✴️ Dịch tiết âm đạo: như thế nào là bất thường

Gần như ở mọi phụ nữ, dịch tiết âm đạo là hoàn toàn bình thường. Tính chất của dịch này cũng khá thay đổi ở mỗi người, mỗi giai đoạn trong chu kì kinh nguyệt từ số lượng, màu sắc cho tới mùi,.... Chẳng hạn như xung quanh thời điểm rụng trứng, cho con bú hoặc khi có hoạt động tình dục. Và kể cả khi bạn mang thai hoặc sau khi vệ sinh cá nhân cũng có thể thay đổi tính chất của dịch tiết.

Đa số những sự thay đổi nêu trên đều không đáng lo ngại. Tuy nhiên nếu như màu sắc, mùi hoặc huyết trắng trở nên đặc hơn nhiều so với bình thường, đặc biệt khi bạn thấy ngứa hoặc nóng rát vùng kín, có thể đây là những dấu hiệu của viêm hoặc 1 số bệnh lí khác.

Nguyên nhân nào gây ra dịch tiết âm đạo bất thường?

Bất kỳ sự thay đổi nào làm mất đi tính cân bằng của hệ vi khuẩn ở âm đạo đều ảnh hưởng đến màu sắc, mùi và thành phần dịch tiết âm đạo.

Bên dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp làm đảo lộn trạng thái cân bằng của khuẩn hệ âm đạo:

  • Sử dụng kháng sinh hoặc corticoids;
  • Bị loạn khuẩn âm đạo – tình trạng nhiễm trùng thường gặp nhất ở phụ nữ kể cả phụ nữ có thai và đặc biệt phụ nữ có nhiều bạn tình;
  • Sử dụng thuốc ngừa thai;
  • Ung thư cổ tử cung;
  • Nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục như Chlamydia hoặc Lậu cầu;
  • Đái tháo đường;
  • Sử dụng bột giặt xà phồng thơm để thụt rửa bên trong âm đạo hoặc ngâm lâu trong bồn tắm có chứa xà phồng tạo bọt;
  • Viêm vùng chậu;
  • Nhiễm Trichomonas, một bệnh lý do ký sinh trùng gây ra, lây nhiễm sau khi quan hệ tình dục không an toàn;
  • Teo âm đạo: sau khi mãn kinh, âm đạo sẽ teo nhỏ và khô hơn từ đó dễ nhiễm trùng hơn;
  • Viêm âm đạo: tình trạng ngứa bên trong hoặc xung quanh vùng âm hộ - âm đạo;
  • Nhiễm nấm âm đạo.

Các dạng tiết dịch âm đạo bất thường và nguyên nhân gây ra

LOẠI DỊCH TIẾT

Ý NGHĨA

CÁC TRIỆU CHỨNG KHÁC

Có máu hoặc màu nâu

Kinh nguyệt bất thường hoặc hiếm gặp hơn là ung thư nội mạc tử cung hoặc ung thư cổ tử cung

Ra máu âm đạo bất thường, đau dưới rốn

Màu đục hoặc ngả vàng

Nhiễm Lậu cầu

Ra huyết bất thường giữa 2 chu kỳ, tiểu lắt nhắt và đau dưới rốn

Có bọt, màu vàng hoặc hơi xanh kèm theo mùi hôi

Nhiễm Trichomonas

Đau và ngứa nhiều, đặc biệt khi đi tiểu

Màu hồng

Sự bong tróc của nội mạc tử cung sau sanh con (sản dịch)

 

Đặc, màu trắng như phô mai

Nhiễm nấm âm đạo

Sưng và đau âm hộ - âm đạo, ngứa và đau nhiều khi quan hệ tình dục

Màu trắng, xám hoặc vàng có mùi tanh cá

Loạn khuẩn âm đạo

Cảm giác ngứa hoặc bỏng rát, đỏ và sưng ở âm hộ - âm đạo

Làm thế nào các bác sĩ chẩn đoán ra bệnh?

Trước tiên, bác sĩ có thể sẽ hỏi 1 vài câu hỏi liên quan tới các khó chịu hiện tại của bạn và các triệu chứng đi kèm. Các câu hỏi thường là:

  • Dịch tiết bất thường bắt đầu xuất hiện từ lúc nào?
  • Dịch âm đạo có màu sắc gì khác với bình thường không?
  • Dịch tiết có mùi gì lạ không?
  • Bạn có cảm thấy bị ngứa, bỏng rát hay đau ở vùng âm hộ - âm đạo?
  • Bạn có bao nhiêu bạn tình?
  • Bạn có thói quen thụt rửa sâu vào âm đạo không?
  • Trước giờ có gặp tình trạng như thế này lần nào chưa?
  • Bạn có tự điều trị bằng thuốc nào trước khi đến khám không? Nếu có thì có sự thay đổi nào không?

Tiếp đó, bác sĩ tiến hành lấy mẫu dịch tiết âm đạo của bạn để làm xét nghiệm và đôi khi làm Phết tế bào cổ tử cung để chẩn đoán bệnh.

Điều trị như thế nào?

Việc điều trị dịch âm đạo bất thường phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên nhân gây ra tình trạng đó. Ví dụ như khi bạn nhiễm nấm, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng nấm cho bạn đặt vào âm đạo hoặc dùng dạng bôi tại chỗ. Trong khi đó, loạn khuẩn âm đạo thường được điều trị bằng kháng sinh đường uống hoặc dạng bôi tại chỗ. Nếu tác nhân gây bệnh là Trichomonas, bác sĩ điều trị cho bạn bằng Metronidazole hoặc Tinidazole.

Bên dưới đây là một số biện pháp giúp phòng tránh nhiễm trùng âm đạo:

  • Vệ sinh vùng kín bằng xà phồng nhẹ hoặc nước sạch ở bên ngoài. Không được phép thụt rửa vào bên trong âm đạo;
  • Không được sử dụng các loại xà phồng có mùi để thụt rửa bên trong âm đạo và hạn chế việc ngâm mình trong bồn tắm với xà phồng tạo bọt;
  • Sau khi đi vệ sinh, luôn lau hoặc rửa từ trước ra sau để tránh tình trạng vi khuẩn đi ngược vào âm đạo và gây nhiễm trùng;
  • Quần lót nên sử dụng loại vải 100% cotton và tránh mặc quá chật.

Xem thêm: Những điều cần biết về kích thước của ống âm đạo

Tìm hiểu về: Viêm âm đạo do vi khuẩn

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top