✴️ Điều trị bệnh tuyến giáp bằng iode (i-ốt) phóng xạ: Một số điều lưu ý

Vai trò của Iode đối với tuyến giáp

Iode là nguyên liệu thiết yếu để tổng hợp hormon tuyến giáp. Mỗi ngày một người bình thường cần được cung cấp từ 150 – 300μg Iode. Tuyến giáp có khả năng bắt giữ và di chuyển các nguyên tử Iode vào tế bào để sử dụng cho việc tổng hợp hormon. Chính vì thế khi bị cường giáp, Iode sẽ tập trung nhanh và nhiều hơn tại tuyến giáp.

Iode phóng xạ là gì?

Từ Iode bình thường có thể sử dụng các máy gia tốc để chế biến thành 2 loại Iode có khả năng giải phóng các tia phóng xạ (radiation) được sử dụng cho mục đích y khoa: I-123 (vô hại với tế bào tuyến giáp, thường dùng để chẩn đoán) và I-131 (có thể phá hủy tế bào tuyến giáp, được sử dụng cho cả chẩn đoán và điều trị). Có thể sử dụng Iode phóng xạ an toàn cho những người có dị ứng với hải sản hoặc chất cản quang có chứa Iode vì thực ra người bệnh phản ứng với hợp chất chứa Iode chứ không phải Iode.

Iod phóng xa là một trong những phương pháp điều trị u ác tuyến giáp

Iode phóng xạ được sử dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh tuyến giáp như thế nào?

Xạ hình tuyến giáp

Sau khi cho uống (I-131) hoặc tiêm (I-123), Iode sẽ tập trung về tuyến giáp làm hiện hình tuyến giáp, được phát hiện qua một đầu ghi. Ngoài ra, Iode tập trung về tuyến giáp nhiều hay ít cũng còn phản ánh tuyến giáp hoạt động mạnh hay yếu. Do I-123 có thời gian bán hủy ngắn hơn nên an toàn hơn và được ưa dùng trong xạ hình tuyến giáp, kể cả cho phụ nữ đang nuôi con nhỏ. I-123 còn có ưu điểm khác là hoàn toàn không gây hại cho cơ thể và không cần lưu ý gì đặc biệt sau khi làm xạ hình tuyến giáp.

Xạ hình tuyến giáp thường được chỉ định trong chẩn đoán các bệnh bướu nhân tuyến giáp, chẩn đoán mô giáp còn sót lại sau phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp  hoặc để chuẩn bị cho điều trị cường giáp…

Điều trị bệnh tuyến giáp

I-131 được sử dụng để diệt bớt mô tuyến giáp đang hoạt động quá mạnh (cường giáp) hoặc làm giảm kích thước tuyến giáp quá to. Những bệnh nhân (BN) này phải tuân thủ một số yêu cầu về an toàn phóng xạ. Lưu ý là có thể phải mất đến vài tháng thì phương pháp này mới đạt được hiệu quả.

Trong bệnh ung thư tuyến giáp, I-131 liều cao được sử dụng để diệt hết các tế bào tuyến giáp còn sót lại sau mổ. Do dùng liều cao nên các BN sẽ phải cách ly trong khoảng 24h tại bệnh viện để tránh ảnh hưởng đến người khác, đặc biệt là những trẻ em sống trong cùng gia đình; Thường thì sẽ bị viêm tuyến nước bọt do nằm gần tuyến giáp, với các biểu hiện như đau, sưng… để giảm thiểu thì nên uống nhiều nước hoặc phòng bằng súc miệng nước chanh.

Trong bệnh ung thư tuyến giáp, I-131 liều cao được sử dụng để diệt hết các tế bào tuyến giáp còn sót lại sau mổ

Phòng ngừa biến chứng khi điều trị bằng Iode phóng xạ I-131

Vì I-131 có khả năng phóng xạ nên các BN cần cố gắng để tránh tiếp xúc tia xạ với người khác, đặc biệt là phụ nữ có thai và trẻ nhỏ. Lượng tia xạ phơi nhiễm sẽ giảm đáng kể nếu khoảng cách từ BN đến người khác tăng lên.

Các BN phải di chuyển bằng máy bay ngay sau khi uống I-131 nên mang theo thông báo của bác sĩ vì hệ thống cảnh báo phóng xạ ở các sân bay có thể phát hiện tia xạ từ cơ thể bạn (dù nó ở mức an toàn) và nhân viên an ninh có thể ngăn không cho bạn nên máy bay. Những BN phải điều trị I-131 liều cao (Basedow, ung thư tuyến giáp…) cần phải ở trong phòng cách ly 3 – 7 ngày và chỉ có thể về nhà khi đã được đánh giá là an toàn.

Điều trị bệnh tuyến giáp bằng I-131 có thể có nguy cơ gì về lâu dài?

Nhìn chung, điều trị I-131 là phương pháp an toàn và có hiệu quả cao. Tuy có sự lo ngại nhưng các nghiên cứu theo dõi trong thời gian dài không thấy có hậu quả nghiêm trọng. Nguy cơ gây ung thư tuyến giáp và các nguy cơ khác vẫn còn sự tranh cãi và nếu có thì là rất thấp.

Tuy nhiên các BN điều trị I-131 cần phải đi khám bệnh thường xuyên để phát hiện sớm các biến chứng, bao gồm cả ung thư. Biến chứng phổ biến nhất là suy giáp nhưng may mắn là rất dễ điều trị. Các biến chứng khác có thể gặp như khô miệng và mất vị giác do tuyến nước bọt bị phá hủy.

Các lưu ý đặc biệt

– Cho phụ nữ

  • Không bao giờ được dùng Iode phóng xạ, dù là I-123 hay I-131 để chẩn đoán hay điều trị cho các phụ nữ có thai.
  • Những phụ nữ muốn có con phải đợi ít nhất 6-12 tháng sau điều trị I-131, vì buồng trứng cũng có nguy cơ tiếp xúc với phóng xạ.
  • Cho đến nay không có bằng chứng nào về việc điều trị Iode phóng xạ có thể gây vô sinh, nhưng nó có thể gây mãn kinh sớm.

– Cho nam giới

Các bệnh nhân nam được điều trị Iode phóng xạ có thể bị giảm số lượng tinh trùng và bị vô sinh tạm thời trong khoảng 2 năm. Vì thế các BN phải điều trị Iode phóng xạ nhiều đợt (ví dụ ung thư tuyến giáp) thì nên gửi tinh trùng vào ngân hàng tinh trùng.

Bệnh nhân nam phải điều trị Iode phóng xạ nhiều đợt nên gửi tinh trùng vào ngân hàng tinh trùng

Bảng hướng dẫn thời gian cách ly sau điều trị I-131

Sau điều trị bằng Iode phóng xạ, bệnh nhân cần lưu ý:

  • Nghỉ làm
  • Hạn chế xuất hiện ở nơi công cộng
  • Không nên đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng
  • Duy trì khoảng cách an toàn với người khác > 1m
  • Uống nhiều nước
  • Xả toa lét 2 – 3 lần sau khi đi đại, tiểu tiện
  • Ngủ ở giường cách ly, cách giường khác > 2m
  • Tránh tiếp xúc lâu với trẻ em và phụ nữ có thai

(* Thời gian cụ thể tùy thuộc liều I-131)

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top