DUNG DỊCH SÁT KHUẨN VÀ COVID-19

Nội dung

FDA thông báo:

Vào tháng 6, Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã thu hồi một số lượng dung dịch sát khuẩn tay do có chứa methanol.

Methanol là một loại cồn độc hại, có nhiều tác dụng phụ, như buồn nôn, nôn ói hoặc đau đầu, khi sử dụng một lượng đáng kể trên da. Các hậu quả nghiêm trọng hơn, như giảm thị lực, co giật hoặc tổn thương hệ thần kinh, có thể xảy ra nếu uống methanol. Uống dung dịch sát khuẩn tay có chứa methanol, dù vô tình hay cố ý, đều có thể gây tử vong.

Nếu bạn đã mua bất kỳ loại dung dịch sát khuẩn tay nào có chứa methanol, hãy ngừng sử dụng chúng ngay lập tức. Trả lại cho cửa hàng nơi bạn đã mua, nếu có thể. Nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào do sử dụng nó, bạn cần nên tham vấn y tế. Nếu các triệu chứng của bạn đe dọa đến tính mạng, hãy gọi cấp cứu khẩn cấp ngay lập tức.

Các cuộc thử nghiệm đã xác nhận rằng hai công thức nước rửa tay được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo có thể vô hiệu hóa vi rút gây bệnh COVID-19. Kết quả của các thử nghiệm mới này đã được công bố trên tạp chí Các bệnh truyền nhiễm mới.

Trong trường hợp không có vắc xin hoặc thuốc kháng vi rút hiệu quả như hiện nay, vệ sinh tay là một trong những nỗ lực chính để ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2, loại vi rút gây ra COVID-19.

Những người nhiễm COVID-19 có thể chỉ biểu hiện một vài triệu chứng nhẹ, thậm chí không có triệu chứng, họ vẫn có thể lây truyền virus. Virus lây lan qua các giọt nhỏ trong không khí hoặc trên các bề mặt tiếp xúc, chẳng hạn như tay nắm cửa.

Rửa tay đúng cách bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây là cách hiệu quả loại trừ các vi khuẩn và vi rút gây hại. Tuy nhiên, việc rửa tay không phải lúc nào cũng thực hiện đầy đủ, đặc biệt là đối với nhân viên y tế. Nguyên nhân có thể do thiếu nguồn nước sinh hoạt ở một số nơi hay không có đủ thời gian để rửa tay kỹ lưỡng. Trong khi đó, nhân viên y tế là đối tượng nguy cơ cao nhất lây nhiễm từ nhiều nguồn khác nhau trong suốt thời gian làm việc.

Nước rửa tay có cồn là một giải pháp thay thế nhanh chóng, đơn giản. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu bằng chứng cho thấy chúng có hiệu quả chống lại SARS-CoV-2. Các hướng dẫn trước giờ cho đến nay bắt nguồn từ những nghiên cứu cho thấy rằng các chất khử trùng có khả năng làm bất hoạt các coronavirus khác.

Hai công thức của WHO

WHO đã khuyến nghị hai công thức dung dịch sát trùng chứa cồn để ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh nói chung. Giờ đây, các nhà khoa học ở Đức và Thụy Sĩ đã thử nghiệm hiệu quả của dung dịch khử trùng trên đối với SARS-CoV-2.

Công thức sát khuẩn đầu tiên bao gồm:

  • Ethanol – chiếm 80% thể tích;
  • Glycerine (còn được gọi là glycerol) - chiếm 1,45% thể tích;
  • Hydrogen peroxide (còn được gọi là nước oxy già)  - chiếm 0,125% thể tích.

Công thức sát khuẩn thứ hai bao gồm:

  • Isopropanol (hay 2-propanol hoặc isopropyl alcohol) - chiếm 75% thể tích;
  • Glycerine - chiếm 1,45% thể tích;
  • Hydrogen peroxide - chiếm 0,125% thể tích.

Các nhà nghiên cứu đã cho vi rút SARS-CoV-2 tiếp xúc với mỗi công thức trong 30 giây. Sau đó họ kiểm tra khả năng lây nhiễm của vi rút cho các tế bào trong môi trường nuôi cấy ở phòng thí nghiệm, họ nhận thấy rằng cả hai công thức đều đã bất hoạt vi rút.

Giáo sư Stephanie Pfänder, thuộc Khoa sinh học phân tử và Virus học tại Đại học Bochum, Đức, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, cho biết “Chúng tôi đã chứng minh rằng cả hai công thức do WHO khuyến nghị đều có thể làm bất hoạt vi rút sau 30 giây”.

Các kết quả của nghiên cứu này đặc biệt hữu ích vì nguồn cung cấp dung dịch sát khuẩn tay đã cạn kiệt trong suốt đại dịch coronavirus.

Nghiên cứu mới cho phép cộng đồng và các bệnh viện có thể tự sản xuất dung dịch sát khuẩn hiệu quả của riêng họ một cách nhanh chóng và dễ dàng bằng cách sử dụng các công thức của WHO.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo rằng kết luận của họ dựa trên giả định rằng dung dịch sát khuẩn tiếp xúc với virus trong ít nhất 30 giây. Điều này có thể không phải lúc nào cũng đúng trong thực tế. Trong lời khuyên dành cho công chúng về vệ sinh tay, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đề xuất rằng việc vệ sinh tay bằng gel nên mất khoảng 20 giây.

dung dịch sát khuẩn

Thành phần hoạt tính

Các nhà khoa học cũng thử nghiệm 2 thành phần chính trong mỗi công thức được WHO khuyến nghị là ethanol và isopropanol ở các nồng độ khác nhau. Kết quả của họ cho thấy rằng ethanol hoặc isopropanol ở nồng độ ít nhất 30% là đủ để bất hoạt SARS-CoV-2.

Để so sánh, CDC khuyến nghị rằng nước rửa tay chứa ít nhất 60% cồn. Nước rửa tay bán ở các hiệu thuốc và cửa hàng thường có nồng độ cồn khoảng 60%.

Tuy nhiên, dung dịch sát khuẩn tay tự chế được làm thủ công, thiếu trang thiết bị cần thiết và không đảm bảo chất lượng, có thể không chứa nồng độ cồn đủ cao để vô hiệu hóa SARS-CoV-2. Ví dụ, cồn tẩy rửa nguyên chất và rượu vodka có nồng độ cồn tương ứng là khoảng 70% và 40%. Theo FDA, rượu vodka không thích hợp để làm dung dịch sát khuẩn tay, vì nó không phải là loại cồn phù hợp.

Ngoài ra, việc sử dụng cồn tẩy rửa nhiều lần trên tay có thể làm da mất nước, gây viêm và kích ứng.

return to top