Đã bao giờ bạn dành 1 phút lắng nghe nhịp đập của trái tim mình? Bạn tự hỏi nhịp tim nhanh, chậm không đều có ảnh hưởng gì với sức không? Nhịp tim như thế nào mới là tốt? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho quý vị thông tin về nhịp tim của người bình thường là bao nhiêu và các dấu hiệu của một trái tim không khỏe.
1. Nhịp tim của người bình thường là bao nhiêu?
Nhịp tim là tốc độ nhịp đập của tim, được đo bằng số lần co thắt (nhịp đập) của tim trong mỗi phút. Nhịp tim có thể thay đổi theo nhu cầu thể chất của cơ thể, bao gồm cả nhu cầu hấp thu oxy và bài tiết cacbon dioxide. Theo hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, nhịp tim của một người bình thường khi nghỉ ngơi là khoảng 60-90 nhịp/phút. Tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định rằng nhịp tim của người bình thường khỏe mạnh sẽ rơi vào khoảng từ 60-80 nhịp/phút.
v
Các hoạt động cơ thể có thể tạo ra thay đổi nhịp tim bao gồm: tập thể dục, ngủ, lo lắng, căng thẳng, bệnh tật và khi uống thuốc. Nhịp tim nhanh, chậm hay không đều có thể cảnh báo các nguy cơ về sức khỏe liên quan đến tim mạch. Khi đó bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra và phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan.
2. Nhịp tim nhanh do đâu?
Nhịp tim nhanh là nhịp tim mà khi nghỉ ngơi có số lần nhịp đập trên 100 nhịp/phút. Nhịp tim nhanh có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như tập thể dục, uống quá nhiều đồ uống có chứa caffeine, sốt, cường tuyến giáp, lo lắng, căng thẳng, ,… Theo các bác sĩ, nguyên nhân gây ra nhịp tim nhanh chủ yếu là do lo lắng, căng thẳng gây nên.
Tuy nhiên khi tim đập nhanh, nó sẽ bơm máu kém hiệu quả đi và lưu lượng máu được cung cấp sẽ ít hơn so với các phần còn lại của cơ thể, bao gồm cả chính nó. Nhịp tim tăng cũng dẫn đến việc nhu cầu oxy cần cho tim (cơ tim) là cao hơn, việc này có thể dẫn đến thiếu máu cục bộ và như vậy sẽ có thể gây ra một cơn đau tim (nhồi máu cơ tim).
3. Nhịp tim chậm có nên lo lắng?
Nhịp tim chậm là nhịp tim khi nghỉ ngơi có số lần nhịp đập dưới 60 nhịp/phút. Nhiều vận động viên điền kinh có nhịp tim chậm khi nghỉ ngơi có thể dưới 40 nhịp/phút do những người này thường xuyên tập luyện thể thao nên cơ tim của họ khỏe hơn, cơ tim không phải làm việc quá vất vả để giữ nhịp đập đều đặn và do đó những người có nhịp tim chậm này sẽ khỏe hơn.
Tuy nhiên một người bình thường có nhịp tim chậm có thể gây mệt mỏi, suy nhược, chóng mặt, đổ mồ hôi và nếu nhịp tim rất thấp, sẽ gây ra ngất xỉu.
Trong khi ngủ, nhịp tim chậm với tỷ lệ khoảng 40-50 nhịp/phút là phổ biến và được coi là bình thường. Khi nhịp tim chậm có thể do một số vấn đề về sức khỏe như các bệnh lý tim mạch, thiếu máu cục bộ cấp hoặc mạn tính, bệnh van tim, sự tự động giảm của nhịp tim hay các yếu tố không do tim như vấn đề trao đổi chất, nội tiết, sự mất cân bằng điện giải, yếu tố thần kinh, phản xạ tự trị, …
4. Rối loạn nhịp tim nguy hiểm như thế nào?
Rối loạn nhịp tim là tình trạng hoạt động điện tim nhanh, chậm bất thường. Các rối loạn nhịp tim có thể xảy ra trong buồng trên của tim (tâm nhĩ), hay trong buồng dưới của tim (tâm thất), ở bất kì độ tuổi nào. Rối loạn nhịp tim thường khó nhận biết nhưng có thể dễ dẫn đến đột tử do tim. Một số tình trạng rối loạn nhịp tim phải cấp cứu và nguy hiểm đến tính mạng thậm chí có thể dẫn đến ngừng tim ngay cả khi bệnh nhân đang được chuyển trên đường đến viện.
Một số rối loạn nhịp tim có triệu chứng bất thường và có thể dễ nhận thấy như thay đổi nhịp tim (đánh trống ngực). Tuy nhiên đa số các rối loạn nhịp tim đều khó nhận biết nhưng lại thường rất nguy hiểm. Rối loạn nhịp tim, nhịp tim nhanh hay chậm đều có thể biểu hiện các dấu hiệu của bệnh lý tim mạch khi đó bạn nên đến kiểm tra các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch để được tư vấn và chuẩn đoán chính xác nhất.
5. Các dấu hiệu bạn nên khám tim mạch sớm
Dưới đây là một số dấu hiệu bạn nên đi khám tim mạch để tránh nguy cơ rủi ro mắc các bệnh lý liên quan:
- Mệt mỏi kéo dài
- Đau nhức toàn thân
- Chóng mặt buồn nôn
- Đổ mồ hôi nhiều, liên tục, thường xuyên
- Khó thở
- Mất ngủ thường xuyên
- Cảm giác lo lắng, hồi hộp kéo dài,…
Khi cơ thể có các dấu hiệu bất thường về nhịp tim nêu trên, bạn không nên chủ quan mà hãy đi kiểm tra với các bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được thăm khám, chẩn đoán và có kết luận chính xác nhất. Việc làm trên cũng là biện pháp phòng ngừa và bảo vệ tốt nhất cho trái tim của bạn.
Hy vọng thông qua bài viết trên, quý vị đã hiểu rõ tốc độ vận hành của trái tim mình và những dấu hiệu bất thường của nhịp tim để có biện pháp phòng ngừa hợp lý.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh