Hướng dẫn về hoạt động thể chất dành cho người trưởng thành Mỹ cuar Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ - CDC, cho biết, mỗi người nên dành 150 phút hoạt động thể chất mức độ trung bình mỗi tuần hoặc 75 phút hoạt động thể chất cường độ cao mỗi tuần.
Nghe có vẻ sẽ tốn khá nhiều thời gian, nhưng bạn có thể chia nhỏ thời gian luyện tập ra thành 10 phút đi bộ mỗi ngày, 3 lần/ngày vào khoảng thời gian trước và sau giờ làm, hoặc luyện tập với máy đi bộ khi đang xem tivi. Tuy có rất nhiều lợi ích với sức khỏe nhưng chạy bộ hàng ngày cũng có một vài nhược điểm. Ngoài những ảnh hưởng của việc chạy bộ lên đầu khối và các khớp, gần đây, một số báo cáo còn cho thấy các tình trạng khác liên quan đến da mặt, cơ thể và bệnh tại mông do chạy bộ.
Các nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, gần như tất cả các bài tập tốt cho tim mạch thực ra đều sẽ gây ra tình trạng tổn thương tạm thời với tâm thất phải. Nghiên cứu trên 40 vận động viên điền kinh được huấn luyện chạy đường dài cho thấy có những dấu hiệu tổn thương ngay sau khi chạy, ví dụ như phì đại tim và giảm chức năng tâm thất phải. Tuy nhiên, đừng vì thế mà ngừng việc luyện tập. Các nhà khoa học nói rằng chưa có bằng chứng nào cho thấy việc chạy bộ không tốt cho sức khỏe cả và trái tim của các vận động viên điền kinh hoàn toàn có thể tự chữa lành những tổn thương trên trong vòng 1 tuần.
Gần đây, trong một hội thảo, một vài chuyên gia đã nhận thấy rằng, một vài vận động viên chạy bộ thường có gương mặt với làn da hơi chảy xệ, và họ gọi đó là tình trạng “runner face” – gương mặt của các vận động viên. Trong hội thảo này, các chuyên gia cho rằng, hội chứng runner face thường chỉ ảnh hưởng đến nam giới và phụ nữ trên 40 tuổi, đặc biệt là những người đốt cháy quá nhiều mỡ dưới da mặt. Việc mất đi một lượng đáng kể các mô mỡ sẽ làm mất đi độ đàn hồi của da, làm sâu thêm các nếp nhăn và các phần xương mặt sẽ lộ rõ hơn. Và đương nhiên, trông bạn sẽ già hơn tuổi thật của mình. Ngoài ra, chế độ ăn khắt khe của các vận động viên cũng là một trong số những nguyên nhân dẫn đến tình trạng runner face.
Còn được gọi là hội chứng đầu gối của các vận động viên (runner knee), hội chứng bánh chè đùi là một trong những tổn thương thường gặp nhất trong thể thao. Do vậy, nếu bạn thường xuyên chạy bộ, hãy lưu ý đến các tình trạng đau ở xung quanh hoặc ngay dưới xương bánh chè, đặc biệt là nếu cơn đau xảy ra sau một khoảng thời gian dài ngồi một chỗ, chạy, tập squat, leo núo hoặc đi xuống cầu thang. Nguyên nhân là vì vùng khớp gối là một vùng rất nhạy cảm. Đó là vùng kết nối giữa xương đùi và xương chày. Do vậy, nếu vùng xương chày của bạn không hoạt động đúng cách tại vị trí tiếp nối này hoặc nếu bạn tăng tốc quá nhanh khi chạy bộ, bạn có thể sẽ mắc phải hội chứng PFPS. Hãy luyện tập một cách từ từ, tăng dần tốc độ và dành những khoảng thời gian ngắn để nghỉ giải lao giữa các đợt chạy. Ngoài ra, cần khởi động trước khi chạy và luyện tập các bài tập như nâng chân lên cao và kéo giãn để làm khỏe khớp gối.
Đau cơ mông còn được gọi là tình trạng viêm gân của cơ mông giữa. Tình trạng đau mông này không chỉ xảy ra với các vận động viên mà bất cứ ai hoạt động cường độ mạnh đều có thể mắc phải tình trạng này. Tuy nhiên, vận động viên chạy đường dài là những người dễ mắc phải tình trạng này.
Việc sử dụng các cơ quá mức cũng là một yếu tố nguy cơ của tình trạng này. Căng cơ, đau cơ và sai khớp hông- chậu là những yếu tố nguy cơ khác. Cơn đau sẽ khởi phát tại phần cơ mông và sau đó lan dần xuống chân. Nếu bạn không chú ý nghỉ ngơi và điều trị tình trạng này, thì cơn đau sẽ ngày một nặng hơn. Để làm giảm nguy cơ mắc phải tình trạng đau cơ mông, bạn không nên thay đổi cường độ tập luyện một cách đột ngột. Khi bị đau, bạn nên giảm hoặc ngừng luyện tập, sử dụng các loại thuốc giảm đau không cần kê đơn và chườm lạnh. Nếu tình trạng không đỡ sau hơn 1 tuần, bạn nên đi khám bác sỹ.
Rất nhiều vận động viên chạy đường dài mắc phải tình trạng một móng chân có màu đen, do chảy máu ở dưới móng chân. Nguyên nhân là do giày chạy bộ quá nhỏ, làm tăng độ ma sát với bàn chân, khiến chân bị nứt nẻ, bầm tím hoặc chảy máu tại các ngón chân. Để làm giảm tình trạng này đơn giản chỉ cần mua một đôi giày rộng hơn.
Nghiên cứu năm 2006 trên tạp chí Annals of Allergy, Asthma and Immunology chỉ ra rằng 56% số người chạy bộ ngoài trời sẽ bị ngạt mũi, xổ mũi trong khi chạy. Tình trạng này được gọi là viêm mũi do thể thao và có thể có nguyên nhân là do tăng lượng không khí bạn hít vào do bạn thở nhanh hơn trong khi chạy. Việc tăng lượng không khí sẽ làm mũi sản xuất ra rất nhiều dịch.
Thời tiết cũng là một yếu tố đóng vai trò không nhỏ: không khí mát và khô sẽ làm tăng sản xuất chất nhầy trong mũi. Đừng để việc xổ mũi gây ảnh hưởng đến kế hoạch luyện tập của bạn. Cân nhắc sử dụng thuốc kháng histamine để làm khô khoang mũi trước khi luyện tập, mang theo khăn giấy trong khi chạy hoặc đổi sang việc luyện tập trong nhà.
Bạn đã đi tiểu trước khi luyện tập nhưng chỉ sau vài phút, bạn lại có nhu cầu? Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này. Tăng lưu lượng tuần hoàn trong khi luyện tập có thể sẽ làm tăng tốc độ nhiều hệ cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả thận. Ngoài ra, nếu bạn bị thiếu nước, cơ thể cũng sẽ tạo ra cảm giác giả, giống như khi bạn buồn đi tiểu. Nếu bạn bị thiếu nước, hãy uống thêm nước trong khi luyện tập. Thêm vào đó, hãy xen kẽ thời gian nghỉ ngơi và luyện tập. Nếu bạn thường xuyên gặp phải tình trạng này, hãy trao đổi với bác sỹ.
Ngoài những điều phiền toái nhỏ mà việc chạy bộ gây ra ở trên thì việc chạy bộ đem lại rất nhiều lợi ích về mặt tâm lý. Nghiên cứu trên tạp chí Cerebral Cortex, chạy bộ sẽ giúp làm tăng tiết hormone endorphins tại vùng não liên quan đến cảm xúc. Các tác giả nghiên cứu cho thấy đa số mọi người sẽ cảm thấy hạnh phúc và thư giãn hơn sau khi chạy bộ. Endorphine được tiết ra từ não bộ sẽ giúp làm giảm căng thăng và cải thiện tâm trạng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh