Những đối tượng dễ bị bệnh giãn tĩnh mạch chân “ghé thăm” bao gồm: phụ nữ mang thai, những người lớn tuổi, người bị béo phì, người có nghề nghiệp phải đứng hay ngồi tại chỗ quá lâu như thu ngân, nhân viên văn phòng…
Ở người bình thường, máu nghèo oxy sẽ theo đường tĩnh mạch sâu trở về tim. Máu di chuyển được nhờ vào 3 cơ chế: lực đẩy ở chân lúc đi lại do sự co bóp khi co cơ bắp chân và đùi, lực hút tạo ra khi hít thở và nhờ hệ thống van trong lòng tĩnh mạch ngăn ngừa máu không trào ngược xuống dưới.
Tuy nhiên, khi 1 trong 3 cơ chế trên có vấn đề, máu sẽ không trở về tim được. Từ đó, làm xuất hiện dòng máu trào ngược dẫn đến tình trạng bị ứ đọng tại tĩnh mạch chân, lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng suy tĩnh mạch mạn tính.
Ban đầu, khi chưa có nhiều triệu chứng, bệnh nhân dễ chủ quan, lơ là, và nhầm tưởng chỉ là các triệu chứng tạm thời. Nếu không nhanh chóng phát hiện rồi điều trị đúng cách, bệnh dễ phát sinh biến chứng, hình thành các cục máu đông, gây tắc mạch máu, khiến máu không vận chuyển xuyên suốt cơ thể, người bệnh dễ bị thiếu máu não hoặc nhồi máu cơ tim.
Tình trạng ứ máu tĩnh mạch ở chân lâu ngày dẫn đến rối loạn biến dưỡng da vùng cẳng chân dẫn đến hiện tượng chân bị phù, dày lên có thể tróc vảy, chảy nước và chàm da, thay đổi sắc tố da, loét da lâu lành. Bên cạnh đó, các tĩnh mạch trương to rất dễ bị vỡ khi bị va chạm nhẹ, gây xuất huyết, bầm máu.
Các tĩnh mạch này nếu không được lấy bỏ có nguy cơ hình thành nên các cục máu đông gây ra huyết khối tĩnh mạch. Những khối máu đông này có thể bong ra, trôi theo dòng máu về tim rồi đi lên phổi gây tắc động mạch phổi dẫn đến tử vong, rất nguy hiểm đến tính mạng.
Suy tĩnh mạch chân làm chất lượng cuộc sống của phái đẹp giảm đi đáng kể, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, vẻ đẹp thẩm mĩ và nguy hiểm đến cả tính mạng của bản thân. Để phòng tránh bệnh suy giãn tĩnh mạch chân, các chị em phụ nữ cần lưu ý đến những điều sau: Thứ nhất, không đứng lâu, ngồi nhiều, nhất là với những chị em làm việc thường xuyên trong văn phòng. Nếu ngồi làm việc lâu có thể phối hợp các động tác vận động chân giúp máu lưu thông tốt hơn (như co duỗi các ngón chân, gấp duỗi cổ chân…).
Thứ hai, chị em có thể tập luyện các môn như: đạp xe, tập dưỡng sinh, bơi lội… tốt nhất là đi bộ, vì những môn thể thao này giúp tăng hoạt động của khớp cổ chân và bắp chân.
Tránh những môn thể thao nặng như bóng đá, tennis, bóng chuyền… Ngoài ra, chị em cũng cần có khám tổng quát định kỳ và có kế hoạch tầm soát bệnh cụ thể để bảo vệ cho đôi chân của mình được khỏe mạnh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh