Tác giả: Nguyễn Thị Diễm Ngọc*
[1] Đại học Y Dược TPHCM
TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Cơn tăng đường huyết là biến chứng cấp tính hay gặp trong bệnh đái tháo đường. Hai thể lâm sàng thường gặp là nhiễm ceton acid và tăng áp lực thẩm thấu. Chi phí điều trị thường rất cao và là gánh nặng kinh tế lớn cho bệnh nhân đái tháo đường.
Mục tiêu: 1) Khảo sát chi phí điều trị cơn tăng đường huyết trên bệnh nhân đái tháo đường nhập viện tại Khoa Nội Tiết – Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. 2) Phân tích mối liên quan giữa các đặc điểm lâm sàng với chi phí điều trị cơn tăng đường huyết.
Đối tượng - Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang mô tả, đối tượng là bệnh nhân nhập viện vì cơn tăng đường huyết tại Khoa Nội Tiết – Bệnh viện Nguyễn Tri Phương từ tháng 10/2020 đến tháng 04/2021.
Kết quả: Nghiên cứu bao gồm 120 bệnh nhân (tuổi trung bình 57,4 ± 17,6; nữ 62%), nhiễm ceton acid 52%, tăng áp lực thẩm thấu 17% và tăng đường huyết không nhiễm ceton acid, không tăng áp lực thẩm thấu máu 31%. Tổng chi phí trung bình cho một đợt nhập viện vì cơn tăng đường huyết là 20.534 ngàn đồng, trong đó chi phí trực tiếp trung bình là 13.707 ngàn đồng và chi phí gián tiếp trung bình là 6.827 ngàn đồng. Các các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí nhập viện do cơn đường huyết cấp tính là: phân loại đái tháo đường, biến chứng mạn, bệnh mạch vành, bệnh thận mạn, yếu tố thúc đẩy cơn tăng đường huyết.
Kết luận: Cơn tăng đường huyết nhập viện có chi phí điều trị rất cao so với thu nhập bình quân đầu người Việt Nam (gấp 4,9 lần thu nhập bình quân mỗi tháng) và chi phí điều trị đái tháo đường trung bình cho cả năm nếu không có biến chứng cấp (3,7 lần)
Từ khóa: cơn tăng đường huyết cấp tính, nhiễm ceton acid, tăng áp lực thẩm thấu, chi phí điều trị, chi phí gián tiếp, chi phí trực tiếp
KẾT LUẬN
Tổng chi phí điều trị cho một đợt nhập viện vì cơn tăng đường huyết cấp tính trung bình là 20,53 triệu đồng. Các bệnh nhân đái tháo đường típ 2, đã có biến chứng bệnh mạch vành, bệnh thận mạn, có yếu tố thúc đẩy là nhiễm trùng có chi phí điều trị cao hơn so với các bệnh nhân khác. Cơn tăng đường huyết nhập viện tiêu tốn chi phí điều trị cao gấp 4,9 lần thu nhập bình quân mỗi tháng và gấp 3,7 lần tổng chi phí điều trị đái tháo đường cả năm. Do đó phòng ngừa cơn tăng đường huyết cấp tính có ý nghĩa lớn trong việc giảm chi phí điều trị chung cho các bệnh nhân đái tháo đường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO