Nguyên nhân gây ra các bệnh về tuyến nước bọt
Có 3 tuyến nước bọt chính nằm xung quanh xương hàm dưới của người là tuyến nước bọt mang tai, tuyến nước bọt dưới lưỡi và tuyến nước bọt dưới xương hàm. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các bệnh lý về tuyến nước bọt là tuyến bị tắc nghẽn, dẫn tới các triệu chứng đau đớn cho người bệnh. Sỏi tuyến nước bọt là tình trạng đóng khối của canxi và phosphat tại đường ra của các tuyến nước bọt ở khoang miệng. Nếu viên sỏi có kích thước quá lớn có thể làm tắc tuyến nước bọt, gây viêm, thậm chí là áp xe, gây liệt mặt tạm thời hoặc vĩnh viễn. Viêm tuyến nước bọt là hiện tượng tuyến nước bọt bị viêm nhiễm do vi khuẩn, vi rút hoặc nấm. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Hội chứng Sjogren là một rối loạn tuyến nước bọt phổ biến. Bệnh xảy ra khi các tế bào miễn dịch tấn công và phá hủy các tuyến ngoại tiết sản xuất nước mắt và nước bọt, gây khô mắt và khô miệng. Vi rút cũng có thể ảnh hưởng tới tuyến nước bọt bao gồm:
-
Vi rút cúm
-
Vi rút quai bị
-
Vi rút Coxsackie
-
Vi rút Cytomegalo
U lành và ác tính (ung thư) cũng có thể phát triển trong tuyến nước bọt. Tuy nhiên ung thư tuyến nước bọt rất hiếm gặp, thường xảy ra ở độ tuổi từ 50 – 60.
Các triệu chứng của bệnh lý tuyến nước bọt
Triệu chứng của sỏi tuyến nước bọt là:
-
Đau, có cảm giác như bị đè nén tại tuyến và ống dẫn, đôi khi đau dữ dội, nhất là khi ăn.
-
Vùng tuyến tắc bị sưng.
-
Viêm, phù nề quanh vùng ống dẫn.
-
Xoa bóp nhẹ tuyến không thấy nước bọt tiết và đôi khi sờ thấy sỏi.
-
Trường hợp bội nhiễm vi khuẩn có thể kèm theo sốt, nổi hạch ở góc hàm và có thể có mủ.
Triệu chứng của viêm tuyến nước bọt là:
-
Miệng có vị bất thường hoặc có mùi hôi
-
Không thể mở to miệng
-
Khó chịu hoặc đau khi mở miệng
-
Có mủ trong miệng
-
U nang phát triển trong tuyến nước bọt có thể gây ra:
-
Ăn uống khó khăn
-
Khó nói
-
Khó nuốt
Virus trong tuyến nước bọt, chẳng hạn như quai bị có thể gây ra các triệu chứng như:
-
Sốt
-
Đau cơ
-
Đau khớp
-
Sưng ở cả hai bên khuôn mặt
-
Đau đầu
Các triệu chứng của hội chứng Sjogren bao gồm:
-
Khô miệng
-
Khô mắt
-
Sâu răng
-
Lở loét trong miệng
-
Đau khớp hoặc sưng
-
Ho khan
-
Mệt mỏi
-
Tuyến nước bọt bị sưng
-
Nhiễm trùng tuyến nước bọt thường xuyên
Điều trị các bệnh lý tuyến nước bọt
Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ tiến triển của bệnh. Với những trường hợp có khối u ở tuyến nước bọt gây tắc nghẽn, phẫu thuật có thể được chỉ định để loại bỏ khối u hoặc cắt bỏ tuyến nước bọt. Nếu khối u là ác tính, người bệnh có thể sẽ phải xạ trị để tiêu diệt các tế bào ung thư. Nếu khối u là lành tính, điều trị bằng xạ trị là không cần thiết. Kháng sinh được áp dụng cho các trường hợp viêm tuyến nước bọt do vi khuẩn. Chăm sóc tốt cho răng miệng là một yếu tố quan trọng để điều trị các bệnh lý tuyến nước bọt thành công. Đánh răng và dùng chỉ nha khoa răng ít nhất hai lần một ngày có thể giúp ngăn ngừa rối loạn tuyến nước bọt và sâu răng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh