✴️ Đau dạ dày nên siêu âm hay nội soi?

Nên chọn siêu âm dạ dày hay nội soi

Siêu âm dạ dày là phương pháp thăm khám cận lâm sàng, được dùng để phát hiện các điểm bất thường trong vùng bụng. Với cách thăm khám này, các bác sĩ sẽ sử dụng máy siêu âm và các thiết bị hỗ trợ nhằm phát hiện ra những vấn đề không bình thường xảy ra ở vùng bụng của bệnh nhân.

Khác với siêu âm, nội soi dạ dày là phương pháp chẩn đoán xâm lấn. Bằng việc sử dụng ống nội soi có gắn đầu camera để luồn sâu vào trong dạ dày, các bác sĩ có thể quan sát trực tiếp lớp niêm mạc dạ dày. Từ đó, có thể đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác nhất về bệnh lý mà bệnh nhân đang gặp phải.

Đối với người nghi ngờ bị đau dạ dày, việc sử dụng phương pháp nội soi sẽ mang lại kết quả tối ưu nhất. Nội soi cho chúng ta nhìn thấy hình ảnh rõ nét của dạ dày và dễ dàng phát hiện các tổn thương bề mặt bất thường, đây là điều mà phương pháp siêu âm không thể thấy được.

Nội soi là phương pháp chẩn đoán bệnh đau dạ dày chính xác nhất

Tại sao chọn phương pháp nội soi khi bị đau dạ dày là chính xác nhất?

Thế nào là nội soi dạ dày?

Nội soi dạ dày là một phương thức thăm khám trực tiếp phần trên của ống tiêu hóa (bao gồm thực quản, dạ dày và tá tràng) nhờ vào một ống soi mềm nhỏ. Nhờ quan sát hình ảnh qua máy nội soi, bác sĩ có thể biết được những bất thường đang xảy ra bên trong ống tiêu hóa, từ đó có được chẩn đoán và phương pháp điều trị thích hợp, hiệu quả nhất.

Đối tượng cần nội soi dạ dày

Nội soi là phương pháp hiệu quả trong khám chữa bệnh. Tuy nhiên, không phải bất kỳ trường hợp nào chúng ta cũng nên dùng nội soi để kiểm tra. Tùy vào mục đích và tình trạng của người bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định có nên nội soi hay không.

Qua quá trình nội soi, các bác sĩ có thể phát hiện những tổn thương nhỏ chỉ vài milimet trong dạ dày và có thể xét nghiệm tìm vi khuẩn HP gây bệnh hoặc sinh thiết để tìm ung thư. Nội soi dạ dày cũng được áp dụng để theo dõi quá trình điều trị các tổn thương, nhiễm khuẩn, viêm loét hay chảy máu dạ dày. 

Người bệnh nếu thấy những triệu chứng bất ổn về đường tiêu hóa thì nên tiến hành nội soi dạ dày như:

  • Nuốt đau, nuốt nghẹn, khó nuốt hoặc nuốt vướng;
  • Nóng rát thượng vị, có thể nôn ra máu;
  • Đau thượng vị, đau sau xương ức, thường xuyên nôn ói khi đánh răng;
  • Thường xuyên ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, đầy bụng, ăn không tiêu, thiếu máu, thiếu sắt;
  • Ho, viêm họng kéo dài, cảm giác vướng víu ở cổ họng;
  • Sụt cân, người gầy yếu không rõ nguyên nhân;
  • Sinh hoạt chung với người đã nhiễm vi khuẩn HP;
  • Buồn nôn, nôn sau khi ăn hoặc khi làm việc nặng;
  • Đi đại tiện ra phân đen.

Các phương pháp nội soi dạ dày

Nội soi dạ dày qua đường miệng

Nội soi dạ dày qua đường miệng là phương thức nội soi truyền thống, nhờ vào một ống soi mềm nhỏ đường kính khoảng 1 cm đưa vào qua đường miệng, thanh quản và tiếp cận đến bên trong dạ dày để tiến hành quan sát niêm mạc, bề mặt dạ dày.

Người bệnh sẽ được xịt thuốc tê nhẹ vào khoang miệng trước khi đưa ống nội soi vào. Thuốc tê sẽ làm giảm cảm giác khó chịu do ống nội soi kích thích vào miệng và họng. Ống nội soi mềm khi xuống tới dạ dày của người bệnh, bác sĩ có thể theo dõi và đưa ra các chẩn đoán thông qua hình ảnh từ camera được truyền tải về màn hình. Kết thúc nội soi, ống soi sẽ được nhẹ nhàng rút ra khỏi miệng của bệnh nhân.

Phương pháp này cho độ chính xác cao, giá thành thấp lại dễ thực hiện. Tuy nhiên, do ống mềm có kích thích lớn, khi đi qua đường miệng vào lưỡi gà, vòm khẩu cái, đáy lưỡi dễ làm bệnh nhân buồn nôn, có cảm giác sợ hãi khi nội soi. Để làm giảm các triệu chứng trên, người bệnh nên hít thở thật sâu và chậm rãi.

Nội soi dạ dày qua đường mũi

Là phương pháp dùng một ống nội soi rất nhỏ, luồn qua đường mũi đã được gây tê, qua họng rồi lần lượt dẫn xuống các cơ quan như thực quản, dạ dày, hành tá tràng, tá tràng để quan sát bề mặt niêm mạc của ống tiêu hóa trên. Người bệnh được yêu cầu nuốt nhẹ xuống và các bác sĩ sẽ di chuyển ống soi xuống dạ dày. Tại đây, camera được gắn trên đầu ống soi sẽ truyền hình ảnh tới màn hình để bác sĩ có thể dễ dàng quan sát và đưa ra các chẩn đoán nếu phát hiện có bất thường..

Phương pháp này được đánh giá cao về tính an toàn và hiệu quả. Do ống nội soi nhỏ, đi qua đường mũi nên ít gây kích thích vào lưỡi gà, vòm khẩu cái, đáy lưỡi nên ít gây đau và làm giảm phản xạ nôn ói và cũng không cần gây mê nên ít gây thay đổi về tâm lý, huyết áp cũng như nhịp tim của người bệnh.

Siêu âm dạ dày

Nội soi dạ dày gây mê là phương pháp an toàn và hiệu quả trong chẩn đoán bệnh dạ dày

Nội soi dạ dày gây mê

Phương pháp nội soi dạ dày không đau (gây mê) là thủ thuật thực hiện đưa ống nội soi qua đường miệng, khi bệnh nhân đã được gây mê. Ưu điểm của phương pháp là bệnh nhân sẽ không cảm thấy buồn nôn, khó chịu hay tránh được tình trạng sợ hãi.

Người bệnh sẽ được gây mê ngắn từ 10-15 phút. Người bệnh hoàn toàn không có cảm giác khó chịu, thời gian tỉnh mê hoàn toàn khoảng 1-2 tiếng sau nội soi. Sau tỉnh, bệnh nhân sẽ được bác sĩ thăm khám, hỏi thăm, thông báo về tình trạng của bản thân và có những lời khuyên sau nội soi.

Kết quả nội soi dạ dày

Thông thường bác sĩ sẽ trả hình ảnh kết quả ngay sau khi nội soi. Trường hợp có lấy mẫu để chẩn đoán nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori hay H. pylori) kết quả sẽ được trả 1-2 giờ sau đó. Kết quả sinh thiết tế bào để chẩn đoán ung thư thường có trong vòng 1 tuần. Bệnh nhân có thể chủ động hỏi bác sĩ về thời gian nhận kết quả nội soi và sinh thiết của mình. 

Lưu ý trước và sau khi nội soi dạ dày

Trước và sau khi nội soi bệnh nhân cần lưu ý những điều sau:

  • Nhịn ăn trong vòng 6 – 8 giờ trước khi đi nội soi dạ dày. Bạn có thể đi nội soi vào buổi sáng, khi chưa ăn sáng. Việc nhịn ăn này là để ngăn ngừa tình trạng nôn, sặc, và giúp bác sĩ quan sát rõ vùng niêm mạc dạ dày;
  • Trước khi nội soi, không uống các loại nước có màu như: cà phê, sữa, nước cam, nước uống có gas… Bạn có thể uống nước lọc nhưng với một lượng ít, không uống đầy bụng;
  • Không hút thuốc để giúp bác sĩ dễ quan sát, soi rõ được tổn thương;
  • Không sử dụng các thuốc tráng bao tử (như Phosphalugel, thường gọi là gói thuốc chữ P,…) hoặc thuốc viên than hoạt trước khi nội soi;
  • Nếu bản thân có dị ứng với các loại thuốc tê, thuốc gây mê, băng dính thì cần báo với bác sĩ trước khi tiến hành nội soi dạ dày;
  • Khi đi nội soi dạ dày, đặc biệt là nội soi có gây mê, nên có người thân đi cùng để hỗ trợ sau khi nội soi. Với nội soi gây mê, sẽ cần một khoảng thời gian để tỉnh táo trở lại và thuốc mê hết tác dụng hoàn toàn (thường là khoảng 1 giờ). Vì vậy, tốt nhất là nên có người nhà đi cùng và đưa về;
  • Người bệnh có thể cảm thấy: đau rát họng, khó nuốt, đau bụng, chướng bụng nhẹ, tình trạng này sẽ nhanh chóng biến mất sau vài giờ;
  • Khoảng 2 giờ sau khi nội soi, bệnh nhân có thể dùng các món ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, món hầm nhừ. Có thể dùng sữa nguội, nhưng không nên uống sữa nóng có thể làm tổn thương dạ dày.

Cần trao đổi kỹ càng với bác sỹ về bệnh sử trước khi nội soi dạ dày

Tại sao khi đau dạ dày không nên lựa chọn phương pháp siêu âm?

Siêu âm dạ dày là gì?

Siêu âm dạ dày là phương pháp thăm khám cận lâm sàng, được dùng để phát hiện được các điểm bất thường trong vùng bụng. Với cách thăm khám này, các bác sĩ sẽ sử dụng máy siêu âm và các thiết bị hỗ trợ nhằm phát hiện ra những vấn đề không bình thường xảy ra ở vùng bụng của bệnh nhân.

Nhược điểm của siêu âm dạ dày

So với các phương pháp chẩn đoán khác, siêu âm được xem là tiện dụng, không gây đau đớn, khá dễ thực hiện. Tuy nhiên, phương pháp siêu âm thường không được chỉ định để chẩn đoán các bệnh về dạ dày. Bởi lẽ, nó không thể giúp các bác sĩ quan sát được trực tiếp niêm mạc dạ dày, không thể lấy mẫu bệnh phẩm để tiến hành thí nghiệm.

Ngoài ra, siêu âm chỉ sử dụng các bước sóng nên hình ảnh thu được khá khó quan sát và không thật sự rõ nét. Đối với những bệnh nhân bị nặng, hoặc có cân nặng lớn, việc quan sát các mức độ tổn thương, những vết viêm loét không được rõ ràng vì các mô mỡ gây cản trở nhiều. Do đó, khi siêu âm, bác sĩ rất khó xác định chính xác các tổn thương.

Đối tượng nên siêu âm dạ dày

Siêu âm dạ dày được các bác sĩ chỉ định cho một số trường hợp như:

  • Người có các biểu hiện bệnh lý về đường tiêu hóa, cần phải được xem xét kỹ lưỡng
  • Những người không thể thực hiện được phương pháp nội soi
  • Bệnh nhân bị giãn dạ dày cấp tính, sa dạ dày cấp tính
  • Cần kiểm tra các khối polyp dạ dày, khối u trong dạ dày
  • Bệnh nhân bị rối loạn chức năng dạ dày
  • Người bị các dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa như hẹp môn vị phì đại bẩm sinh, dị tật đường tiêu hóa
  • Các trường hợp có dấu hiệu viêm thực quản và dạ dày nặng.
  • Những người xuất hiện dị vật trong dạ dày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top
Close menu