mạnh có liên quan đến khả năng ghi nhớ tốt hơn theo thời gian so với lối sống trung bình và kém lành mạnh. Đối với phân nhóm mang allele APOE ε4, những người có lối sống lành mạnh và trung bình có tốc độ suy giảm trí nhớ chậm hơn so với những người có lối sống kém lành mạnh.

Trong hơn 10 năm theo dõi, lối sống lành mạnh có liên quan đến khả năng tiến triển đến suy giảm nhận thức nhẹ và sa sút trí tuệ thấp hơn so với lối sống trung bình và lối sống kém lành mạnh1.

 

Bàn luận

Đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá tác động của những lối sống khác nhau và allele APOE ε4 đến trí nhớ trong hơn 10 năm theo dõi. Nghiên cứu đã cho thấy mỗi yếu tố của lối sống đều có ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ suy giảm trí nhớ. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy nhóm người duy trì được nhiều thói quen lành mạnh thì có tốc độ suy giảm trí nhớ chậm hơn có ý nghĩa so với những người có ít thói quen lành mạnh. Nghiên cứu này cũng là một cơ sở để chúng ta đưa ra thứ tự ưu tiên cho những thói quen cần thực hiện để chống lại suy giảm trí nhớ. Nghiên cứu này cũng cho thấy một phần nào đó, suy giảm trí nhớ có tiềm năng có thể thay đổi được. Mặc dù nghiên cứu không làm sàng tỏ cơ chế của những ảnh hưởng của lối sống lành mạnh đến suy giảm trí nhớ, tuy nhiên cơ chế này có thể liên quan đến việc giảm nguy cơ trên mạch máu não, tăng cường nhận thức, ức chế stress oxy hóa, ức chế tình trạng viêm, tiến triển của các yếu tố tăng trưởng mô thần kinh.

Trước những bằng chứng về tác động của allele APOE ε4 đối với trí nhớ, nghiên cứu này là một tín hiệu tích cực. Trong khi di truyền là yếu tố không thể thay đổi, thì việc kết hợp với thói quen sống lành mạnh ở nhóm người mang allele APOE ε4 cũng có tốc độ suy giảm trí nhớ chậm hơn có ý nghĩa.


Tài liệu tham khảo

  1. Jia J, Zhao T, Liu Z, Liang Y et al. Association between healthy lifestyle and memory decline in older adults: 10 year, population based, prospective cohort study. BMJ. 2023;380:e072691. doi: 10.1136/bmj-2022-072691.
  2. Caselli RJ, Dueck AC, Osborne D, et al. Longitudinal modeling of age-related memory decline and the APOE epsilon4 effect. N Engl J Med. 2009;361:255-63. doi:10.1056/NEJMoa0809437.
  3. Lim YY, Williamson R, Laws SM, et al., AIBL Research Group. Effect of APOE Genotype on Amyloid Deposition, Brain Volume, and Memory in Cognitively Normal Older Individuals. J Alzheimers Dis. 2017;58:1293-302. doi:10.3233/JAD-170072.
  4. Farrer LA, Cupples LA, Haines JL, et al., APOE and Alzheimer Disease Meta Analysis Consortium. Effects of age, sex, and ethnicity on the association between apolipoprotein E genotype and Alzheimer disease. A meta-analysis. JAMA. 1997;278:1349-56. doi:10.1001/jama.1997.03550160069041.
  5. Llibre-Guerra JJ, Li J, Qian Y, et al. Apolipoprotein E (APOE) genotype, dementia, and memory performance among Caribbean Hispanic versus US populations. Alzheimers Dement. 2022; doi:10.1002/alz.12699.
  6. Hostage CA, Choudhury KR, Murali Doraiswamy P, Petrella JR, Alzheimer’s Disease Neuroimaging Initiative. Mapping the effect of the apolipoprotein E genotype on 4-year atrophy rates in an Alzheimer disease-related brain network. Radiology. 2014;271:211-9. doi:10.1148/radiol.13131041.
  7. Chiang GC, Insel PS, Tosun D, et al., Alzheimer’s Disease Neuroimaging Initiative. Impact of apolipoprotein E4-cerebrospinal fluid β-amyloid interaction on hippocampal volume loss over 1 year in mild cognitive impairment. Alzheimers Dement. 2011;7:514-20. doi:10.1016/j.jalz.2010.12.010.
  8. Ossenkoppele R, Jansen WJ, Rabinovici GD, et al., Amyloid PET Study Group. Prevalence of amyloid PET positivity in dementia syndromes: a meta-analysis. JAMA. 2015;313:1939-49. doi:10.1001/jama.2015.4669
return to top