✴️ Điều trị bệnh tiểu đường type 2

Tiểu đường type 2 hay tiểu đường loại 2 là loại tiểu đường phổ biến nhất, thường gặp ở người trên 40 tuổi. Điều trị bệnh tiểu đường type 2 bao gồm ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, sử dụng thuốc hoặc điều trị insulin, theo dõi lượng đường trong máu. Việc điều trị giúp giữ cho lượng đường trong máu người bệnh gần mức bình thường, ngăn ngừa các biến chứng.

 

Ăn uống lành mạnh

Thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (GI), chẳng hạn như rau quả giàu chất xơ, rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường type 2

 

Trên thực tế không có một chế độ ăn uống cụ thể nào cho người bệnh tiểu đường type 2. Tuy nhiên có một số lưu ý về việc ăn uống như hạn chế tiêu thụ các loại thức ăn có nguồn gốc từ động vật, carbohydrate tinh chế và đồ ngọt, tăng cường ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt.

Thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (GI) cũng rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường type 2. Đây là chỉ số phản ánh tốc độ làm tăng đường huyết sau khi ăn các thực phẩm giàu chất bột đường. Do đó các thực phẩm có chỉ số GI cao sẽ làm tăng lượng đường trong máu nhanh chóng. Trong khi đó thực phẩm có chỉ số GI thấp sẽ giúp ổn định lượng đường trong máu hơn.  Thực phẩm có chỉ số GI thấp thường là những thực phẩm giàu chất xơ.

Người bệnh có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia dinh dưỡng để biết được chế độ ăn uống phù hợp với tình trạng sức khỏe.

 

Hoạt động thể chất

Tập thể dục thường xuyên là thói quen tốt cho sức khỏe mà tất cả mọi người nên thực hiện, với người bệnh tiểu đường type 2 cũng không là ngoại lệ

 

Tập thể dục thường xuyên là thói quen tốt cho sức khỏe mà tất cả mọi người nên thực hiện, với người bệnh tiểu đường type 2 cũng không là ngoại lệ. Người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu việc tập luyện. Với những trường hợp ít vận động, nên bắt đầu từ từ, với cường độ vừa phải sau đó tăng dần lên.

Cần nhớ rằng hoạt động thể chất có thể làm giảm lượng đường trong máu. Do đó nên kiểm tra lượng đường trong máu trước khi tập. Bệnh nhân tiểu đường type 2 cũng nên ăn nhẹ để ngăn ngừa tình trạng lượng đường trong máu giảm xuống (nếu dùng thuốc làm giảm lượng đường trong máu).

 

Theo dõi lượng đường trong máu

Tùy theo kế hoạch điều trị, người bệnh có thể kiểm tra và ghi lại lượng đường trong máu nhiều lần trong ngày

 

Tùy theo kế hoạch điều trị, người bệnh có thể kiểm tra và ghi lại lượng đường trong máu nhiều lần trong ngày. Hãy hỏi bác sĩ để biết bao lâu thì cần kiểm tra lượng đường trong máu. Giám sát cẩn thận là cách duy nhất để đảm bảo lượng đường trong máu vẫn ở mức kiểm soát.

 

Thuốc trị tiểu đường và điều trị insulin

Một số trường hợp mắc bệnh tiểu đường type 2 có thể đạt được mức đường huyết mục tiêu bằng chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý, tuy nhiên nhiều người cần phải điều trị bằng thuốc hoặc điều trị insulin. Việc sử dụng loại thuốc nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả lượng đường trong máu hoặc bất cứ vấn đề sức khỏe nào mà người bệnh đang gặp phải.

Một số loại thuốc thường được dùng trong điều trị bệnh tiểu đường type 2 là:

Metformin (Glucophage, Glumetza…): metformin là loại thuốc thường được sử dụng đầu tiên trong điều trị bệnh tiểu đường type 2. Thuốc có tác dụng cải thiện sự nhạy cảm của các mô cơ thể đối với insulin để cơ thể có thể sử dụng insulin một cách hiệu quả hơn. Metformin cũng làm giảm sản xuất glucose ở gan.

Sulfonylureas: thuốc có tác dụng giúp cơ thể tiết ra nhiều insulin hơn.

Meglitinides: loại thuốc này hoạt động như sulfonylureas bằng cách khuyến khích cơ thể tiết ra nhiều insulin hơn, tuy nhiên chúng hoạt động nhanh hơn và không lưu lại lâu trong cơ thể.

Thiazolidinedione: giống như metformin, loại thuốc này làm cho các mô của cơ thể nhạy cảm hơn với insulin.

Chất ức chế DPP-4: thuốc này giúp làm giảm lượng đường trong máu.

GLP-1: có tác dụng giúp làm chậm tiêu hóa và giảm lượng đường trong máu, mặc dù không nhiều như sulfonylureas.

 

Điều trị bằng insulin

Một số người bệnh tiểu đường type 2 cũng cần phải điều trị bằng insulin

 

Một số người bệnh tiểu đường type 2 cũng cần phải điều trị bằng insulin. Trước đây, liệu pháp này thường là lựa chọn điều trị cuối cùng nhưng hiện tại đã được sử dụng sớm hơn vì những lợi ích của nó.
Insulin là một protein (chất đạm) nên khi uống vào đường tiêu hóa sẽ bị phân hủy, vì vậy phải dùng theo đường tiêm. Có nhiều loại insulin và mỗi loại có một tác dụng riêng, bao gồm:

Insulin glulisine (• Humulin R).

Insulin lispro (Humalog).

Insulin aspart (Novolog).

Insulin glargine (Lantus).

Insulin detemir (Levermir).

Insulin isophane (Humulin N, Novolin N).

 

Phẫu thuật giảm béo

Những người mắc bệnh tiểu đường type 2 và có chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn hơn 35, có thể sẽ cần phẫu thuật giảm cân. Lượng đường trong máu trở lại bình thường trong 55 – 95% người bệnh tiểu đường, tùy thuộc vào loại phẫu thuật được áp dụng.

Hạn chế của phương pháp này là chi phí và những rủi ro liên quan, trong đó có nguy cơ tử vong. Ngoài ra người bệnh phải thay đổi lối sống và các biến chứng lâu dài có thể là suy dinh dưỡng và bệnh loãng xương.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top