KHẢO SÁT THỰC TRẠNG HÚT THUỐC LÁ CỦA NHÂN VIÊN Y TẾ TẠI BỆNH VIỆN NGUYỄN TRI PHƯƠNG – THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM 2018

Nội dung

ĐẶT VẤN ĐỀ:

Thống kê của WHO năm 2002 cho thấy tại Việt Nam 56,1% nam và 1,8% nữ hút thuốc lá . Các động thái như cảnh báo tác hại; cấm quảng cáo; cấm hút thuốc lá nơi công cộng nhằm giảm nhẹ tác hại thuốc lá đã được triển khai mạnh mẽ. Tuy nhiên thực tế cho thấy chỉ các động thái trên chưa đủ giúp giải quyết tình hình. Nghiên cứu thực trạng hút thuốc lá trên 440 bệnh nhân Khoa hô hấp – Bệnh viện Chợ Rẫy – cho thấy 19% bệnh nhân nam; 1,1% nữ vẫn tiếp tục hút thuốc lá dù rằng 86% trong số họ đã biết đến tác hại của thuốc lá qua các kênh thông tin đại chúng .

Mô hình “Bệnh viện không thuốc lá” nhấn mạnh đến vai trò của cơ sở và nhân viên y tế trong phòng chống tác hại thuốc lá. Trong mô hình này thực trạng hút thuốc lá của nhân viên y tế – bao gồm kiến thức, thái độ, hành vi của họ đối với vấn nạn hút thuốc lá có ảnh hưởng sâu sắc tình hình hút thuốc lá trong cộng đồng.

Nhân viên y tế đóng vai trò quan trọng trong việc nêu gương, nhắc nhở và huớng dẫn bỏ thuốc lá. Theo thống kê của Sở Y Tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2015 và 2016, tình hình có bệnh nhân và cả nhân viên y tế hút thuốc lá vẫn còn tìm thấy ở các bệnh viện trong thành phố. Điều này cho thấy cai thuốc lá hoàn toàn không đơn giản, kể cả khi đã có những kiến thức về tác hại của thuốc lá.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương là một trong những Bệnh viện loại I của thành phố, hơn 10 năm đã có mô hình Bệnh viện không thuốc lá và thực hiện truyền thông chống hút thuốc lá trong Bệnh viện. Tại Bệnh viện có câu lạc bộ bệnh nhân bị bệnh phổi mạn tính (COPD), bệnh nhân bị bệnh hen, qua hoạt động của các câu lạc bộ cũng như hoạt động tuyên truyền trong Bệnh viện đã và đang đưa ra nhiều thông điệp quyết liệt về chống thuốc lá trong cộng đồng. Tuy nhiên, sự thay đổi vẫn còn chậm và nhiều khó khăn.

Chúng tôi thực hiện nghiên cứu này tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương nhằm góp phần đánh giá ý thức về phòng chóng thuốc lá, đồng thời tìm kiếm những khó khăn trong việc bỏ thuốc lá nhằm có cơ hội tiếp cận và giúp đỡ nhân viên muốn cai nghiện thuốc lá, từ đó đẩy mạnh phong trào không khói thuốc trong Bệnh viện .

KẾT LUẬN

Thực trạng hút thuốc lá của nhân viên y tế tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương – thành phố Hồ Chí Minh năm 2018 là:

  • Khoảng 60% biết rõ thành phần và tác hại của thuốc lá, 20% biết đến các biện pháp hỗ trợ cai thuốc lá do WHO khuyến cáo.
  • Trên 70% tự tin hoàn toàn có thể giải thích tác hại thuốc lá, hỗ trợ bệnh nhân cai thuốc lá và thói quen hỏi bệnh nhân có hút thuốc không hầu như luôn được áp dụng
  • 14,6% nam 4,3% nữ hút thuốc lá, trong đó 45,2% hút ngay trong môi trường bệnh viện. Hơn 50% luôn khuyên cai thuốc lá tuy nhiên chỉ 25,2% bác sỹ luôn tư vấn các biện pháp hỗ trợ cai thuốc lá cho bệnh nhân.

KIẾN NGHỊ

Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tác hại thuốc lá trong bệnh viện

Nâng cao kiến thức của nhân viên y tế trong công tác phòng, chống thuốc lá

Thường xuyên có những buổi tư vấn kiến thức cai thuốc lá cho nhân viên y tế trong bệnh viện

Phát huy mạnh hơn vai trò của truyền thông (T3G) trong bệnh viện

Có hình thức tăng cuờng chiếu các tài liệu về tác hại thuốc lá thông qua các bảng điện tử, ti vi trong bệnh viện

Cần có biện pháp khuyến khích nhân viên mạnh dạn tham gia các chương trình tư vấn cai nghiện thuốc lá

Cần có các biện pháp đưa các tấm guơng cai thuốc lá thành công có thể nhân rộng trong tập thể nhân viên y tế và các câu lạc bộ bệnh nhân, từ đó có chia sẻ kinh nghiệm cai thuốc lá thành công nhắm khích lệ nâng cao tỷ lệ bỏ hút thuốc.

 

Phòng Quản Lý Chất Lượng đã xin ý kiến trước khi đăng tải

return to top