Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu

Huyết khối tĩnh mạch sâu là một trong những vấn đề thường gặp hiện nay, phổ biến nhất ở các tĩnh mạch sâu vùng chân. Bệnh nhân mắc bệnh này có tỷ lệ tử vong rất cao. Trong đó, biến chứng thuyên tắc phổi (tắc mạch phổi) là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người có huyết khối tĩnh mạch.

 

1. Huyết khối tĩnh mạch sâu là bệnh gì?

Tĩnh mạch là hệ thống mạch máu có nhiệm vụ đưa máu sau khi trao đổi oxy từ các cơ quan về tim để tiếp tục chu trình tuần hoàn tiếp theo. 

Có 3 loại tĩnh mạch bao gồm: tĩnh mạch sâu, tĩnh mạch nông và tĩnh mạch xuyên. Trong đó, tĩnh mạch sâu vận chuyển 90% lưu lượng máu tĩnh mạch 2 chân, gồm tĩnh mạch chày, kheo, đùi. Tĩnh mach sâu nhận máu đổ về từ các tĩnh mạch nông qua tĩnh mạch xuyên. Tại các tĩnh mạch có hệ thống van cho phép máu chảy theo một chiều nhất định.

Huyết khối tĩnh mạch sâu là hiện tượng các cục máu đông hình thành bên trong lòng tĩnh mạch. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ tĩnh mạch nào trong cơ thể, nhưng thường gặp nhất ở tĩnh mạch chi dưới.

 

Trong các tĩnh mạch sâu, đặc biệt tĩnh mạch chi dưới có thể có sự tồn tại các cục máu đông.

 

2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của bệnh huyết khối tĩnh mạch

Có 3 yếu tố chính gây ra huyết khối tĩnh mạch bao gồm sự tắc nghẽn, ứ trệ tuần hoàn máu, tình trạng tăng đông máu và tổn thương lớp nội mạc của các tĩnh mạch. Tất cả nguyên nhân dẫn đến 3 yếu tố trên đều là lý do gây ra huyết khối trong lòng tĩnh mạch.

2.1 Nguyên nhân gây ra huyết khối tĩnh mạch sâu

Các chấn thương hoặc bệnh lý gây cục máu đông ở tĩnh mạch gồm:

  • Phẫu thuật: Các biến chứng của quá trình phẫu thuật như chỉnh xương, phẫu thuật ngực, bụng… đều có thể gây tổn thương tĩnh mạch hoặc làm rối loạn lưu thông máu, dễ gây ra cục máu đông.
  • Bệnh lý ác tính: Các loại ung thư tại các cơ quan như tụy, phổi, buồng trứng, tinh hoàn, tiết niệu, dạ dày… thể ác tính thường làm tăng nguy đông máu, gây ra các huyết khối tĩnh mạch.
  • Chấn thương: Gãy xương đùi, gãy đốt sống là những tổn thương có thể dẫn tới cục máu đ9ông ở tĩnh mạch.
  • Bất động kéo dài: Việc nằm lâu 1 chỗ do mắc các bệnh mạn tính hoặc chấn thương có thể gây ứ trệ tuần hoàn, tạo điều kiện hình thành huyết khối.
  • Rối loạn đông máu: Đây có thể là căn bệnh bẩm sinh hoặc hình thành do rối loạn của hệ thống mạch máu và là nguyên nhân làm tăng đông máu.
  • Suy tĩnh mạch: Các van tĩnh mạch hoạt động không bình thường có thể khiến máu không chảy được về tim, ứ đọng tại chân và gây hình thành cục máu đông.

 

Các bệnh lý và những thói quen sinh hoạt như lười vận động, đứng hay nằm nhiều một chỗ trong thời gian dài,… có thể gây huyết khối ở tĩnh mạch.

 

2.2 Những yếu tố nguy cơ của huyết khối tĩnh mạch sâu

  • Mang thai: Quá trình mang thai nặng nề có thể cản trở lưu lượng máu về tim, gây ứ trệ tuần hoàn, tình trạng tăng đông máu.
  • Dùng thuốc: Việc điều trị bằng hormon estrogen hay dùng thuốc ngừa thai kéo dài là nguyên nhân gây huyết khối tĩnh mạch thường gặp ở những phụ nữ trẻ. 
  • Tiền sử bệnh: Người có tiền sử bị huyết khối tĩnh mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim ứ huyết,… là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch.
  • Béo phì: Béo phì thường liên quan đến xơ vữa động mạch nên cũng tác động làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối.
  • Hút thuốc lá: Hút thuốc lá có thể phá hủy thành mạch, làm tăng nguy cơ hình thành xơ vữa và cục máu đông.
  • Ít vận động: Người ít vận động, thường xuyên ngồi một chỗ dễ bị ứ trệ tuần hoàn hoặc tích tụ cholesterol gây xơ vữa và huyết khối.
  • Tuổi tác: Bệnh này có xu hướng tăng theo tuổi và thường xảy ra ở những người lớn tuổi.

 

3. Biến chứng huyết khối ở các tĩnh mạch sâu

Biến chứng nguy hiểm nhất của huyết khối ở tĩnh mạch sâu là thuyên tắc phổi. Các huyết khối có thể theo dòng máu tĩnh mạch đổ về tâm nhĩ phải, xuống tâm thất phải. Khi tâm thất phải bóp đưa máu lên phổi trao đổi oxy có thể cũng tống cả cục máu đông lên phổi. Các cục máu đông bị tắc lại ở đây không di chuyển được, gây tắc mạch phổi.

Người bệnh có thể bị loét da, đau chân, phù nề chân kéo dài ở vị trí tĩnh mạch bị huyết khối.

Huyết khối tại tĩnh mạch sâu có thể gặp ở nhiều đối tượng khác nhau và thường tăng theo tuổi. Những tổn thương ở tĩnh mạch do huyết khối có thể gây ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Vì vậy, khi có bất cứ triệu chứng cảnh báo hoặc nằm trong đối tượng nguy cơ cao thì người bệnh nên đi khám để được điều trị sớm mang lại hiệu quả điều trị cao.

 

Huyết khối tĩnh mạch nếu không được điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng, trong đó nguy hiểm nhất là thuyên tắc phổi.

 

4. Triệu chứng của bệnh huyết khối tĩnh mạch

Đa số các trường hợp bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên có một số triệu chứng cơ năng có thể là dấu hiệu nhận biết gồm:

  • Đau mức độ đau nhẹ hoặc đau dữ dội, tăng khi đi lại.
  • Thay đổi màu da vùng da bất thường, da thường chuyển thành màu xanh đen hoặc một màu sắc khác.
  • Sưng, cảm giác nặng nề ở bên chân có huyết khối so với bên chân còn lại.
  • Sốt không rõ nguyên nhân.
  • Nóng ở vùng da bị huyết khối.
  • Giãn tĩnh mạch nông.

Đặc biệt khó thở, ho nhiều đôi khi ho ra máu, đau ngực… là những biểu hiện khi huyết khối tĩnh mạch gây biến chứng thuyên tắc phổi. Khi có các triệu chứng nguy hiểm này, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện ngay để được điều trị kịp thời.

Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu thêm về bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu. Đây là một căn bệnh nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì thế hãy chủ động thăm khám tim mạch thường xuyên để phát hiện và điều trị bệnh sớm, tránh những biến chứng có thể xảy ra.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top