Các nhà khoa học đã tìm ra một nhóm các vi khuẩn bị thiếu ở những người mắc bệnh viêm loét đại tràng, từ đó phát hiện mối liên hệ giữa việc thiếu hụt vi khuẩn đường ruột với bệnh viêm loét đại tràng, điều này hứa hẹn mở ra cơ hội điều trị mới.
Một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Y khoa Stanford, California, đã xác định được một loại vi khuẩn đường ruột bị thiếu ở một số người. Phát hiện này có thể là chìa khóa giải thích tại sao một số người lại bị viêm loét đại tràng. Nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Cell Host & Microbe
Họ hy vọng rằng bằng cách thay thế chức năng của vi khuẩn bị thiếu này, có thể phát triển các phương pháp điều trị viêm loét đại tràng mới và hiệu quả hơn.
Viện Nghiên cứu Quốc gia về Đái tháo đường và bệnh Tiêu hóa và Thận (Hòa Kỳ) lưu ý rằng viêm loét đại tràng là một bệnh lý gây viêm và loét ở đại tràng người bệnh, khiến người bệnh có biểu hiện đau bụng, sụt cân, tiêu phân nhầy hoặc máu và các vấn đề sức khỏe khác. Các triệu chứng của viêm loét đại tràng có thể từ nhẹ đến nặng, và hiện chưa có cách chữa triệt để. Thay vào đó, các phương pháp điều trị hiện nay tập trung vào việc giữ cho giai đoạn ổn định càng lâu càng tốt.
Điều trị thường bắt đầu bằng điều trị nội khoa, khi không hiệu quả vẫn đề can thiệp phẫu thuật có thể được đặt ra.
Theo Tổ chức bệnh Crohn và và Viêm đại tràng Hoa Kỳ, có khoảng 23-45% những người bị viêm loét đại tràng cuối cùng sẽ cần phải phẫu thuật.
Phẫu thuật sẽ cắt bỏ toàn bộ đại tràng và trực tràng, sau đó dùng đầu dưới của ruột non để tạo túi nối hồi tràng với hậu môn, túi được tạo hình chữ J, túi này mô phỏng chức năng của trực tràng đã bị cắt bỏ. Ngoài ra, một số trường hợp, người bệnh còn có thể sẽ được tạo lỗ hậu môn nhân tạo trên thành bụng, hậu môn nhân tạo này có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn tại sao viêm loét đại tràng lại ảnh hưởng đến một số người này chứ không phải những người khác. Nghiên cứu mới từ nhóm nghiên cứu tại Stanford cho thấy một lý do chính có thể là thiếu những vi khuẩn đường ruột đặc biệt.
Một số bệnh nhân viêm loét đại tràng đã được phẫu thuật tạo ra túi hình chữ J sau đó sẽ tái phát trở lại các triệu chứng liên quan. Điều đặc biệt là những người bệnh đa polip di truyền (FAP), họ cũng được phẫu thuật tương tự nhưng lại không bao giờ gặp bất kỳ triệu chứng viêm tương tự nào.
Các nhà nghiên cứu muốn tìm ra lý do tại sao lại như vậy. Họ đã so sánh hai nhóm người tham gia, một nhóm mắc FAP và nhóm còn lại bị viêm loét đại tràng, tìm kiếm bất kỳ sự khác biệt đáng kể nào giữa họ. Họ phát hiện ra rằng một sự khác biệt chính là sự hiện diện của một loại axit mật trong ruột, với số lượng lớn hơn nhiều ở những người mắc FAP so với những người bị viêm loét đại tràng.
Những axit mật này là một thành phần tự nhiên trong ruột khỏe mạnh và giúp phân hủy chất béo.
Trong ruột non, vi khuẩn chuyển đổi các axit mật này thành axit mật thứ cấp. Các nhà khoa học đã có thể xác định được một họ vi khuẩn cụ thể là Ruminococcaceae là loại vi khuẩn chính chuyển đổi axit mật chính thành axit mật thứ cấp.
Tiến sĩ Aida Habtezion, Phó Giáo sư và là tác giả của nghiên cứu, lưu ý: tất cả những người khỏe mạnh đều có Ruminococcaceae trong hệ tiêu hóa. Nhưng trong bệnh nhân viêm loét đại tràng, các vi khuẩn này đã bị suy giảm đáng kể.
Để xác nhận điều này, các nhà khoa học cũng phát hiện rằng mẫu phân của những người FAP có quá trình chuyển đổi acid mật thành acid mật thứ cấp, trong khi mẫu từ những người bị viêm loét đại tràng thì không.
Sau đó, nhóm nghiên cứu đã bổ sung axit mật cho những con chuột bị viêm loét đại tràng để thay thế bất kỳ axit mật thứ cấp bị thiếu. Điều này làm giảm viêm cũng như các triệu chứng thường gặp của viêm đại tràng ở chuột.
Bác sĩ Habtezion nhận định nghiên cứu này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về căn bệnh này và hứa hẹn dẫn đến việc điều trị bằng bổ sung các chất chuyển hóa này.
Tuy nhiên để đi đến thành công, nhóm nghiên cứu hiện đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng để khám phá xem liệu bổ sung axit có thật sự giúp những người bị viêm loét đại tràng hay không.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh