✴️ Vì sao chế độ ăn giàu chất béo làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng

Nội dung

Mặc dù có nhiều bằng chứng mạnh mẽ về mối liên hệ giữa chế độ ăn uống không lành mạnh và ung thư đại trực tràng, tuy nhiên các cơ chế nền tảng cho mối liên hệ này vẫn chưa thực sự rõ ràng. Một nghiên cứu mới gần đây đã đưa ra những quan điểm và lý luận nhằm giải thích về mối liên hệ này.

Các nhà nghiên cứu từ Phòng khám Cleveland ở Ohio đã xác định được con đường truyền tín hiệu tế bào, được gọi là JAK2-STAT3, thúc đẩy sự phát triển của tế bào gốc ung thư trong đại tràng trong đáp ứng với chế độ ăn nhiều chất béo.

Hơn nữa, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc ngăn chặn con đường JAK2-STAT3 ở những con chuột được cho ăn chế độ ăn nhiều chất béo đã ngăn chặn sự phát triển của các tế bào gốc này, một phát hiện có thể thúc đẩy sự phát triển của các loại thuốc mới để điều trị ung thư đại trực tràng.

Đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Matthew Kalady, đồng giám đốc Chương trình Ung thư đại trực tràng toàn diện tại Phòng khám Cleveland và các đồng nghiệp gần đây đã báo cáo những phát hiện của họ trên tạp chí Tế bào gốc.

Sau ung thư da, ung thư đại trực tràng - một loại ung thư xuất phát ở đại tràng hoặc trực tràng - là loại ung thư thường gặp phổ biến thứ ba ở Hoa Kỳ.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ ước tính rằng sẽ có 95.520 trường hợp ung thư đại tràng mới được chẩn đoán ở Hoa Kỳ trong năm nay, cũng như 39.910 trường hợp ung thư trực tràng mới.

Trong những năm gần đây, rất nhiều nghiên cứu đã cho rằng chế độ ăn giàu chất béo là yếu tố nguy cơ gây ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, các cơ chế chính xác đằng sau mối tương quan này thực sự còn mơ hồ.

Với hy vọng làm sáng tỏ các cơ chế, Tiến sĩ Kalady và các đồng nghiệp đã tìm hiểu làm thế nào chế độ ăn giàu chất béo ảnh hưởng đến JAK2-STAT3, một con đường truyền tín hiệu tế bào được biết đến để thúc đẩy tăng trưởng khối u.

     


Những phát hiện gần đây góp phần thúc đẩy tìm tòi các phương pháp điều trị mới

Để đạt được kết quả của họ, các nhà nghiên cứu đã sử dụng phân tích microrarray để đánh giá các khối u nguyên phát và di căn trong mô hình chuột ung thư đại trực tràng.

Khi những con chuột được cho ăn chế độ ăn nhiều chất béo, sự phát triển của các tế bào gốc ung thư trong đại tràng tăng lên. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các tế bào gốc ung thư là yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển và di căn của các khối u.      

Khi điều tra sâu hơn, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc chặn đường truyền tín hiệu tế bào JAK2-STAT3 ở loài động vật gặm nhấm đã đảo ngược sự gia tăng của việc phát triển tế bào gốc ung thư được kích hoạt bởi chế độ ăn nhiều chất béo.

Khi phân tích ảnh hưởng của chế độ ăn nhiều chất béo trong các mô hình chuột ung thư đại trực tràng có khả năng đề kháng với béo phì, các nhà nghiên cứu đã lặp lại phát hiện của họ.

Tiến sĩ Kalady nói rằng nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên chứng minh làm thế nào một con đường phân tử đặc hiệu có thể làm trung gian liên kết giữa chế độ ăn nhiều chất béo và ung thư đại trực tràng, một khám phá có thể mang lại phương pháp điều trị mới cho căn bệnh này.

"Bây giờ chúng ta có thể dựa trên kiến thức này để phát triển các phương pháp điều trị mới nhằm ngăn chặn con đường này và giảm tác động tiêu cực của chế độ ăn nhiều chất béo đối với nguy cơ ung thư đại tràng" Tiến sĩ Kalady nói.

"Những phát hiện này cũng cung cấp một cái nhìn mới về vấn đề điều hòa các tế bào gốc ung thư và cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về ảnh hưởng của môi trường, như chế độ ăn uống, có thể thay đổi quần thể tế bào ung thư trong các bệnh ung thư ở giai đoạn muộn", đồng tác giả nghiên cứu Justin D. Lathia, Ph. D., thuộc Viện nghiên cứu Lerner tại Phòng khám Cleveland.

 

Xem thêm: Hạn chế nguy cơ bị ung thư đại trực tràng

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top