✴️ Nội soi dạ dày, tá tràng: 7 điều quan trọng cần biết

Nội dung

Nội soi dạ dày, tá tràng là gì?

Nội soi dạ dày tá tràng là kỹ thuật thăm khám bên trong đường tiêu hóa  nhờ vào camera gắn ở đầu ống nội soi mềm có đường kính khoảng 1cm đưa  vào cơ thể qua miệng bệnh nhân. Từ việc quan sát hình ảnh mà camera ở ống nội soi đưa lại trên màn hình,  giúp bác sĩ phát hiện những tổn thương ở thực quản, dạ dày, hành tá tràng. Trong quá trình nội soi, có thể đưa các dụng cụ can thiệp qua ổng nội soi để thực hiện:

– Làm các thủ thuật  điều trị như: Cầm máu khi bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa; cắt polyp; lấy dị vật đường tiêu hóa, nong thực quản…

– Lấy mẫu sinh thiết: lấy một lượng mô rất nhỏ (khoảng 1mm) để thực hiện sinh thiết nhằm phát hiện các các bệnh lý như chảy máu, tiêu chảy hoặc chẩn đoán ung thư dạ dày.

 

Máy với chức năng nội soi dải tần hẹp NBI (Narrow Band Imaging), cho phép quan sát sắc nét và phân tích kỹ lưỡng lớp niêm mạc ống tiêu hóa, khả năng phóng đại hình ảnh giúp mang lại hiệu quả chẩn đoán các tổn thương, ung thư ở giai đoạn rất sớm mà các máy nội soi thông thường khó làm được.

nội soi dạ dày

Nội soi dạ dày là phương pháp tiên tiến giúp phát hiện bệnh lý chính xác

Đối tượng cần nội soi dạ dày, tá tràng

Với thực trạng thực phẩm thiếu an toàn và chế độ ăn uống thiếu khoa học ngày nay, các bệnh về dạ dày, tá tràng xảy ra rất phổ biến. Nếu phát hiện bệnh sớm thì việc điều trị bệnh sẽ đơn giản, hiệu quả. Ngược lại, nếu chủ quan để bệnh tiến triển nặng mới đi khám thì thường điều trị rất tốn kém thời gian và tiền bạc, thậm chí để lâu ngày có thể trở thành ung thư.

Vậy nên,  ngoài việc nên đi kiểm tra nội soi dạ dày tá tràng định kỳ theo lời khuyên của bác sĩ, thì những trường hợp sau đây phải đến gặp bác sĩ để được khám, tư vấn nội soi càng sớm càng tốt:

+ Đau thượng vị, buồn nôn sau ăn, đau bụng không rõ nguyên nhân

+ Giảm cân không rõ nguyên nhân

+ Ợ chua, ợ hơi, chậm tiêu, trào ngược thức ăn, nuốt nghẹn

+ Kém hấp thu, ăn uống đủ nhưng không hấp thu

+ Nôn ra máu, thiếu máu, đi ngoài ra phân đen

+ Đau ngực nhưng kiểm tra tim mạch bình thường

+ Dùng thuốc chống viêm, giảm đau, gây đau thượng vị

+ Người đang theo dõi bệnh lý dạ dày

+ Người có nguy cơ mắc polyp có yếu tố gia đình

Các phương pháp nội soi dạ dày tá tràng

Nội soi dạ dày, tá tràng hiện nay được thực hiện phố biến ở hầu hết các bệnh viện với 2 phương pháp sau:

  • Nội soi dạ dày qua đường miệng

Đây là phương pháp nội soi dạ dày- tá trạng được áp dụng phổ biến hiện nay cho hầu hết các trường hợp.  Với phương pháp này, ống nội soi được đưa vào để thăm khám thực quản, dạ dày, tá tràng thông qua đường miệng. Tùy vào đặc điểm của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một trong hai hình thức nội soi qua đường miệng sau:

Nội soi dạ dày, tá tràng qua đường miệng

– Nội soi thường: Phương pháp này không dùng thuốc gây mê. Bệnh nhân sẽ thực hiện nội soi trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo. Hình thức này tiết kiệm chi phí, tuy nhiên có một nhược điểm là do soi trong lúc tỉnh táo, ống nội soi to khi đi qua cổ họng sẽ tạo cảm giác buồn nôn, khó chịu, khiến bệnh nhân không nằm im mà có thể cựa quậy, không hợp tác, gây cản trở quá trình nội soi của Bác sĩ.

-Nội soi gây mê (hay còn gọi là nội soi không đau): Với nội soi gây mê, quá trình nội soi giờ chỉ là một giấc ngủ đối với bệnh nhân, xua tan mọi ám ảnh trước đây như khó chịu, nôn.

+ Ưu điểm của hình thức này là hoàn toàn không đau, không gây kích thích, không khó chịu., bác sĩ thực hiện có thể thăm dò hầu hết các bộ phận của đường tiêu hóa,  giảm thiểu tối đa các tai biến, biến chứng.

+ Nhược điểm của hình thức này là chi phí đắt hơn. Sau nội soi một số người có thể thấy mệt mỏi, buồn ngủ do tác dụng của thuốc gây mệ chưa hết, cần phải nghỉ ngơi khoảng 30p phút đến 1 giờ để đảm bảo hoàn toàn tỉnh táo.

  • Nội soi dạ dày, tá tràng qua đường mũi

Vài năm trở lại đây, bên cạnh nội soi dày, tá tràng qua đường miệng, phương pháp nội soi qua đường mũi cũng được đưa vào sử dụng ở một số bệnh viện. Ở phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng ống nội soi với kích thước rất nhỏ (chỉ khoảng 5.9mm) đưa vào thăm khám dạ dày, tá tràng qua đường mũi của bệnh nhân.

Ưu điểm của phương pháp là bệnh nhân có thể tình táo và nói chuyện, trao đổi với bác sĩ trong quá trình nội soi. Do ống nội soi đi qua mũi nên không gây cảm giác khó chịu, buồn nôn, bệnh nhân thoải mái nằm im giúp bác sĩ dễ dàng thực hiện nội soi.

Tuy nhiên phương pháp này vẫn có nhược điểm lớn đó là không thể đồng thời thực hiện các thủ thuật can thiệp (cắt polyp, cầm máu dạ dày, nong thực quản…) trong quá trình nội soi. Nếu muốn thực hiện các thủ thuật này bắt buộc phải chuyển sang hình thức nội soi đường miệng.

Bên cạnh đó những người đang mắc các bệnh về mũi hoặc những người hẹp khe mũi sẽ không thực hiện được phương pháp này.

Quy trình thực hiện nội soi dạ dày, tá tràng

Sau đây là đầy đủ các bước của phương pháp nội soi dạ dày, tá tràng phổ biến nhất hiện nay- nội soi gây mê qua đường miệng:

Người bệnh được thăm khám trước khi nội soi

Bước 1: Bác sĩ nội tiêu hóa thăm khám, đánh giá tình trạng bệnh sử, bệnh lý, chỉ định nội soi và những xét nghiệm nếu cần trước nội soi.

Bước 2: Sau khi đi làm các xét nghiệm được chỉ định, bệnh nhân gặp bác sĩ gây mê để được tư vấn, giải thích về thủ thuật và gây mê trước khi nội soi.

Bước 3: Trước khi vào nội soi từ 10-30 phút bệnh nhân sẽ được cho uống dung dịch làm sạch bọt và nhày trong dạ dày, để giúp cho quan sát và đánh giá tổn thương được tốt nhất.

Bước 4: Thay đồ và vào phòng nội soi thực hiện gây mê.

Bước 5: Thực hiện đưa ống nội soi vào qua miệng bệnh nhân để thực hiện quá trình nội soi dạ dày, tá tràng.

Bước 6: Kết thúc quá trình nội soi và ghi kết quả. Chờ bệnh nhân tỉnh táo, bác sĩ đọc kết quả nội soi.

Bước 7: Bệnh nhân thay đồ và quay trở về phòng khám ban đầu để bác sĩ tư vấn và kê toa thuốc điều trị nếu cần thiết.

Tổng thời gian cho một quá trình nội soi dạ dày tá tràng như trên kéo dài khoảng 2,5 giờ.

Cần chuẩn bị gì trước khi tiến hành nội soi

Để đảm bảo buổi thăm khám và nội soi dạ dày, tá tràng diễn ra thuận lợi và nhanh chóng, bạn cần chú ý những điều sau:

– Cần nhịn ăn ít nhất 6 tiếng trước khi nội soi để đảm bảo dạ dày sạch, bác sĩ có thể quan sát được rõ niêm mạc dạ dày. Nhịn uống ít nhất 2 tiếng trước khi nội soi, không sử dụng thức uống có màu (cà phê, nước dâu,….). Do đó, thời điểm tốt nhất đến bệnh viện để thực hiện nội soi là vào buổi sáng, thuận tiện cho việc nhịn ăn uống.

– Với các bệnh nhân bị hẹp môn vị, cần nhịn ăn ít nhất từ 12-24 giờ, cũng có trường hợp phải rửa dạ dày trước khi nội soi.

– Thông tin đầy đủ cho bác sĩ nếu bạn có tiền sử mắc bệnh tim mạch, hô hấp, huyết áp… hoặc tiền sử dị ứng với bất kỳ một loại thuốc nào.

– Nếu bạn đang sử dụng thuốc điều trị bệnh hoặc các loại thực phẩm chức năng cũng cần thông báo cho bác sĩ.

– Nên tìm hiểu trước những bệnh viện uy tín với đội ngũ bác sĩ và máy móc nội soi tốt, để đảm bảo nội soi an toàn- hiệu quả.

Sau khi nội soi cần lưu ý gì?

– Sau khi nội soi, để đảm bảo an toàn, bệnh nhân nên ngồi nghỉ tại  chỗ ít nhất 30 phút để cơ thể hoàn toàn hồi tỉnh thoải mái rồi mới ra về. Với người lớn tuổi nên có người nhà đi cùng để chăm sóc tốt nhất sau nội soi.

– Không nên ăn ngay sau khi nội soi, mà chờ ít nhất khoảng 2 tiếng. Nên ăn những đồ ăn mềm, dễ tiêu hóa, đặc biệt không ăn đồ cay nóng để không làm tổn tương niêm mạc dạ dày sau nội soi.

Sau nội soi dạ dày người bệnh nên ăn thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa

– Sau nội soi bệnh nhân có thể cảm thấy chướng bụng nhẹ hoặc đau rát cổ họng. Không cần quá lo lắng vì đây là hiện tượng bình thường, sẽ giảm dần và kết thúc trong vòng vài ngày sau nội soi.

Một số biến chứng khi nội soi dạ dày, tá tràng

Mặc dù nội soi dạ dày, tá tràng là thủ thuật đơn giản và được áp dụng phổ biến ở hầu hết các bệnh viện, tuiy nhiên sau nội soi, một số ít trường hợp vẫn có thể gặp một số dạng biến chứng sau:

– Đau và chảy máu.

– Nhiễm trùng sau nội soi.

– Sốc phản vệ sau nội soi.

– Thủng thực quản, dạ dày, tá tràng do trong ống nội soi cọ phải trong quá trình nội soi.

– Tụt huyết áp, khó thở đối với bệnh nhân thực hiện nội soi gây mê).

Biểu hiện của những biến chứng trên là sau nội soi bạn có các triệu chứng: Sốt, đau ngực, khó thở, đi ngoài phân đen hoặc sẫm màu, đau bụng liên tục, nôn mửa… Nếu thấy các hiện tượng trên cần gọi điện ngay cho bác sĩ nội soi để được tư vấn hướng xử lý kịp thời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top