Nam diễn viên Nelsan Ellis, người được biết tới qua series phim “True Blood”của HBO đã qua đời vào ngày 8/7 vừa qua khi mới 39 tuổi. Nguyên nhân cái chết của anh được xác định là do biến chứng suy tim.
Suy tim xảy ra khi cơ tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu bình thường của cơ thể. Điều này có thể xảy ra khi tim không được bơm đầy máu, hoặc tim không có đủ sức để bơm máu đi toàn cơ thể. Suy tim có thể phát triển do một số căn bệnh khác gây tổn thương hoặc khiến cơ tim làm việc quá sức. Về lâu dài, điều này có thể khiến cơ tim bị yếu đi, dẫn tới bệnh suy tim.
Một số tình trạng sau đây có thể là nguyên nhân gây suy tim, dẫn tới cái chết của nam diễn viên Nelsan Ellis khi còn quá trẻ:
Bệnh mạch vành là tình trạng xảy ra khi các mảng xơ vữa tích tụ trong thành động mạch, làm giảm lưu lượng máu về tim khiến tim không được bơm đầy máu. Đây là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất dẫn tới suy tim. Bệnh mạch vành có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim do sự hình thành các cục máu đông.
Nồng độ đường huyết cao ở những người mắc đái tháo đường có thể làm tổn thương tới hệ thống động mạch vành và dẫn tới suy tim. Người bệnh đái tháo đường cũng có nguy cơ cao bị tăng huyết áp, khiến tim phải hoạt động vất vả hơn để bơm máu. Về lâu dài, điều này cũng có thể dẫn tới bệnh suy tim.
Van tim là bộ phận giúp máu đi theo một chiều nhất định. Chính vì vậy, khi van tim bị tổn thương hoặc hư hỏng, tim phải co bóp nhiều hơn, hoạt động nhiều hơn để thực hiện nhiệm vụ bơm đủ máu đi nuôi cơ thể dẫn đến suy tim. Một số tình trạng có thể gây ra các bệnh van tim bao gồm dị tật tim bẩm sinh, viêm màng trong tim do nhiễm trùng hoặc bệnh mạch vành.
Một người có thể được chẩn đoán bệnh cơ tim khi cơ tim bị phì đại, dày lên hoặc xơ cứng. Các yếu tố có thể gây ra bệnh cơ tim bao gồm lạm dụng rượu bia, chất kích thích; Tiếp xúc với các chất độc, đặc biệt là các kim loại nặng hay nhiễm trùng cơ tim. Ngoài ra, một số người bị ảnh hưởng bởi những đột biến di truyền nhất định, khiến họ dễ mắc các bệnh cơ tim.
Tình trạng rối loạn nhịp tim, nhịp tim nhanh, không đều… đều có thể làm tăng nguy cơ suy tim do tim phải làm việc nhiều hơn bình thường. Tim đập quá chậm cũng sẽ không thể bơm máu đủ máu đi nuôi cơ thể, dẫn đến thiếu máu cơ tim, suy tim.
Dị tật tim bẩm sinh là các vấn đề về tim xảy ra từ khi mới sinh. Trong một số trường hợp, tim hoặc các buồng tim không được phân chia đúng, dẫn tới việc tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu, làm tăng nguy cơ bệnh suy tim.
Suy tim là con đường chung cuối cùng của các bệnh tim mạch. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể đảo ngược được quá trình này nếu có những phương pháp phòng ngừa suy tim phù hợp.
- Dùng thuốc điều trị:
Dùng thuốc đúng chỉ định là yêu cầu tiên quyết để giúp hạn chế tiến triển của bệnh tim mạch và ngăn ngừa nguy cơ suy tim. Tùy từng tình trạng bệnh cụ thể, bạn sẽ được chỉ định dùng những loại thuốc phù hợp, vì vậy bạn cần tuân thủ dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sỹ.
- Điều chỉnh lối sống: Lối sống là yếu tố quan trọng quyết định tới hiệu quả điều trị của các bệnh tim mạch. Bạn nên hạn chế những thực phẩm giàu chất béo và chất kích thích như rượu bia, thuốc lá… ăn ít muối và tập thể dục đều đặn để tăng cường sức khỏe cho tim.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh