✴️ Khó thở là bệnh gì?

Những nguyên nhân gây khó thở

Hen suyễn là một bệnh có thể cấp tính hoặc mạn tính, gặp ở mọi lứa tuổi. Hen suyễn thường thuộc bệnh dị ứng và kèm theo viêm phế quản. Khó thở trong hen suyễn thường khó thở ra. Khi lên cơn khó thở có kèm theo tiếng rít (do co thắt phế quản) và xuất tiết đường hô hấp gây ho, có đờm.

Bệnh xảy ra quanh năm nhưng mỗi khi thời tiết thay đổi hoặc gặp yếu tố thuận lợi (dị ứng nguyên) thì cơn hen xuất hiện. Hen suyễn cũng dễ nhầm lẫn với đợt cấp của bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, bởi vì bệnh này khi lên cơn cấp tính cũng gây khó thở, khò khè, ho. Ho có đàm đặc, màu vàng, xanh, ho thường trên 3 tháng/năm.

Bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính lúc đầu chỉ khó thở nhẹ nhưng càng ngày càng nặng, môi tím, mệt mỏi. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi và có tiền sử nghiện thuốc lá, thuốc lào.

Trong bệnh giãn phế quản cũng làm cho người bệnh khó thở, đặc biệt là khó thở do tràn khí màng phổi do bệnh giãn phế quản. Khó thở khi hít vào và thường xảy ra sau một cơn đau ngực dữ dội, mặt xanh, trán vã nhiều mồ hôi.

Bệnh viêm phế quản – phổi cũng gây khó thở, xảy ra một cách từ từ, kèm theo thường là sốt cao. Bệnh hay gặp ở trẻ em (nhất là trẻ còi xương suy dinh dưỡng), người có tuổi và người suy giảm miễn dịch (người mắc bệnh AIDS).

Khó thở cũng gặp ở những người bệnh khí phế thũng, tâm phế mạn. Trong các bệnh này người bệnh khó thở gần như thường xuyên, môi tím (do thiếu dưỡng khí), mệt mỏi…

Cho bệnh nhân thở ô-xy

Dị vật đường thở là một bệnh gây khó thở vào điển hình do không khí khó hoặc rất khó vào phổi vì tắc nghẽn do dị vật. Khó thở do dị vật có thể gặp trong bệnh bạch hầu thanh quản (đây là bệnh bạch hầu ác tính do vi khuẩn Corynebacterium diphterie gây ra). Trong bệnh này do giả mạc phủ kín, đầy niêm mạc thanh quản và khí quản kèm theo phù nề gây khó thở cấp tính phải cấp cứu ngay.

Bệnh lao phổi mạn tính cũng gây khó thở nhất là bệnh lao hang, lao kê hoặc tràn dịch màng phổi do lao (tràn dịch màng phổi có nhiều nguyên nhân đều gây khó thở, trong đó có tràn dịch do lao).

Một số bệnh của phổi như ung thư phổi hoặc áp xe phổi cũng gây khó thở, đôi khi gây khó thở dữ dội.

Khó thở cũng có thể gặp ở bệnh nhân xơ gan cổ trướng do dịch trong ổ bụng nhiều ngăn cản di động của cơ hoành hoặc bệnh suy tim giai đoạn cuối cũng làm cho gan ứ máu, to ra đẩy cơ hoành lên làm cản trở di động của cơ hoành gây khó thở.

Khó thở cũng gặp ở bệnh nhân phù phổi cấp do bệnh của tim như hẹp, hở van tim, van động mạch chủ, tăng huyết áp tim trái…

Ngoài ra, người ta thống kê cho thấy một số bệnh như đau dây thần kinh liên sườn, chấn thương lồng ngực, bệnh đường hô hấp trên như viêm amidan, viêm thanh quản hoặc bệnh rối loạn cảm xúc (trầm cảm, lo lắng…) hoặc do urê máu cao, toan máu cũng có khả năng gây khó thở.

Khi khó thở nên làm gì?

Khó thở có thể là cấp tính, có thể là mạn tính. Trong các trường hợp cấp tính như dị vật đường thở, hen suyễn cấp tính, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tràn khí màng phổi… cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, nếu chần chừ có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. 

Nếu khó thở nhẹ, xảy ra từ từ thì cần đưa người bệnh đến khám ở các cơ sở y tế càng sớm càng tốt, đặc biệt là các cơ sở y tế chuyên khoa (chuyên khoa tim mạch, hô hấp, tai mũi họng…). 

Sau khi khám bệnh cần làm gì?

Sau khi khám bệnh, người bệnh nên thực hiện theo đơn thuốc của bác sĩ và các tư vấn kèm theo. Không nên tự mua thuốc để điều trị, bất luận là thuốc Tây y hay thuốc Đông y hoặc thuốc Nam bởi vì làm như vậy không những bệnh không khỏi mà đôi khi còn làm bệnh nặng thêm, hoặc nguy hiểm thêm, chưa nói đến tốn kém về mặt kinh tế.

Cần đi khám bệnh định kỳ theo lời dặn của bác sĩ để được kiểm soát và khống chế bệnh tốt hơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top