Thiếu máu não là tình trạng giảm lưu lượng máu lên não, dẫn tới giảm lượng oxy được cung cấp và các dưỡng chất cần thiết cho các hoạt động thường ngày của não bộ. Từ đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu trúc và chức năng của hệ thần kinh trung ương. Bệnh giai đoạn đầu có thể chưa gây nguy hiểm, nhưng nếu không được cải thiện từ sớm có thể gây ra các biến chứng khó lường.
Các dấu hiệu của người bệnh thiếu máu não có thể khác nhau tùy thuộc vào tình trạng bệnh của từng người, bao gồm các triệu chứng như:
– Đau đầu: Bệnh nhân có thể bị đau lan tỏa khắp đầu hoặc cảm giác nặng đầu.
– Chóng mặt, buồn nôn: Gây mất thăng bằng cho người bệnh, có thể chỉ diễn ra trong vài phút, nhưng cũng có trường hợp kéo dài đến vài ngày.
– Rối loạn giấc ngủ: Biểu hiện chính là mất ngủ, khó ngủ, ngày lại cảm thấy buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật.
– Ù tai, khó nghe, mắt nhìn mờ: Lưu lượng máu bị sụt giảm tại các cơ quan như tiền đình ốc tai, cơ điều tiết mắt… sẽ gây ù tai, khó nghe, mắt nhìn mờ.
– Cơ thể mệt mỏi, suy giảm trí nhớ: Người bệnh có cảm giác thiếu sức lực, mất khả năng tập trung, giảm trí nhớ, mau quên.
Thiếu máu não xuất hiện đa phần do lối sống sinh hoạt không khoa học. Tuy nhiên, một số trường hợp cũng có thể do bệnh lý liên quan gây ra. Để trả lời câu hỏi “tại sao thiếu máu não?”, hãy cùng điểm qua những nguyên nhân chính sau đây.
Trong các nguyên nhân gây thiếu máu não, lối sống sinh hoạt thiếu lành mạnh là một trong những yếu tố phổ biến. Biểu hiện của sự thiếu khoa học trong lối sống gồm;
Khi bạn bị stress, căng thẳng sẽ làm cơ thể sản sinh nhiều gốc tự do. Các gốc tự do này tập hợp ngày một nhiều và gây tổn thương đến thành mạch máu, hình thành các mảng xơ vữa và tạo huyết khối. Các yếu tố này khiến thành mạch máu bị thu hẹp và làm giảm lưu lượng máu lên não, gây ra tình trạng thiếu máu não.
Hút thuốc lá và uống nhiều rượu bia làm tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông trong lòng mạch, có thể gây thiếu máu cục bộ.
Dầu mỡ khi hấp thu vào cơ thể người có thể làm tăng các mảng xơ vữa, gây hẹp lòng mạch và giảm khả năng lưu thông máu
Lười vận động làm giảm khả năng trao đổi chất, giảm lưu thông máu.
Gối đầu quá cao khiến đốt sống cổ bị gập, chèn ép vào dây thần kinh gây ảnh hưởng đến tuần hoàn não, lâu dần gây thiếu máu não.
Bên cạnh lối sống, các bệnh lý cũng là nguyên nhân gây thiếu máu não cần được lưu tâm. Các bệnh lý có thể gây thiếu máu lên não thường gặp:
Đa phần các trường hợp thiếu máu não đều là do xơ vữa động mạch, chúng gây hẹp lòng mạch và đè nén vào mạch máu nuôi não, làm giảm lượng oxy và chất dinh dưỡng đến não bộ.
Các đốt sống bị tổn thương sẽ gây chèn ép vào dây thần kinh, làm ngưng trệ quá trình cung cấp máu lên não.
Các bệnh lý về tim mạch làm giảm khả năng bơm máu từ tim lên đến não, gây ra tình trạng thiếu máu não.
Tăng huyết áp làm tăng áp lực lên thành mạch, khiến thành mạch bị giãn dần ra và xuất hiện thương tổn. Các tổn thương này là tiền đề để hình thành nên các mảng xơ vữa, làm cản trở lưu thông máu lên não.
Thiếu máu não chủ yếu là do khả năng tuần hoàn máu lên não kém. Do vậy, việc điều trị chủ yếu ở đây là thay đổi lối sống sinh hoạt, cải thiện những dấu hiệu từ khi còn nhẹ để kiểm soát bệnh lý hiệu quả.
Dưới đây là một số lời khuyên giúp phòng ngừa thiếu máu não bạn cần ghi nhớ:
Cần một chế độ ăn giàu chất xơ, đầy đủ dinh dưỡng thiết yếu. Hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, các loại thực phẩm chế biến sẵn, chất kích thích.
Tập luyện thể dục thể thao hàng ngày sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn. Người bệnh nên chủ động tập luyện thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày với các bài tập phù hợp sức khỏe.
Hãy cố gắng suy nghĩ lạc quan hơn, tạo thêm khoảng thời gian thư giãn cho bản thân. Hạn chế làm việc quá khuya, quá căng thẳng. Ngủ sớm và ngủ đủ giấc.
Lưu ý rằng, tất cả các biện pháp phòng tránh trên đây chỉ có tác dụng hỗ trợ, không thể thay thế các chẩn đoán và điều trị y khoa. Bởi vậy, người bệnh nên duy trì thăm khám định kỳ ít nhất 3 – 6 tháng một lần tại các chuyên khoa nội thần kinh để được chẩn đoán nguyên nhân, phòng người từ sớm.
Khi thấy các biểu hiện thiếu máu não, hãy đi khám ngay thay vì tự ý điều trị.
Trên đây là những thông tin giúp bạn biết được tại sao thiếu máu não có thể xảy ra và làm thế nào để nhận biết sớm căn bệnh này. Hãy chủ động thăm khám sức khỏe thường xuyên, đặc biệt là hệ thần kinh, xây dựng lối sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh