ĐẠI CƯƠNG
Nội soi đại trực tràng dải tần hẹp (NBI) là một trong những kỹ thuật gần đây sử dụng bộ lọc R/G/B filter sử dụng loại ánh sáng đơn sắc, trong đó nguyên lý là sử dụng hệ thống kính lọc và bộ phân tích xử trí ánh sáng với hai bước sóng 415nm (415 ± 30nm) và 540nm (540 ± 30nm). Nhờ kỹ thuật này mà cho hình ảnh có khả năng phân biệt rõ hơn về một số đặc điểm - đặc thù cụ thể giữa tổ chức bình thường và tổ chức bệnh lý, các mức độ khác nhau ở niêm mạc và tăng độ tương phản trên bề mặt biểu mô của mạng mao mạch dưới niêm mạc để đưa ra hình ảnh chẩn đoán chính xác hơn trong chẩn đoán bệnh lý đại trực tràng.
CHỈ ĐỊNH
Nội soi với dải tần hẹp (Narrow Banding Imaging - NBI) đã tạo nên một bước đột phá đối với sàng lọc và chẩn đoán ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm và giai đoạn rất sớm và các tổn thương khác.
Chỉ định cho tất cả các trường hợp nghi ngờ bệnh lý đại trực tràng.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Nghi ngờ hội chứng mạch vành cấp
Tăng huyết áp chưa kiểm soát được
Nghi ngờ thủng tạng rỗng
Nghi ngờ phình, tách động mạch chủ
Người bệnh trong tình trạng suy hô hấp
Người bệnh suy tim nặng
Người bệnh rối loạn tâm thần không hợp tác
Chống chỉ định tương đối: tụt huyết áp huyết áp tâm thu < 90mmHg.
CHUẨN BỊ
Người thực hiện
01 Bác sĩ đã có chứng chỉ tốt nghiệp nội soi Tiêu hóa.
02 Điều dưỡng
Phương tiện
01 Máy nội soi đại tràng đồng bộ có hệ thống NBI.
Chuẩn bị dây soi sẵn sàng, đảm bảo dây soi được tiệt trùng sạch và không hỏng hóc.
Máy theo dõi lifescope và dụng cụ cấp cứu: mặt nạ, bóng bóp, nội khí quản.
Thuốc mê và tiền mê: 2 ống midazolam 5mg; 2 ống fantanyl 0,1 mg; 2 ống propofol.
01 Kìm sinh thiết
05 Lọ đựng bệnh phẩm
05 Lam kính
02 Bơm tiêm 20 ml
06 Đôi găng tay
02 Áo mổ
Người bệnh
Người bệnh tối hôm trước khi soi ăn cháo. Người bệnh uống Fortran 3 gói pha với 3 lít nước trong vòng 2 tiếng trước khi nội soi 6giờ. Sau khi đi vệ sinh sạch sẽ nội soi đại tràng. Nếu người bệnh táo bón, cho người bệnh uống thuốc nhuận tràng Folax x 3 gói/ngày trong 3 ngày.
Hướng dẫn người bệnh uống thuốc làm sạch đại tràng hoặc liên hệ với nơi thụt tháo làm sạch đại tràng nếu người bệnh không uống được.
Giải thích người bệnh: mục đích, tai biến thủ thuật.
Các người bệnh nguy cơ cao: tuổi > 60, nghi ngờ có bệnh lý tim - phổi mạn tính cần làm thêm xét nghiệm điện tâm đồ và X quang tim phổi.
Hồ sơ bệnh án
Kiểm tra không có chống chỉ định
Nhận giấy chỉ định
Giải thích cho người bệnh ký giấy đồng ý làm thủ thuật.
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Mời người bệnh vào phòng, hướng dẫn người bệnh thay quần.
Hướng dẫn người bệnh nằm lên cáng thủ thuật.
Mắc monitor theo dõi, theo chỉ định của bác sĩ soi.
Hướng dẫn người bệnh nằm lên cáng thủ thuật đúng tư thế.
Điều dưỡng phải theo dõi tình trạng người bệnh, thông báo cho bác sĩ khi có bất thường, luôn động viên và hướng dẫn người bệnh hợp tác để tiến hành thủ thuật thuận lợi.
Thông báo cho người bệnh bắt đầu làm thủ thuật, hướng dẫn người bệnh phối hợp trong quá trình làm thủ thuật.
Nội soi theo quy trình chuẩn quan sát niêm mạc trực tràng và toàn bộ đại tràng, để chế độ NBI quan sát kỹ các tổn thương nghi ngờ. Phân biệt tổn thương ở chế độ NBI dựa trên thay đổi mạng lưới mao mạch (CP: capillary pattern), tùy thuộc vào thay đổi cấu mạng lưới mao mạch, kích thước mạch máu mà phân biệt được các tổn thương.
Đánh giá theo phân loại CP típ 1, CP típ 2, CP típ 3.
Ra y lệnh chụp ảnh minh họa tổn thương, y lệnh làm xét nghiệm hoặc sinh thiết nếu cần.
Theo dõi toàn trạng người bệnh trong toàn bộ quá trình làm thủ thuật.
Sau khi kết thúc thủ thuật, đánh và in kết quả.
Sau khi bác sĩ kết thúc quá trình nội soi.
Hướng dẫn người bệnh bổ sung thêm phiếu xét nghiệm, sinh thiết nếu cần.
Điều dưỡng rửa máy theo quy trình kỹ thuật.
Trả kết quả nội soi cho người bệnh.
THEO DÕI
Theo dõi toàn trạng người bệnh trong quá trình làm thủ thuật.
TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
Phát hiện và xử trí các biến chứng chảy máu khi lấy bệnh phẩm, mạch chậm hoặc ngừng tim trong khi làm thủ thuật, ghi vào phiếu trả kết quả hoặc cho người bệnh nhập viện xử trí tiếp tùy thuộc từng biến chứng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
H. Niwa. H. Tajiri, M. Nakajima, K Yasuda (2008). New Challenges in Gastrointestinal Endoscopy. Springer. Pp273-295.
Jonathan Cohen (2007). Comprehensive Atlas of High Resolution Endoscopy and Narrowband Imaging. Blackwell publishing. Pp 123-149.
Fabian Emura, Yutaka Saito, Hiroaki Ikematsu(2008). Narrow-band imaging optical chromocolonoscopy: Advantages and limitations. World J Gastroenterol August 21;14(31): 4867-4872.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh