✴️ Những điều cần biết về viêm dạ dày cấp

1. Tổng quan về viêm dạ dày cấp 

Viêm dạ dày cấp là bệnh lý chiếm tỷ lệ rất cao trên thế giới. Ước tính có khoảng 1,5 tỷ người mắc bệnh này mỗi  năm. Ở Hoa Kỳ, hàng năm có khoảng 1,8 – 2,1 triệu người đi khám bệnh vì  viêm dạ  dày, trong đó có khoảng 0,6 triệu người phải nhập viện. Bệnh thường gặp nhất ở người trên 60 tuổi.

Viêm dạ dày cấp 

Viêm  dạ  dày  (VDD)  là  tên  gọi chung cho một nhóm các bệnh lý có cùng tình trạng viêm của lớp niêm mạc dạ dày. Trong viêm dạ dày có thể có hay không có tình trạng nhiễm vi khuẩn H.p, loại vi khuẩn gây ra phần lớn các trường hợp loét dạ dày. Sử dụng một số loại thuốc giảm đau và uống rượu nhiều là các nguyên nhân thường gặp nhất của VDD.

VDD có thể xảy ra đột ngột (VDD cấp) hay  tiến  triển  chậm (VDD mạn). Trong một  số  trường  hợp, VDD cấp có thể đưa đến loét dạ dày và VDD mạn làm tăng  nguy cơ ung thư dạ dày. Tuy vậy trong đa số các trường hợp, VDD thường không nghiêm trọng và chóng cải thiện với điều trị.

2. Giải phẫu bệnh viêm dạ dày cấp

Về giải phẫu bệnh, VDD cấp được chia làm 2 dạng chính:

(1)    VDD cấp điển  hình  với  sung huyết và phù  lan  rộng  của  lớp niêm mạc, không có các ổ loét trợt. Nguyên nhân thường do H. pylori. Tổn thương viêm có thể chỉ khu trú ở một vùng (ví dụ viêm  hang vị) hoặc lan tỏa khắp  dạ dày (viêm dạ  dày  toàn  bộ). Nguyên nhân do: rượu,  một số loại thuốc, sau các nhiễm khuẩn…

Tổn thương viêm dạ dày cấp 

(2)    VDD cấp tại một số vùng của niêm mạc dạ dày với các ổ loét trợt (ví dụ, các loét trợt nông của biểu mô dạ dày phía trên lớp cơ- niêm, các loét trợt chảy máu). Gọi chính xác hơn, đó là “bệnh dạ dày loét trợt cấp tính”. Nguyên  nhân do: rượu, một số loại  thuốc, urê – huyết cao, trào  ngược mật, tăng áp lực cửa, xạ trị, hóa trị…

3. Sinh lý bệnh viêm dạ dày cấp 

Bình thường dạ dày duy trì được sự cân bằng giữa các yếu tố bảo vệ và các yếu tố phá hủy trong việc bài tiết dịch vị, thực hiện chức năng tiêu hóa của cơ thể. Khi sự cân bằng này bị mất đi, sẽ xảy ra các tổn thương cho dạ dày.

Các yếu tố bảo vệ bao gồm: chất nhầy, bicarbonat, phospholipid hoạt hóa bề mặt, các yếu tố tăng trưởng, prostaglandin, máu nuôi… Các yếu tố phá hủy bao gồm: bia rượu, thuốc lá, yếu tố tâm lý và thần kinh, thuốc (đặc biệt là các thuốc kháng viêm không steroid – NSAIDs), vi khuẩn H. pylori và các yếu tố kích thích khác…

4. Nguyên nhân viêm dạ dày cấp 

Nguyên nhân và biến chứng của viêm dạ dày cấp 

VDD nói cụ thể là viêm của lớp niêm mạc dạ dày. Chất nhầy, vốn bảo vệ cho thành dạ dày, khi bị hư hao sẽ để cho các dịch tiêu hóa làm tổn hại và gây viêm lớp niêm mạc dạ dày. Có một số bệnh làm tăng nguy cơ của VDD, chẳng hạn như bệnh Crohn (là bệnh lý viêm của ruột), bệnh sarcoid (là một bệnh mạn tính không rõ nguyên nhân, có các hạch bạch huyết to ở nhiều nơi…), hoặc khi có các tế bào viêm phát triển ở những nơi khác.

5. Các yếu tố nguy cơ viêm dạ dày cấp

Nhiễm khuẩn. Tuy nhiễm H. pylori là loại nhiễm khuẩn hay gặp nhất ở người, song chỉ có một số nhỏ bị VDD hay các bệnh khác của đường tiêu hóa trên. Người ta cho rằng khả năng bị tổn thương do vi khuẩn có thể có tính di truyền hay do các thói quen trong sinh hoạt như hút thuốc lá và tiết chế.

  • Các thuốc giảm  đau. Đặc biệt là các  thuốc kháng  viêm  không steroid khi sử dụng  thường xuyên hoặc quá liều có thể gây ra VDD cả cấp lẫn mạn tính.
  • Tuổi cao. Người lớn tuổi có nguy cơ cao của VDD vì niêm mạc dạ dày mỏng dần theo tuổi và tỷ lệ nhiễm H. pylori hoặc mắc các bệnh tự miễn cũng cao hơn so với người trẻ.
  • Uống rượu quá mức. Rượu kích thích và làm tiêu mòn niêm mạc dạ dày bạn, khiến cho dạ dày bạn dễ bị hư hại hơn bởi các dịch tiêu hóa. Tâm trạng căng thẳng (stress) do chịu phẫu thuật lớn, chấn thương, bỏng hay nhiễm khuẩn nặng có thể gây ra VDD cấp.

Uống nhiều rượu bia cũng là yếu tố gây viêm dạ dày cấp 

  • VDD tự miễn. Do chính cơ  thể bạn tấn công vào các tế bào của niêm mạc dạ dày, làm hư hại lớp chất nhầy bảo vệ cho dạ dày bạn. VDD tự miễn hay gặp hơn ở những người bị các bệnh tự miễn khác, kể cả bệnh Hashimoto (là một bệnh tự miễn của tuyến giáp) và bệnh đái tháo đường typ 1. Cũng gặp khi bị thiếu vitamin B-12.
  • Các bệnh khác. Ví dụ như HIV/ AIDS, bệnh Crohn và các nhiễm ký sinh trùng.

6. Triệu chứng viêm dạ dày cấp 

Đặc điểm lâm sàng của VDD cấp là: xuất hiện nhanh, mất đi nhanh và không để lại di  chứng. Các dấu hiệu và triệu chứng của VDD bao gồm:

  • Đau âm ỉ hoặc căng tức hay nóng ran vùng thượng vị.
  • Buồn nôn hoặc nôn, có khi kèm ợ hơi hoặc ợ chua, đắng miệng, đầy bụng khó tiêu.
  • Nôn ói ra máu hoặc đi tiêu phân đen, do thuộc dạng loét trợt chảy máu hay đi kèm với loét thực sự chảy máu của dạ dày.

​​​​​​​

Một số triệu chứng của viêm dạ dày cấp 

Khi các triệu chứng nói trên kéo dài một tuần lễ hay lâu hơn thì phải đi khám bác sĩ để xác định  nguyên nhân. Khi có biểu hiện của xuất huyết đường tiêu hóa trên thì phải đi khám ngay. Ngoài ra phải cẩn trọng trước các trường hợp đau bụng xảy ra sau khi dùng một số loại thuốc giảm đau.

VDD không nhất thiết bao giờ cũng có triệu chứng.

7. Biến chứng viêm dạ dày cấp 

Không điều trị, VDD cấp có thể dẫn đến loét dạ dày và chảy máu dạ dày. Đôi khi VDD mạn có thể trở thành ung thư dạ dày, nhất là khi niêm mạc dạ dày bị bào mòn từng mảng rộng và có những biến đổi của các lớp tế bào.

8. Chẩn đoán viêm dạ dày cấp 

Để xác định VDD, có thể cần đến các nghiệm pháp sau đây:

  • Các khám nghiệm tìm H. py- lori trong máu, trong phân hay trong hơi thở.
  • Soi  dạ  dày xác định tình trạng bệnh lý của VDD. Đồng thời kết hợp sinh thiết vùng tổn thương để khảo sát tổn thương mô học, cũng để xác định sự hiện diện của H. pylori trên tiêu bản sinh thiết. Chụp  dạ  dày  với  barium  để xác định các ổ loét nông  và sâu hay những tổn thương bất thường khác của dạ dày.
  • Kiểm tra công thức máu, xét nghiệm điện giải đồ… khi có biểu hiện của xuất huyết dạ dày.

9. Điều trị viêm dạ dày cấp 

  • Bù nước và điện giải nếu  bệnh nhân nôn ói nhiều.
  • Truyền máu khi có chỉ định  nếu bệnh nhân mất máu do chảy máu dạ dà
  • Ngừng các thuốc bệnh nhân đang sử dụng mà có khả  năng gây ra viêm loét dạ dày, ngừng rượu bia…
  • Sử dụng các thuốc kháng  tiết, thuốc trung hòa acid dạ dày, thuốc bảo vệ niêm mạc  dạ dày, thuốc kháng sinh  hoặc kháng nấm nếu phát hiện được tác nhân gây viêm loét dạ dày.
  • Thay đổi  thói  quen  xấu,  cải thiện chế độ sinh hoạt  và nghỉ ngơi hợp lý.

Xem thêm: Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày và cách phòng tránh

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top