Nhận biết sớm 8 triệu chứng sỏi thận thường gặp nhất sẽ giúp bạn chủ động thăm khám và điều trị kịp thời. Sỏi thận cũng như bất cứ bệnh lý nào, càng can thiệp sớm càng đơn giản, tiết kiệm thời gian, tiền bạc. Cùng tìm hiểu thông tin về các triệu chứng sỏi thận cần lưu ý cũng như cách điều trị hiệu quả trong bài viết sau đây.
Sỏi thận về bản chất là sự lắng cặn của các chất khoáng trong nước tiểu tạo thành các tinh thể rắn. Người bệnh có thể có một hoặc nhiều sỏi ở thận, kích thước từ nhỏ vài mm cho tới rất lớn, chiếm gần trọn đài bể thận.
Thời gian đầu khi mới hình thành, sỏi thận thường tiến triển trong âm thầm, ít khi biểu hiện triệu chứng. Chỉ khi sỏi lớn dần, bắt đầu di chuyển gây cọ xát trong đường tiết niệu thì người bệnh mới có các dấu hiệu bất thường. Sau đây là 8 triệu chứng sỏi thận thường gặp nhất:
Đây là dấu hiệu đặc trưng nhất của sỏi thận. Cơn đau thường đến và đi theo từng đợt. Mỗi đợt có thể kéo dài trong vài phút rồi tạm ngừng và xuất hiện trở lại.
Người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu, đau dọc vùng lưng hông và mạn dưới xương sườn. Đau cũng có thể lan xuống vùng bụng dưới và vùng bẹn khi sỏi di chuyển từ thận xuống niệu quản, bàng quang.
Nhìn chung mức độ đau do sỏi thận không liên quan nhiều đến kích thước sỏi. Có nhiều trường hợp sỏi thận kích thước nhỏ nhưng vẫn gây đau dữ dội khi di chuyển hoặc tắc nghẽn đường tiết niệu.
Nhiều bệnh nhân mô tả về triệu chứng sỏi thận này là cơn đau buốt, bỏng rát mỗi khi tiểu tiện. Có không ít trường hợp nhầm lẫn triệu chứng này với viêm đường tiết niệu.
Thường xuyên muốn đi tiểu hoặc đi tiểu với tần suất nhiều hơn bình thường là dấu hiệu cho thấy sỏi thận đã di chuyển vào niệu quản hoặc bàng quang. Triệu chứng này gây ra nhiều bất tiện cho đời sống hàng ngày vì người bệnh phải di chuyển vào nhà vệ sinh liên tục, có nhu cầu tiểu tiện cả ban ngày lẫn ban đêm khi đang ngủ.
Tiểu ra máu cũng là một trong những triệu chứng sỏi thận thường gặp. Máu trong nước tiểu có thể có màu đỏ, hồng hoặc nâu. Đôi khi các tế bào máu quá nhỏ để quan sát bằng mắt thường mà chỉ phát hiện được dưới kính hiển vi khi thực hiện xét nghiệm nước tiểu. Tình trạng này được gọi là tiểu máu vi thể.
Ở người khỏe mạnh, nước tiểu trong và không có mùi nặng. Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi là biểu hiện của nhiễm trùng ở thận hoặc một bộ phận khác trong đường tiết niệu. Một nghiên cứu thống kê cho biết khoảng 8% những người có sỏi thận bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nước tiểu đục là dấu hiệu trong nước tiểu có mủ. Mùi hôi trong nước tiểu có thể đến từ vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
Trường hợp sỏi thận lớn trong quá trình di chuyển có thể tắc nghẽn ở niệu quản. Sự tắc nghẽn này có thể làm chậm hoặc ngừng dòng chảy của nước tiểu khiến người bệnh đi tiểu khó, ngắt quãng, rặn mạnh mới ra được một ít nước tiểu.
Các triệu chứng này xảy ra do do các kết nối thần kinh chung giữa thận và đường tiêu hóa. Sỏi trong thận có thể kích hoạt các dây thần kinh trong đường tiêu hóa, gây khó chịu cho dạ dày.
Buồn nôn hoặc nôn ói cũng có thể là cách cơ thể phản ứng với những cơn đau dữ dội cho sỏi thận.
Sốt hoặc ớn lạnh là dấu hiệu cho thấy có nhiễm trùng ở thận hoặc cơ quan khác của đường tiết niệu. Đây là biến chứng nghiêm trọng của sỏi thận cần được thăm khám và điều trị sớm.
Sốt do sỏi thận gây nhiễm trùng đường tiết niệu thường khiến người bệnh sốt cao trung bình khoảng 38 độ C hoặc hơn.
Khi có các triệu chứng sỏi thận, người bệnh nên thăm khám càng sớm càng tốt với bác sĩ chuyên khoa tiết niệu. Tại đây bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, tìm hiểu về bệnh sử và chỉ định thực hiện một số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp CT dựng hình hệ tiết niệu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu… để đưa ra kết luận rằng bệnh nhân có sỏi thận hay không.
Tuyệt đối không được chủ quan khi nghi ngờ mắc sỏi thận, sỏi tiết niệu. Sỏi càng để kéo dài sẽ phát triển lớn, đe dọa gây ra nhiều biến chứng như nhiễm trùng đường tiết niệu, thận ứ nước, ứ mủ, giãn đài bể thận, suy thận…
Không tự ý điều trị bằng các bài thuốc lá, rễ cây, mẹo vặt chưa được kiểm chứng khoa học. Điều này có thể khiến cho tình trạng sỏi trở nặng hơn, “tiền mất tật mang” cho chính bạn.
Điều trị sỏi thận tùy thuộc vào kích thước, vị trí cũng như tình trạng sức khỏe của người bệnh. Dựa trên những thông tin này, bác sĩ sẽ là người tư vấn và chỉ định phương pháp phù hợp nhất.
Mục tiêu của điều trị là loại bỏ được sỏi, chấm dứt các triệu chứng sỏi thận khó chịu đồng thời ngăn chặn biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Điều trị nội khoa (dùng thuốc) chỉ định cho các trường hợp sỏi thận kích thước nhỏ, sỏi <1cm, đường tiết niệu thông thoáng. Các bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc để hỗ trợ đào thải sỏi ra ngoài theo đường nước tiểu như thuốc giãn cơ trơn, lợi tiểu, kháng viêm, giảm đau… Bên cạnh đó người bệnh cũng cần điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể là uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, hạn chế chất béo, dành ít nhất 30 phút/ngày để tập thể dục…
Tuy nhiên việc dùng thuốc không phải là giải pháp lâu dài, thuốc không thể làm tan sỏi, nhất là các trường hợp sỏi kích thước lớn. Dùng thuốc trong thời gian kéo dài có thể làm tăng áp lực lên gan và thận, khiến 2 cơ quan này phải làm việc nhiều hơn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Điều trị ngoại khoa bao gồm các phương pháp tán sỏi công nghệ cao và phẫu thuật. Ngày nay với lợi thế ít xâm lấn, giúp làm sạch sỏi nhanh, hạn chế tổn thương, rút ngắn thời gian nằm viện thì tán sỏi đang được áp dụng phổ biến, thay thế cho mổ lấy sỏi.
Tùy theo tình trạng của người bệnh, bác sĩ có thể áp dụng một trong số các phương pháp tán sỏi hoặc kết hợp nhiều phương pháp:
– Tán sỏi ngoài cơ thể: ứng dụng năng lượng sóng điện từ hội tụ tại viên sỏi giúp làm vỡ sỏi thành vụn nhỏ. Vụn sỏi sẽ từ từ trôi ra ngoài theo đường tiểu. Người bệnh không cần mổ, không đau, không nằm viện, ra về ngay sau khi điều trị xong. Chỉ định cho các trường hợp sỏi thận <1.5cm.
– Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser: bác sĩ sẽ đưa ống nội soi đi ngược từ niệu đạo lên bàng quang hoặc niệu quản để tiếp cận với viên sỏi, rồi sử dụng tia laser bắn vỡ sỏi thành vụn. Sau đó hút bỏ ra ngoài. Với phương pháp này, bệnh nhân không có bất cứ vết mổ nào, không đau, có thể ra viện sau 24h. chỉ định cho các trường hợp sỏi thận rơi xuống niệu quản hoặc bàng quang.
– Tán sỏi nội soi qua da đường hầm nhỏ: bác sĩ sẽ tạo một vết trích rất nhỏ (5mm) ở vùng lưng, rồi sử dụng ống nong tạo đường hầm đưa máy nội soi vào bên trong tiếp cận với sỏi ở thận. Tiếp đến là dùng năng lượng từ tia laser để bắn phá sỏi và hút bỏ ra ngoài. Phương pháp này rất hiệu quả với sỏi thận kích thước lớn >1.5cm.
– Tán sỏi nội soi ống mềm: quy trình thực hiện tương tự như tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser. Chỉ định cho sỏi thận >2.5cm.
Hy vọng những thông tin trong bài đã giúp bạn biết được những triệu chứng sỏi thận thường gặp, cách xử trí đúng đắn khi có dấu hiệu mắc bệnh cũng như những thông tin về cách điều trị.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh