✴️ Bệnh thiếu máu cơ tim có triệu chứng như thế nào?

1. Tổng quan về bệnh thiếu máu cơ tim 

Bệnh thiếu máu cơ tim hay còn được mô tả là có thể là tình trạng thiếu máu cục bộ hoàn toàn bộ cơ tim. Căn bệnh này thường phát sinh khi lưu lượng máu toàn bộ mạch vành (động mạch) và mạng lưới mạch máu bao xung quanh tim làm giảm lượng máu giàu oxy và chất dinh dưỡng nuôi cơ tim. Tình trạng này cũng là nguyên nhân khiến cho khả năng hoạt động co bóp của tim bị thuyên giảm và làm quá trình tống máu diễn ra yếu hơn. Nếu không được tưới máu kịp thời thì nguy cơ tổn thương cơ tim, hoại tử cơ tim dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Tình trạng cơ tim thiếu máu khiến cho chức năng bơm của tim bị ảnh hưởng rất nhiều. Điển hình như cơ tim bị tổn thương gây ra hiện tượng rối loạn nhịp tim hoặc nặng nề hơn là nhồi máu cơ tim. Hậu quả này được lý giải do động mạch vành (tức động mạch tim) bị tắc nghẽn máu một phần hoặc toàn bộ một cách đột ngột. Trong khi đó, loại động mạch này có chức năng cấp máu để duy trì sự sống và hoạt động của tim. Chính vì thế, bệnh lý này có tỷ lệ gây tử vong khá cao và vượt qua cả các căn bệnh như đột quỵ não, ung thư,...

2. Triệu chứng của bệnh thiếu máu cơ tim

Theo bác sĩ, phần lớn những người mắc bệnh thiếu máu cơ tim đều không có những triệu chứng  rõ ràng và dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý liên quan. Tuy nhiên, mọi người có thể nhận biết bệnh khi cơ thể lặp lại nhiều dấu hiệu bất thường tập trung chủ yếu ở ngực. Điển hình nhất là hiện tượng đau tức vùng thắt ngực, đây là một biểu hiện lâm sàng khá phổ biến ở phần lớn các bệnh nhân khi mắc bệnh. Thực tế, cơn đau này xuất phát từ việc động mạch vành khi bị tổn thương với những đặc điểm như:

  • Cơn đau xuất hiện ngày một thường xuyên, nhất là sau khi dùng nhiều sức lực cơ thể, bị nhiễm lạnh hoặc xúc cảm biểu hiện mạnh mẽ,... Thông thường, mỗi cơn đau sẽ kéo dài ít nhất 3 phút và tối đa là khoảng 15 phút.
  • Tính chất cơn đau giống như bị đè nặng, co thắt hoặc bóp nghẹt ở phần ngực. Cơn đau thường lan truyền từ phía sau xương ức lên phần cằm rồi lan rộng sang phía vai trái rồi chuyển xuống cánh tay trái.
  • Sau khi sử dụng Nitroglycerin hoặc có thời gian để nghỉ ngơi thì bệnh nhân sẽ cảm thấy đỡ đau tức phần ngực hơn. 

Ngoài ra, những bệnh nhân bị tiểu đường, người lớn tuổi hoặc phụ nữ mắc bệnh có thể xuất hiện một số biểu hiện như:

  • Phần hàm, cổ, cánh tay và vai thường xuyên xuất hiện cơn đau nhức. Cơn đau có thể kéo dài hoặc xuất hiện trong khoảng một thời gian ngắn.
  • Số lượng nhịp đập của tim nhiều hơn, tức nhịp tốc độ đập của tim nhanh hơn.
  • Khi cơ thể vận động thường cảm thấy khó thở.
  • Thường xuyên cảm thấy buồn nôn và nôn ói.
  • Tuyến mồ hôi đổ ra nhiều hơn.
  • Cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi.

Nhìn chung, việc chẩn đoán bệnh dựa trên những biểu hiện lâm sàng vẫn chưa thực sự chính xác. Do đó, mọi người nên chủ động quan tâm và theo dõi những dấu hiệu bất thường của cơ thể để hỗ trợ bác sĩ trong quá trình thăm khám. Với tính chất nghiêm trọng của bệnh lý này, các bạn nên ý thức bảo vệ sức khỏe của mình để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Triệu chứng của bệnh thiếu máu cơ tim

3. Các nguyên nhân gây bệnh thường gặp

Theo bác sĩ, bệnh thiếu máu cơ tim thường khởi phát khi sự di chuyển của dòng máu từ trung tâm đến một hoặc nhiều động mạch tim bị cản trở khiến lưu lượng bị giảm. Trong khi đó, hồng cầu tồn tại trong máu giữ nhiệm vụ vận chuyển oxy cho nhiều bộ phận khác của cơ thể. Do đó, tình trạng thiếu máu cho tim sẽ khiến cho lượng oxy của tim bị suy giảm. Bên cạnh đó, sự tiến triển của bệnh lý này hoàn toàn không thể dự đoán được, tức có thể khởi phát bất kỳ lúc nào và gây tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.

Dựa trên một số kiến thức y khoa, nhiều bác sĩ đã đưa ra kết luận tình trạng cơ tim thiếu máu còn có thể xuất phát từ một số bệnh lý dưới đây:

  • Bệnh xơ vữa động mạch: sự tích tụ Cholesterol trên thành động mạch tạo nên những mảng xơ vữa và gây ra nhiều khó khăn trong quá trình vận chuyển máu. Trong đó, nguyên nhân gây bệnh thiếu máu cơ tim ở người trẻ phần lớn xuất phát từ bệnh lý này.
  • Động mạch vành co thắt: hiện tượng động mạch vành bị co thắt trong một thời điểm nào đó cũng khiến cho lưu lượng máu chuyển đến tim bị giảm sút hoặc nặng nề hơn là dòng chảy của máu bị chặn lại. Tuy nhiên, đây không phải là lý do gây bệnh thường gặp ở mọi người.
  • Cục máu đông: sự tan vỡ các mảng xơ chính là nguyên nhân gây ra nhiều cục máu đông gây cản trở lòng mạch máu trong quá trình vận chuyển. Đặc biệt, chúng có thể gây tắc nghẽn mạch nếu gặp phải những đoạn hẹp và gây ra hiện tượng thiếu máu bất ngờ.

Ngoài những bệnh lý được liệt kê trên đây thì một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến tình trạng đau thắt ngực ở bệnh nhân. Điển hình như sự lo âu - căng thẳng quá mức, ở trong môi trường có nhiệt độ thấp, vận động quá sức hoặc sử dụng quá nhiều chất cocain. 

4. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh

Bệnh thiếu máu cơ tim có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào và mọi thời điểm trong sinh hoạt đời sống. Tuy nhiên, những người tồn tại một trong số những yếu tố sau đây thường có khả năng mắc bệnh cao hơn. Cụ thể như:

  • Người hút thuốc lá: việc hút thuốc lá sẽ khiến cho thành động mạch bị xơ cứng, theo thời gian, tình trạng này sẽ ngày một nặng hơn và tạo ra nhiều cục máu đông.
  • Bệnh nhân bị cao huyết áp: dựa trên đặc điểm của bệnh lý này, các bác sĩ đã rút ra kết luận những người mắc bệnh huyết áp cao thường dễ khiến cho động mạch vành bị tổn thương và gây ra hiện tượng xơ vữa động mạch. 
  • Bệnh nhân bị tiểu đường: thường có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hoặc thiếu máu cơ tim cục bộ và nhiều biểu hiện bất thường khác liên quan đến tim mạch.
  • Hàm lượng Triglycerid và Cholesterol trong máu cao hơn: đây là những yếu tố tạo khiến cho bên trong động mạch hình thành nhiều mảng xơ vữa. Trong đó, sự gia tăng hàm lượng Cholesterol thường xuất phát từ chế độ ăn quá nhiều chất béo dạng bão hòa hay cũng có thể di truyền từ gia đình.
  • Tình trạng thừa cân, béo phì: phần lớn những người có cân nặng quá mức thường rất dễ bị bệnh cao huyết áp, đái tháo đường hoặc khiến cho thành phần Cholesterol trong máu tăng cao.
  • Ít vận động hoặc lười vận động: những hoạt động liên quan đến thể chất thường giúp cơ thể khỏe khoắn hơn. Do đó, những người làm biếng vận động hoặc không dành thời gian để tập luyện thể dục thường có khả năng mắc phải bệnh lý này.

 Với những thông tin từ bài viết này, hy vọng các bạn đọc đã hiểu rõ hơn về những nguyên nhân và yếu tố thuận lợi gây ra bệnh thiếu máu cơ tim. Ngoài ra, những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao cũng nên chủ động đề phòng và kiểm tra sức khỏe định kỳ để dễ dàng phát hiện bệnh sớm.

Xem thêm: Mức độ nguy hiểm của bệnh viêm cơ tim như thế nào?

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top