✴️ Tìm hiểu về những cách điều trị sỏi tiết niệu hiệu quả hiện nay

Nội dung

Bệnh lý sỏi tiết niệu rất phổ biến tại nước ta. Có nhiều cách điều trị sỏi tiết niệu và việc chỉ định phương pháp nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước, vị trí sỏi cũng như thể trạng của người bệnh,…

 

1. Tìm hiểu về bệnh sỏi tiết niệu, bệnh sỏi tiết niệu có nguy hiểm không?

Những lắng cặn trong nước tiểu kết tinh lâu dần tạo thành sỏi trong đường tiết niệu. Sỏi có thể hình thành ở bất cứ cơ quan nào của hệ tiết niệu. Đa số sỏi được hình thành tại thận. Sỏi từ thận di chuyển xuống các cơ quan của hệ tiết niệu dưới theo đường nước tiểu tạo thành sỏi bàng quang, sỏi niệu quản, sỏi niệu đạo.

Nguyên nhân phần lớn gây ra sỏi tiết niệu đến từ chế độ ăn uống và sinh hoạt không khoa học. Khi mới hình thành, sỏi nhỏ sẽ không gây ra triệu chứng hay bất thường gì cho sức khỏe. Nếu để lâu, sỏi có kích thước lớn, bề mặt góc cạnh sẽ gây ra những triệu chứng khó chịu. Không chỉ thế, sỏi tiết niệu còn gây ra những biến chứng nguy hiểm. Các biến chứng do sỏi tiết niệu gây ra có thể kể đến như: Viêm nhiễm đường tiểu, viêm bàng quang, viêm thận, giãn đài bể thận, suy thận… Nhiều trường hợp đã phải cắt bỏ thận do sỏi quá to gây vô niệu.

cách điều trị sỏi tiết niệu

Bệnh sỏi tiết niệu xảy ra khá phổ biến tại nước ta, với gần 20% dân số mắc phải

 

2. Những cách điều trị sỏi tiết niệu hiệu quả hiện nay

2.1. Cách điều trị sỏi tiết niệu bằng thuốc uống nội khoa

Để áp dụng được cách điều trị này người bệnh sỏi tiết niệu phải đảm bảo các yêu cầu:

– Sỏi tiết niệu kích thước nhỏ (nhỏ hơn 5mm), chưa gây ra các biến chứng.

– Sỏi có tính chất dễ vỡ, sỏi nằm ở các vị trí dễ đào thải.

– Người bệnh không có bất thường về hệ tiết niệu như hẹp niệu quản, niệu đạo.

Những trường hợp trên sau khi thăm khám sẽ được chỉ định sử dụng thuốc để loại bỏ sỏi. Các loại thuốc dùng trong điều trị nội khoa sỏi tiết niệu bao gồm thuốc tan sỏi, thuốc bào mòn sỏi. Đồng thời người bệnh cũng được kê các loại thuốc chống viêm, giảm đau, giãn cơ trơn…

Việc điều trị sỏi tiết niệu bằng phương pháp nội khoa cần kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp. Đặc biệt, người bệnh phải tăng cường uống nước để giúp đào thải sỏi ra ngoài dễ dàng hơn.

Điều trị sỏi nội khoa, người bệnh cần tuân thủ lịch tái khám chặt chẽ. Mục đích để thăm khám theo dõi xem sỏi đã đào thải hết chưa. Đồng thời tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn uống và sinh hoạt để phòng ngừa sự tái phát của sỏi.

cách điều trị sỏi tiết niệu nội khoa

Cách điều trị sỏi tiết niệu nội khoa áp dụng cho sỏi nhỏ, chưa có biến chứng

 

2.2. Cách điều trị sỏi tiết niệu bằng những can thiệp ngoại khoa loại bỏ sỏi

2.2.1. Tán sỏi ngoài cơ thể loại bỏ sỏi tiết niệu hiệu quả, không mổ

Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể điều trị sỏi tiết niệu nhẹ nhàng và vô cùng êm ái.

Tán sỏi ngoài cơ thể điều trị sỏi thận nhỏ hơn 15mm, điều trị sỏi niệu quản đoạn 1.3 trên kích thước nhỏ hơn 10mm. Sóng xung kích từ máy tán sỏi được phát tập trung vào vị trí có sỏi. Sóng tác động vào viên sỏi khiến sỏi vỡ ra thành nhiều mảnh.

Phương pháp này hoàn toàn không can thiệp vào cơ thể bệnh nhân. Không mổ nên người bệnh không bị đau, tránh được các biến chứng. Thời gian thực hiện tán sỏi cũng rất nhanh, chỉ khoảng 30 đến 50 phút tùy mức độ sỏi. Trong suốt thời gian tán sỏi, người bệnh tỉnh táo, thoải mái thả lỏng cơ thể. Sau tán sỏi người bệnh hoàn toàn không phải nằm viện. Do đó tiết kiệm chi phí và thời gian nghỉ dưỡng.

2.2.2. Tán sỏi qua da điều trị hiệu quả sỏi tiết niệu to, nằm ở vị trí khó

Phương pháp tán sỏi qua da đường hầm nhỏ bằng laser được cho là cuộc cách mạng trong điều trị sỏi tiết niệu. Bởi phương pháp này có thể loại bỏ sỏi tối đa, điều trị được nhiều loại sỏi phức tạp như sỏi san hô, sỏi nằm ở vị trí khó. Không chỉ vậy, tán sỏi qua da còn loại bỏ được sỏi có kích thước lớn, phối hợp nhiều viên.

Để tiến hành tán sỏi, bác sĩ tạo một đường hầm nhỏ có đường kính 5mm đế 1cm từ da phần lưng vào bên trong tiếp cận vị trí sỏi cần tán. Sau đó các dụng cụ nội soi tán sỏi được đưa vào cơ thể theo đường hầm nhỏ. Sỏi được tán vỡ dưới tác động của tia laser. Những mảnh sỏi to được bác sĩ gắp ra ngoài theo đường hầm nhỏ bằng dụng cụ chuyên biệt. Mảnh vụn sỏi nhỏ sẽ được đào thải qua đường tiểu.

Tán sỏi qua da là phương pháp tán sỏi xâm lấn tối thiểu mà hiệu quả điều trị rất cao. Quá trình tán sỏi người bệnh được gây tê tủy sống nên không đau. Sau tán sỏi đau rất ít, không chảy máu, ít biến chứng.

2.2.3. Tán sỏi nội soi ngược dòng loại bỏ sỏi tiết niệu hiệu quả, không mổ

Tán sỏi nội soi ngược dòng áp dụng tán sỏi bàng quang nhiều kích thước, tán sỏi niệu quản đoạn ⅓ giữa và đoạn ⅓ dưới.

Tiến hành tán sỏi, bác sĩ đưa ống nội soi theo đường tự nhiên lên bàng quang và niệu quản. Thiết bị tán sỏi tiếp cận viên sỏi và tán vỡ bằng năng lượng laser. Sau đó sỏi sẽ được bác sĩ dùng rọ bắt sỏi đưa ra ngoài. Mảnh sỏi quá nhỏ sẽ được đào thải qua đường nước tiểu.

Ngoài những phương pháp tán sỏi công nghệ cao, loại bỏ sỏi từ lâu có phương pháp mổ mở. Tuy nhiên, hiện nay phương pháp này ít được áp dụng do những nhược điểm mà nó gây ra.

 

3. Phòng ngừa bệnh sỏi tiết niệu tận gốc bằng phòng ngừa từ sớm

Nguyên nhân chính sỏi tiết niệu hình thành do chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh. Do đó để phòng ngừa căn bệnh này, thay đổi chế độ ăn uống và lối sống là cách đơn giản mà hữu hiệu.

– Những người từng mắc sỏi tiết niệu hạn chế dùng thực phẩm chức năng bổ sung canxi.

– Ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi để bổ sung vitamin và chất xơ

– Bổ sung nước ép cam, nước chanh cũng rất tốt để phòng sỏi tái phát.

– Từ bỏ thói quen nhịn tiểu.

– Thực hành uống nước ngay cả khi không thấy khát.

– Có lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học và tập luyện đều đặn.

– Khám sức khỏe định kỳ hệ tiết niệu để kịp thời phát hiện bất thường.

Cách điều trị sỏi tiết niệu hiện nay đa dạng và có hiệu quả rất cao. Người bệnh nên lựa chọn những cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị để mang lại kết quả tốt nhất.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top