✴️ Mách nhỏ phụ huynh cách chữa rối loạn giấc ngủ ở trẻ em

1. Các cách chữa rối loạn giấc ngủ ở trẻ em phổ biến 

Giấc ngủ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hồi phục sức khỏe và cân bằng tâm sinh lý con người. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, giấc ngủ có tác động trực tiếp tới sự phát triển của não bộ. Do đó, nếu trong trường hợp trẻ mắc hội chứng rối loạn giấc ngủ sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình phát triển về mặt thể chất lẫn tinh thần.

Hiện nay có 2 phương pháp phổ biến chuyên dùng để điều trị chứng rối loạn giấc ngủ ở trẻ em, đó là trị liệu bằng tâm lý và phương pháp khám cận lâm sàng.

1.1. Cách chữa rối loạn giấc ngủ ở trẻ em bằng mẹo tâm lý

Chữa rối loạn giấc ngủ ở trẻ nhỏ bằng phương pháp trị liệu tâm lý khá dễ áp dụng, ít tốn kém chi phí và đem lại hiệu quả cao. Hầu hết các bậc phụ huynh thường áp dụng cách này để chữa bệnh cho bé. 

cách chữa rối loạn giấc ngủ ở trẻ em

Phương pháp chữa rối loạn giấc ngủ ở trẻ bằng tâm lý được nhiều bậc cha mẹ áp dụng.

Phương pháp này được thực hiện theo quy trình các bước như sau:

Bước 1: Ghi lại tần suất bé khóc, quấy phá, không chịu ngủ hoặc thức đêm để có một chiến lược dài hạn điều trị.

Bước 2: Đi tìm lý do vì sao trẻ lại hay bị khó ngủ vào mỗi buổi tối. Đó có thể là do bé hoạt động quá nhiều vào ban ngày và cơ thể khó vào giấc khi chập tối; hoặc bé có thể thiếu ngủ mỗi đêm. Đặc biệt, xem xét buổi đêm trẻ ngủ có ngáy hay thở bằng miệng không. Những điều này đều dựa vào tần suất bạn đã ghi lại ở bước 1.

Bước 3: Nghiêm chỉnh dặn dò, khuyên răn trẻ lên giường rồi thì không nô đùa, ảnh hưởng đến quá trình đi vào giấc ngủ. Bạn nên chọn 1 nơi gần con để tiện theo dõi và không cho trẻ bước xuống giường khi đến giờ đi ngủ.

Bước 4: Thiết lập thời gian biểu sinh hoạt cho con. Tập cho bé thói quen đi ngủ đúng giờ.

Bước 5: Khen thưởng trẻ khi có những biểu hiện tích cực và nghe lời.

1.2. Cách chữa rối loạn giấc ngủ ở trẻ em bằng phương pháp khám cận lâm sàng

Phương pháp chữa bằng mẹo có thể có tác dụng tạm thời và không phải trong trường hợp nào cũng có tác dụng. Nếu tình trạng mất ngủ ở trẻ kéo dài, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến địa chỉ y tế uy tín để kiểm tra sức khỏe, đặc biệt là hệ thần kinh. Việc này giúp tìm ra nguyên nhân gây mất ngủ từ bên trong cơ thể. Từ đó có biện pháp điều trị phù hợp với từng thể trạng sức khỏe của các bé. 

Trẻ nên được khám tại khoa nhi có các bác sĩ chuyên về nội thần kinh. Các danh mục khám mà trẻ nên thực hiện để hỗ trợ phát hiện nguyên nhân và các dấu hiệu bất thường trong cơ thể gồm:

– Điện tâm đồ

Được sử dụng để kiểm tra nhịp tim, đánh giá chứng rối loạn nhịp tim. Theo nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh lý tim mạch có ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng giấc ngủ. Những người thiếu ngủ thường có nhịp tim ở mức độ cao. 

– Điện não đồ

Được dùng để tìm ra sóng điện não bất thường của bệnh lý liên quan đến thần kinh, phòng tránh bệnh động kinh ở trẻ – căn bệnh khiến trẻ dễ bị giật mình tỉnh giấc, ảnh hưởng đến giấc ngủ. 

– Chụp CT

Thường được thực hiện trong các trường hợp nghi ngờ trẻ mất ngủ do thiếu máu não cũng các tổn thương mạch não khác.

– Chụp MRI

Có giá trị lớn trong việc phát hiện các bất thường nhỏ trong hệ thống thần kinh, đặc biệt là dị dạng mạch não, các khối u rất nhỏ.

 

2. Rối loạn giấc ngủ ở trẻ có nguy hiểm không?

Rối loạn giấc ngủ có thể là 1 chứng bệnh nhẹ, không gây ảnh hưởng nghiêm trọng và biến chứng lâu dài. Tuy nhiên, đối với các bé sơ sinh và trẻ nhỏ, chứng bệnh này lại đặc biệt nguy hiểm. 

Rối loạn giấc ngủ có thể gây ra chứng ngưng thở trong lúc ngủ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới học tập và các hành vi của bé, đặc biệt có tác động đến sự phát triển của tim và gây ra các bệnh về tim mạch.

điều trị rối loạn giấc ngủ ở trẻ

Trẻ quấy khóc, khó thở, giật mình trong đêm là một trong những biểu hiện khó ngủ.

Rối loạn giấc ngủ tác động trực tiếp tới hệ thần kinh và não bộ của trẻ, ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt ban ngày, gây ra tình trạng mệt mỏi, chậm lớn, khó ăn và các bệnh liên quan đến hệ tim mạch, dạ dày.

Chính vì vậy, các cha mẹ nên chủ động theo dõi con trẻ và đưa đi khám điều trị ngay khi thấy trẻ có biểu hiện của bệnh này. 

 

3. Mẹo phòng tránh rối loạn giấc ngủ ở trẻ em hữu ích

Để trẻ có một giấc ngủ sâu và ngon, cha mẹ nên áp dụng một số mẹo dưới đây, giúp phòng ngừa chứng rối loạn giấc ngủ và tạo một thói quen tốt trước khi đi ngủ cho trẻ:

– Phòng ngủ của bé nên sắp xếp ít đèn, giảm tiếng ồn từ xe cộ ngoài đường.

– Đồng hồ trong phòng ngủ không gây tiếng ồn quá to ảnh hưởng đến giấc ngủ

– Thiết lập giờ ngủ cho trẻ để có thói quen ngủ lành mạnh, cho trẻ thức dậy đúng giờ.

– Hãy đọc sách cho trẻ trước khi đi ngủ 

– Tránh cho trẻ uống các chất có chứa caffeine trước khi đi ngủ từ 4 – 6 tiếng. Thay vào đó, hãy cho bé uống sữa ấm.

– Đặt xung quanh bé gối ôm và thú nhồi bông để tạo cảm giác an toàn cho bé, tránh giật mình giữa đêm.

– Nhỏ vài giọt tinh dầu hoa oải hương hoặc hoa cúc khi tắm cho trẻ, chúng có tác dụng làm trẻ dễ chịu, ngủ sâu giấc.

– Ngâm chân nước ấm trước khi đi ngủ cũng có tác dụng dễ vào giấc ngủ.

– Mát-xa chân cho trẻ 20 phút để trẻ thư giãn

chữa rối loạn giấc ngủ ở bé

Các bậc cha mẹ nên chú ý đến hành vi của con trong khi ngủ.

Hi vọng thông qua bài viết trên bạn đã nắm rõ thông tin cần thiết liên quan đến cách chữa rối loạn giấc ngủ ở trẻ em và cách phòng tránh rối loạn giấc ngủ cho con em mình. Lưu ý rằng các phương pháp trên đây chỉ mang tính tham khảo. Trong mọi trường hợp, các chẩn đoán và phác đồ điều trị của bác sĩ mới là kim chỉ nam giúp điều trị căn bệnh này một cách hiệu quả.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top